Elena Pucillo Truong là tiến sĩ ngôn ngữ và văn học nước ngoài, dạy ngôn ngữ và văn minh Pháp tại ĐH Milano (1982-2010). Từ nhiều năm nay bà cùng chồng là chuyên gia công nghệ hóa dược, nhà văn-dịch giả Trương Văn Dân về Việt Nam (VN) sống và làm việc, mặc dù công việc và cuộc sống của họ ở Ý rất ổn định. Elena có một thời gian dạy tiếng Ý tại Nhạc viện TP.HCM, dạy tiếng Pháp và văn hóa Pháp tại ĐH KHXH&NV TP.HCM.
“Các trang viết của tôi đều có hồn cốt Việt Nam”
. Pháp Luật TP.HCM:Có khó khăn lắm không khi bà cùng chồng quyết định sang VN sống và làm việc, bỏ lại sau lưng công việc và cuộc sống ổn định tại Ý? Đó là ý của chồng mà bà phải theo hay ý của cả hai?
+ Nhà văn Elena Pucillo Truong: Ý là một đất nước rất đẹp và tôi luôn luôn nhớ. Chỉ cần nghe một tiếng chuông nhà thờ, nhìn bầu trời màu xanh lơ là đã làm trái tim tôi đập mạnh. Thế nhưng nếu tôi không đến và sống ở VN thì chẳng khác nào chối từ cả cuộc đời mình, kể từ lúc tôi vừa 16 tuổi. Dĩ nhiên đây là một chọn lựa không dễ dàng nhưng kể từ lúc tôi gặp người thanh niên VN ấy lần đầu, càng lúc tôi càng bị thu hút và càng tò mò muốn hiểu thêm về đất nước này.
. Cảm nhận đầu tiên của bà về đất nước và con người khi lần đầu đến VN, năm nào nhỉ?
+ Lần đầu tiên tôi về VN là năm 1985, sau 13 năm quen biết chồng tôi. Chúng tôi vừa làm đám cưới ở Ý và về tổ chức lần nữa ở VN. Những người bạn VN trên đất Ý tất cả đều đã đón nhận tôi với sự yêu thương trong cộng đồng nhỏ của họ. Và tôi cũng từng tham gia các hoạt động của họ để giúp đỡ và hướng về quê hương xa xôi mà sau đó tôi cũng xem là chính quê hương mình.
. Là công dân một đất nước có truyền thống văn hóa phương Tây đậm đà như nước Ý, khi sang sinh sống ở VN, một đất nước đang phát triển và một nền văn hóa vẫn còn ảnh hưởng tư tưởng phong kiến rơi rớt lại, bà cảm thấy có thể hòa nhập tốt không?
+ Tôi biết nói một ít tiếng Việt, hiểu về phong tục tập quán, truyền thống và lịch sử VN cũng như về đạo Phật... Tất cả điều này đã giúp tôi từng ngày xây dựng mối quan hệ mật thiết, nhất là với quan hệ đã gắn kết tôi với chồng mình.
Trước khi quyết định sang sống hẳn hay dài hạn ở VN, tôi cũng có xem xét những hệ quả và phân tích góp ý của người thân và bạn bè. Và tôi tin là đã hòa nhập tốt. Nhiều người đánh giá các trang viết của tôi đều có hồn cốt VN.
Elena và chồng trong một buổi sinh hoạt tại Quán Văn. Ảnh do nhân vật cung cấp
Thanh niên VN thông minh, chịu khó nhưng...
. Bà có thời gian dạy ở Nhạc viện và ĐH KHXH&NV TP.HCM, thường xuyên tiếp xúc với sinh viên, bà có nhận xét gì về giới trẻ VN hiện nay?
+ Từ chuyến đi VN đầu tiên của tôi năm 1985, tôi đã chứng kiến rất nhiều thay đổi trong xã hội VN với tốc độ ngày càng nhanh, tôi cũng chứng kiến một quá trình Tây phương hóa nhưng không phải điều nào cũng đúng. Dĩ nhiên sự phát triển kỹ thuật rất quan trọng nhưng tôi nghĩ chúng ta đừng bao giờ bỏ quên con người và những nhu cầu chính đáng của họ. Một căn nhà, một nền giáo dục nhân bản để dạy lớp trẻ về cuộc sống. Một nghề nghiệp để mưu sinh. Một bảo đảm cho sức khỏe và tuổi già...
Nói chung, không chỉ riêng ở VN, tuổi trẻ hiện nay đang mất định hướng và hoang mang về những giá trị. Thanh niên VN thông minh và chịu khó nhưng bị áp lực học hành hay công việc nặng nề, cạnh tranh. Ở Ý, những năm sau này tỉ lệ ly dị tăng cao nên những người trẻ không muốn lập gia đình. Có thể cũng vì khó tìm việc làm ổn định nên đắn đo, chưa dám nhận lấy trách nhiệm cho một gia đình. Đó chính là hệ quả của thay đổi xã hội, của chính sách toàn cầu hóa đã làm mất đi những giá trị cốt lõi của đời sống...
