Bà Trương Thị Mai: 'Cán bộ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu'

(PLO)- Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số nơi còn hạn chế, chưa thật quyết liệt do e ngại, sợ đụng chạm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) (Ban Chỉ đạo) cấp tỉnh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

tong-ket-noi-chinh-dang.jpg
Các đại biểu tham dự tại hội nghị. Ảnh: PV

Khởi tố mới 763 vụ án về tham nhũng

Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai điểm lại bốn kết quả nổi bật đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ cũng như trong năm 2023 của ngành nội chính và Ban Chỉ đạo các địa phương.

Đáng chú ý, trong năm qua, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã nỗ lực, đôn đốc các cơ quan chức năng ở các địa phương khởi tố mới 763 vụ án/2.079 bị can về tham nhũng (tăng gần hai lần so với năm 2022). Một số vụ án lớn kéo dài đã được chỉ đạo khẩn trương xem xét, xử lý, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”...

Bà Trương Thị Mai sau đó cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong năm qua như còn việc nơi này, nơi kia thực hiện nhiệm vụ nội chính, công tác PCTNTC còn hạn chế, chưa thật quyết liệt, quyết tâm cao. “Có nơi còn e ngại, sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến thành tích” - bà Trương Thị Mai nói.

Bà Trương Thị Mai: 'Cán bộ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu'
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: PV

Bà Mai thống kê trong số 83 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý, có 59 cán bộ vi phạm do các nhiệm kỳ trước đây, 24 cán bộ vi phạm trong nhiệm kỳ này.

Ở các nhiệm kỳ trước, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, PCTNTC đã được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, chỉ số minh bạch của Việt Nam đã thăng hạng rất đáng kể.

“Nhưng tại sao vẫn còn cán bộ vi phạm? Cán bộ chưa biết sợ hay là lòng tham không đáy nên còn để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp?” - bà Trương Thị Mai đặt vấn đề và đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, phân tích đầy đủ nguyên nhân việc vi phạm của cán bộ để có biện pháp khắc phục tốt hơn.

Nhấn mạnh phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, Thường trực Ban Bí thư lưu ý cần rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật trong các lĩnh vực có vi phạm phổ biến thời gian qua, làm sao tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng, vạch được ranh giới đỏ cho cán bộ dám làm mà không phải e sợ.

“Từng cơ quan, từng tổ chức, từng địa phương phải hết sức chú trọng việc tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, gương mẫu, nói phải đi đôi với làm, nhất là người đứng đầu, cán bộ quản lý. Cán bộ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu...” - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

phan-dinh-trac.jpg
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Ảnh: PV

Cán bộ ngành nội chính phải bản lĩnh, liêm chính

Phát biểu tiếp thu tại hội nghị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc yêu cầu Ban Nội chính Trung ương và các ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy khẩn trương tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình công tác trọng tâm năm 2024 của Ban Chỉ đạo về PCTNTC và Ban Chỉ đạo về cải cách tư pháp.

Cạnh đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong các lĩnh vực, trước hết là trong tố tụng, thi hành án, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...

Ông Phan Đình Trạc cũng yêu cầu các cơ quan tăng cường phối hợp, tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Trong đó lưu ý tham mưu, chỉ đạo khẩn trương kết luận, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức Đảng và đảng viên liên quan vụ Việt Á, Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới.

Ngành nội chính chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy địa phương xử lý có hiệu quả các vấn đề nổi lên liên quan an ninh trật tự, không để hình thành “điểm nóng”, không để bị động, bất ngờ.

“Công tác của ngành nội chính Đảng nói riêng và Ban Chỉ đạo PCTNTC, các cơ quan nội chính nói chung luôn là những vấn đề khó, nhạy cảm vì đụng chạm đến sinh mệnh chính trị của con người, liên quan chặt chẽ đến sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội...” - ông Phan Đình Trạc nhìn nhận.

Do đó, ông yêu cầu cán bộ, công chức ngành nội chính Đảng phải bản lĩnh, liêm chính, luôn cầu thị, tích lũy kinh nghiệm, phối hợp với các cơ quan nội chính kiên quyết, kiên trì, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Khởi tố cả cựu bí thư, cựu chủ tịch tỉnh

Báo cáo trước đó tại hội nghị, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho hay trong năm 2023, các ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đã tiến hành 212 cuộc kiểm tra, giám sát.

Cạnh đó, chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kiểm tra các chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và các cơ quan chức năng ở Trung ương. Điển hình như thanh tra việc thực hiện một số gói thầu, dự án liên quan đến Tập đoàn FLC, Công ty AIC; kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tân Hoàng Minh, vụ việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC... Qua đó, đã đưa 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn liên quan đến cả cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Thanh Hóa... Trong đó có cả nguyên bí thư tỉnh ủy, nguyên chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm