Để trang bị thêm những kiến thức thiết thực trên, ngày 27-4, Hội quán các bà mẹ đã tổ chức chuyên đề tại Trường Mầm non Bông Hồng (quận Tân Bình, TP.HCM).
Chuyên đề “Hành trang cho con vào lớp một” với nội dung chính về cách phòng, chống xâm hại tình dục cho con trẻ do ThS-BS Nguyễn Lan Hải chủ trì đã hướng dẫn phụ huynh các vấn đề để thực hiện.
Luật bàn tay: Vòng tròn giao tiếp của trẻ
Thực tế, vấn đề về xâm hại tình dục hiện đối với trẻ hiện nay đang là sự quan tâm của hầu hết phụ huynh. Huỳnh Tấn Bảo (SN 1976, nhân viên cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn) đã từng tham gia giảng dạy cho trẻ em đường phố nhiều năm chia s trong quá trình đi truyền thông cho trẻ em tại trường mầm non về đề tài phòng, chống xâm hại tình dục nhận thấy hầu hết trẻ nhận thức chưa đủ về vấn đề này.
“Khi mình đặt câu hỏi rằng nếu có một người lạ cho các con kẹo và rủ con đi chơi, các con có đi không thì hầu hết các em trả lời là không vì họ là người lạ và có thể là người xấu. Nhưng khi tôi hỏi, nếu con ở nhà một mình, hàng xóm bên cạnh có quen biết với gia đình con, gọi con qua nhà chơi, các con có đi không; đa số các em trả lời là có vì họ quen với cha mẹ...” - Huỳnh Tấn Bảo kể lại.
Cho rằng cha mẹ cần có những cách tiếp cận cũng như câu trả lời thật tường tận cho bé về vấn đề xâm hại tình dục, Tấn Bảo đưa ra lời khuyên: “Phải giải thích tường tận cho các em hiểu là không đi qua nhà hàng xóm khi có một mình. Đây cũng là lý do vì sao một số lớn vụ xâm hại tình dục trẻ em rơi vào những trường hợp này. Do cha mẹ không lường trước những rủi ro mà con mình bị lạm dụng bởi với hàng xóm, bạn bè của mình. Do con trẻ nghĩ người quen biết sẽ không có chuyện xấu gì xảy đến với chúng. Do nắm bắt tâm lý này mà một số kẻ xấu đã lạm dụng tình dục trẻ em với thời gian dài mà không ai phát hiện được”.
Cũng liên quan đến vấn đề về xâm hại tình dục ở trẻ, ThS-BS Nguyễn Lan Hải cũng đã chia sẻ về quy tắc bàn tay để các bậc phụ huynh biết thêm. Theo ThS-BS Nguyễn Lan Hải, năm ngón trên bàn tay giúp trẻ dễ dàng nhớ được năm vòng tròn giao tiếp khi bé tương tác với người khác.
1. Tâm vòng tròn dành cho người ruột thịt (cha đẻ, mẹ đẻ, anh chị em ruột). Trẻ được quyền hoặc cho phép VÒNG TAY ôm hôn, bế ẵm, cõng, tắm khi chưa tự mình làm vệ sinh, ngồi vào lòng, ngủ chung…
2. Vòng tròn tiếp theo, dành cho người thân cận như bà con họ hàng, thầy cô, bạn bè: bé được quyền NẮM TAY, “cho phép” vuốt tóc, vỗ vai thân mật, xoa đầu khích lệ.
3. Vòng tròn thứ 3 dành cho người quen (hàng xóm tin cậy, bạn đồng nghiệp của cha mẹ, đã được gia đình sàng lọc), bé được quyền BẮT TAY, chào hỏi, trò chuyện,...
4. Vòng tròn thứ 4 dành cho người lạ, bé chỉ cần VẪY TAY chào, tạm biệt.
5. Ngoài tất cả vòng tròn này, với những "người đáng ngại", bé XUA TAY, không tiếp xúc (chứ không phải là xua đuổi, chọc phá, kỳ thị người ta). Người đáng ngại không phải là người đen đủi xấu xí, ngớ ngẩn, tâm thần hay làm cái nghề nào đó, mà là tự trẻ cảm thấy không thích, bất an, không thoải mái. Khi bị họ cố tình đụng chạm vào người nhất là vùng quần áo lót, trẻ có quyền “tỏ thái độ” bằng cách bảo người đó dừng lại. Nếu họ vẫn tiếp tục, hãy hét to lên rồi bỏ chạy, sau đó kể lại cho người lớn biết.
Người thân, người quen, người lạ mà gây cho bé cảm giác ấy cũng bị coi là “người đáng ngại”. Phụ huynh phải tin vào cảm nhận này của trẻ và đừng ép con phải xã giao với họ mà chưa hỏi rõ vì sao con “ngại’.
Trẻ sắp vào lớp 1 cần được trang bị ba kỹ năng cốt yếu
Nguyên tắc đồ lót
Ngoài luật bàn tay, cha mẹ cũng có thể tham khảo thêm nguyên tắc đồ lót để giúp bé phòng, chống xâm hại tình dục.
Theo ThS-BS Nguyễn Lan Hải, nên bắt đầu nói với trẻ về những đụng chạm nào là không tốt, cần nói cho bé hiểu rằng thân thể là của bé, có những vùng kín tuyệt đối không ai được phép chạm vào trừ những trường hợp như khám bệnh hay cô bảo mẫu tắm rửa cho bé. Nhắc nhở bé khi có ai đó đụng chạm vào trong hoặc ngoài vùng kín của bé, khiến bé cảm thấy sợ thì có quyền nói đối phương dừng lại, nếu họ vẫn tiếp tục thì hét lên và bỏ chạy, sau đó nên kể lại cho cha mẹ nghe.
Phần thân thể được đồ lót che phủ là bộ phận sinh dục của mỗi người. Đồ lót bao gồm “quần lót” của cả con gái lẫn con trai và thêm “áo lót” khi em gái lớn lên.
- Bộ phận sinh dục là “tài sản riêng” của con, không ai được phép xâm phạm, sờ mó, đụng chạm vào trừ cha mẹ - ông bà - cô bảo mẫu khi tắm rửa làm vệ sinh và thầy thuốc khi thăm khám. Nếu ai làm con khó chịu, sợ hãi, phải biết nói “không”, biết phản kháng để chấm dứt hành động ấy.
- Không đụng chạm vào “vùng đồ lót” của người khác dù bên ngoài hay bên trong. Nếu bất cứ ai chạm vào con dù bên ngoài hay bên trong “vùng đồ lót” thì con có quyền nói người đó dừng lại. Nếu họ vẫn cứ tiếp tục thì hét lên và bỏ chạy, sau đó kể lại cho người lớn biết.
Có những trường hợp cha mẹ suy nghĩ đơn giản, nghĩ con mình còn bé chẳng biết gì và rồi sinh hoạt vợ chồng trước mặt con hoặc đi tắm nhờ con lấy hộ khăn tắm… khiến bé tò mò, nảy sinh ý muốn khám phá, nhìn trộm. Hay khi thấy con sờ chim, cha mẹ làm lơ không la quát, nên kéo sự chú ý của bé đến một thứ khác khiến bé thích thú hơn, không để bé cởi truồng…
Ngoài ra hằng ngày, các bậc phụ huynh nên cùng trẻ chơi những trò chơi tình huống như đố con nói gì, làm gì khi gặp các hoàn cảnh khó khăn (lạc đường, bị người lạ rủ đi chơi, khi ở một mình và có sự cố xảy ra,…). Cha mẹ phải làm bạn với con, con học lớp nào cha mẹ học lớp ấy, tôn trọng, bình đẳng với con như với một người lớn khác. Vì con chứ không vì mình.
Để trẻ đi bơi an toàn, đi chơi thỏa thích Trong những ngày hè nắng nóng, đa số gia đình đều cho con đến hồ bơi để vừa để giải nhiệt cơ thể, vừa để rèn luyện sức khỏe. Trong quá trình tập bơi, hay khi đi chơi ở các bãi biển cùng gia đình vào dịp hè, trẻ có thể bị đuối nước gây nhiều nguy hiểm. Để giúp trẻ có thể kiểm soát được bản thân cũng như có kỹ năng giúp đỡ người khác khi gặp phải tình huống trên, anh Salem - thành viên CLB Swimming Saigon đã có những hướng dẫn cụ thể cho các bé. * Khi bị đuối nước, trẻ cần: - Khi biết mình bị đuối nước, ngay lập tức đưa tay lên cao ra tín hiệu cần sự giúp đỡ và cầu cứu. - Tìm phao hoặc vật nổi xung quanh như thau, bình nhựa, cây chuối… ném cho nạn nhân (người bị đuối nước) - Chạy đi tìm người lớn đến giúp đỡ, tuyệt đối không được xuống nước. * Khi đi bơi hoặc đi chơi khu vực ao hồ: - Không được đi chơi gần khu vực có hồ, ao nước khi không có người lớn đi cùng - Muốn đi bơi phải hỏi ý kiến của cha me hoặc người lớn, khi nào cha mẹ cho phép mới được đi (Phải đi cùng với cha mẹ hoặc người lớn). - Phải tắm ở khu vực nước thấp (cạn) dành cho trẻ em và tuyệt đối không qua khu vực hồ sâu. - Không được nhảy chúi đầu chỗ nước cạn hoặc có đá nguy hiểm. - Không được tự ý xả nước đầy bể bơi trong hồ tắm. - Khi làm rơi đồ chơi xuống nước, không được tự ý nhảy xuống mà phải nhờ người lớn dùng cây vớt lên. - Trời mưa, triều cường thấy đường ngập nước, không được ra đường sẽ dễ bị ngã và nước cuốn đi. Các con còn được nghe tiếng còi báo hiệu. |