. Được biết ông bà thường tham gia những sinh hoạt văn học nghệ thuật cùng nhiều văn nghệ sĩ VN như triển lãm tranh, giới thiệu tác phẩm mới hay hội thảo về văn học, chắc bà có nhiều bạn bè trong giới văn nghệ?
+ Có một điều mà tôi không ngờ đến là nhờ sự khích lệ của chồng tôi và qua các bản dịch của anh, tôi có thể viết và in tập truyện, tùy bút bằng tiếng Việt, được nhiều người biết đến. Không chỉ người Việt sống ở trong nước mà còn cả ở ngoài nước. Mặc dù trước kia tôi từng cộng tác với một số tạp chí ở Ý nhưng tôi không tin là mình có thể làm được điều này ở VN. Vậy mà tôi đã được tiếp tục niềm đam mê của mình là dạy văn học và viết văn ở quê hương thứ hai.
Tôi tin là mình đã chọn lựa bằng trái tim. Định mệnh đã biến giấc mơ thành hiện thực. Trước kia tôi đã có nhiều bạn người Việt ở Ý. Còn bây giờ bạn bè tôi ở VN ngày càng nhiều. Tôi đã trải qua nhiều thời khắc vui buồn cùng bạn bè và có thể nói rằng ở nơi này tôi đã tìm thấy những tình cảm ấm áp của nhiều người mà tôi xem họ như người trong gia đình. Tôi được quen biết một số nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, kiến trúc sư, điêu khắc gia..., trong đó nhiều người rất nổi tiếng. Tôi cũng đã viết những cảm xúc về một vài người đã truyền cho tôi những xúc cảm đặc biệt như nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, cố họa sĩ Đinh Cường...
Tự hào về quê hương Bình Định
. Chồng bà quê Bình Định, bà có biết câu ca dao nào của người Bình Định không?
+ Từ nhiều năm nay Bình Định và VN đã là quê hương của tôi. Tôi được chồng và cả gia đình anh giúp hiểu thêm về văn hóa và phong tục đất nước này. Tôi biết câu ca dao Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi. Nhưng như anh thấy, tôi đâu có sợ đường dài!
. Bà cảm thấy thế nào khi làm dâu Bình Định?
+ Tôi rất tự hào. Cũng nhờ trao đổi với gia đình chồng và bạn bè nên tôi biết nhiều và hiểu về tính cách con người và lịch sử Bình Định. Bạn bè thân thiết còn gọi tôi là “cô dâu Tây Sơn”, “con gái Bình Định”…
. Hình như dịch giả-nhà văn Trương Văn Dân, chồng bà, đang chuẩn bị phát hành tập tùy bút Milano - Sài Gòn, về/sang. Thế bà “về” hay “sang” VN?
+ Vừa về vừa sang. Vì chúng tôi có cả hai quê hương thân yêu.
. Bà có dự án văn học mới nào không?
+ Tôi và chồng vẫn viết đều đặn. Trong năm 2017 này, tôi và chồng tôi mỗi người sẽ in một tập truyện ngắn và tùy bút.
. Xin tò mò một chút: Bút danh cũng là tên thật của bà? Tên thật sao lại có thêm chữ Truong?
+ Đúng vậy. Bút danh cũng là tên thật của tôi. Ở Ý, đàn bà phải lấy thêm họ chồng. Elena là tên và Pucillo là họ của tôi. Còn Trương thì chắc anh biết là họ của chồng tôi rồi.
. Cám ơn bà về cuộc trò chuyện này.
Thời còn ở Ý, bà Elena đã đứng ra tổ chức nhiều cuộc hội thảo về VN như Đổi mới và phát triển kinh tế VN sau ngày thống nhất, Vai trò người phụ nữ và tầm quan trọng của họ trong gia đình VN... Elena cũng đã viết một số bài khảo cứu về VN như Lễ hội Tây Sơn, Bình Định - kỳ diệu & tự hào, Tết VN, phong tục và truyền thống... đăng trên các tạp chí Ý và tập san Mekong của Trung tâm nghiên cứu VN tại Torino - Ý (2008). Truyện, bút ký, tùy bút của nữ văn sĩ người Ý đã đăng trên Thanh Niên chủ nhật, Tuổi Trẻ cuối tuần, Phụ Nữ TP.HCM, Sông Hương, Văn hóa Phật giáo, Quán Văn, NewVietart... qua bản Việt dịch của Trương Văn Dân. Tập truyện ngắn và tùy bút Một phút tự do của Elena Pucillo Truong - bản dịch của Trương Văn Dân (NXB Văn hóa-Văn nghệ TP.HCM, 2014) đã được các nhà phê bình Huỳnh Như Phương, Nhật Chiêu... đánh giá cao, được Hội Nhà văn TP.HCM trao tặng thưởng năm 2015. |