Dự kiến tờ trình sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp lần thứ 21 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 họp ngày 25-6 tới.
Thành phố có 8 phường, tỉ lệ đô thị hóa 86%
Theo tờ trình, thị xã Phú Mỹ nằm ở phía Tây của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, cách trung tâm Hành chính Chính trị của tỉnh khoảng 20 km; cách TP.HCM khoảng 50 km; cách sân bay quốc tế Long Thành khoảng 25 km.
Thị xã Phú Mỹ có 10 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm năm phường: Phú Mỹ, Mỹ Xuân, Hắc Dịch, Tân Phước và Phước Hòa. Ngoài ra có năm xã gồm Tóc Tiên, Tân Hòa, Tân Hải, Sông Xoài, Châu Pha. Hiện nay, qua quá trình đầu tư xây dựng, các xã Tóc Tiên, Tân Hòa và Tân Hải đã đảm bảo tiêu chuẩn để thành lập phường thuộc thị xã Phú Mỹ.
Từ đó, UBND tỉnh đề xuất thành lập TP Phú Mỹ trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 333km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 195.591 người và 10 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có tám phường gồm Phú Mỹ, Mỹ Xuân, Hắc Dịch, Tân Phước, Phước Hòa và 2 xã Sông Xoài, Châu Pha.
Tỉ lệ đô thị hóa đạt hơn 86%. Trụ sở làm việc giữ nguyên trụ sở làm việc của Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể của thị xã Phú Mỹ hiện có.
Trung tâm của tỉnh, vùng về công nghiệp, cảng biển
Thị xã Phú Mỹ hiện có chín KCN, ba cụm công nghiệp tập trung có quy mô diện tích đất hơn 5.400ha, với hơn 3.200 cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài KCN; cùng đó là hơn 14.200 cơ sở thương mại- dịch vụ.
Là nơi tập trung các KCN nặng và năng lượng lớn, được xác định là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của tỉnh và vùng; là đô thị cảng, cửa ngõ quan trọng giao lưu kinh tế của khu vực, vùng trung tâm hướng biển của vùng; trung tâm công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp cảng biển; trung tâm thương mại - dịch vụ; trung tâm kho vận, dịch vụ logistics của vùng; đầu mối giao thông cảng quan trọng của vùng và quốc gia.
Thị xã Phú Mỹ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng là đầu mối giao thông, giao thương của tỉnh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quốc tế; địa bàn có hệ thống giao thông phát triển đồng bộ và hiện đại bậc nhất của tỉnh, bao gồm đường bộ và đường thủy…
Về đường thủy có sông Thị Vải, đây là tuyến giao thông đường thủy quan trọng nhất trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện có thể tiếp nhận tàu biển có trọng tải 140.000 DWT. Dọc theo sông Thị Vải là hệ thống cảng nước sâu, với 2 khu vực cảng chính là Thị Vải - Phú Mỹ và Thị Vải - Cái Mép.
Trong đó, cụm cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép (cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ chở container đi trực tiếp đến châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ 3) với 35 bến cảng, nằm trong top 19 cảng biển lớn nhất thế giới, có tốc độ tăng trưởng trong nhóm nhanh nhất thế giới.
Về đường sắt, hiện tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đang được xúc tiến với mục tiêu kết nối cảng Thị Vải - Cái Mép với đường sắt cao tốc Bắc Nam để có thể tập trung chuyên chở hàng hóa từ các tỉnh phía Bắc, Đồng Nai, Bình Dương về cảng Thị Vải - Cái Mép để xuất khẩu.
Đặc biệt, khi sân bay quốc tế Long Thành đưa vào hoạt động sẽ là điều kiện thuận lợi để thị xã Phú Mỹ sớm trở thành trung tâm giao thương của vùng, quốc gia và khu vực.
Sự phát triển về kinh tế- xã hội của đô thị Phú Mỹ là nhân tố quan trọng, góp phần vào mục tiêu phát triển Bà Rịa- Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp cảng biển; trung tâm thương mại- dịch vụ; trung tâm kho vận, dịch vụ logistics của vùng; đầu mối giao thông cảng quan trọng của vùng và quốc gia.
Với vị trí địa lý, tiềm năng, lợi thế, thực trạng phát triển hạ tầng đô thị, kinh tế xã hội như nêu trên thị xã Phú Mỹ đủ điều kiện để thành lập TP Phú Mỹ.
Năm 2018, thị xã Phú Mỹ khi đó là huyện Tân Thành được thông qua để thành lập thị xã cho đến nay.