Ngày 28-9, căng thẳng Mỹ-Trung càng thêm sâu sắc khi phía Trung Quốc lên tiếng đáp trả các phát ngôn từ phía Mỹ trước đó rằng nước này “hứa suông” ở Biển Đông, theo đài ABC News.
Trung Quốc đáp trả ngang ngược và vô lý
Ngày 27-9 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus ra tuyên bố lên án việc Trung Quốc chỉ “hứa suông” ở Biển Đông.
Bà Ortagus nhắc đến việc năm năm trước ông Tập Cận Bình đứng tại Nhà Trắng và nói “Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa” ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam – PV) và các tiền đồn của Trung Quốc sẽ không “nhắm tới hay ảnh hưởng tới bất kỳ nước nào”. Tuy nhiên dù hứa như vậy nhưng Trung Quốc vẫn “theo đuổi quân sự hóa một cách khiêu khích và thiếu thận trọng” các khu vực tranh chấp ở quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Ông Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng, Nhà Trắng (Mỹ) ngày 25-9-2015. Ảnh: WALL STREET JOURNAL
Bà Ortagus cáo buộc Trung Quốc đã sử dụng các tiền đồn quân sự trên vùng Biển Đông tranh chấp như những phương tiện để bắt nạt các nước và để hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền trái luật của mình.
Bà Ortagus kết luận Trung Quốc “không tôn trọng các phát ngôn và cam kết của mình” và cam kết “Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á chống lại các nỗ lực bắt nạt của Trung Quốc nhằm chiếm ưu thế ở Biển Đông”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus. Ảnh: CNN
Trung Quốc trước nay vẫn tuyên bố mình có chủ quyền (trái phép – PV) ở gần hết Biển Đông, và họp báo ngày 28-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân vẫn ngang ngược nói Trung Quốc có quyền theo đuổi các việc đang làm mà mình cho là phù hợp trên các vùng đảo, đặc biệt để “thể hiện quyền phòng vệ”. Ông Uông còn nói một cách vô lý rằng các cơ sở hạ tầng trên các đảo ở Biển Đông cũng mang lại lợi ích cho thế giới.
Thay vì thừa nhận Trung Quốc có các hành động gây mất ổn định khu vực, ông Uông cáo buộc chính các hành động quân sự của Mỹ là “mối đe dọa lớn nhất đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. Ông Uông còn “cảnh báo” “cộng đồng thế giới và các nước khu vực phải cảnh giác cao độ và quyết liệt phản đối âm mưu độc ác từ những kẻ hiếu chiến ở Mỹ gieo mầm hỗn loạn ở Biển Đông và biển Hoa Đông”.
Kích nhau về môi trường
Bên cạnh đó, họp báo ngày 28-9, ông Uông cũng phản pháo cáo buộc của phía Mỹ đối với mình về việc hủy hoại môi trường.
Một tài liệu được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tuần trước đề cập đến các vấn đề khí thải nhà kính đến ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, phá rừng trái phép và buôn lậu động vật hoang dã của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ xem Trung Quốc là đối tượng thải khí nhà kính nhiều nhất, là nguồn rác lớn nhất với các vùng biển, là thủ phạm chính của hành động đánh bắt cá trái phép, và là nơi tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm gỗ bị buôn lậu nhiều nhất thế giới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. Ảnh: STRAIT TIMES
Tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng sáng kiến xây dựng hạ tầng toàn cầu mang tên Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thiếu hướng dẫn rõ ràng về môi trường, về các tiêu chuẩn an toàn, và về bảo vệ an toàn cho công nhân.
Theo tài liệu, chẳng những người dân Trung Quốc phải chịu đựng ảnh hưởng tồi tệ nhất từ các hành động của mình mà kinh tế và sức khỏe toàn cầu còn bị đe dọa vì việc bóc lột tài nguyên thiên nhiên một cách không bền vững của phía Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ tấn công hồ sơ của Trung Quốc về môi trường sau khi Trung Quốc tuyên bố trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tuần trước rằng kế hoạch của mình là sẽ lên tới đỉnh điểm thải khí carbon dioxide trước năm 2030 và tới năm 2060 sẽ đạt được việc trung hòa carbon. Cam kết của Trung Quốc đã được các nhà môi trường đánh giá cao.
Uông Văn Bân đặt câu hỏi tại sao Mỹ rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, đồng thời gọi Mỹ là “mối nguy lớn nhất với môi trường toàn cầu”, là “kẻ hủy hoại nghiêm trọng nhất sự hợp tác quốc tế về môi trường”.
Diễn biến đáp trả qua lại mới nhất này đến trong bối cảnh quan hệ hai bên đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua. Hai nước đang vô cùng căng thẳng về hàng loạt vấn đề: thương mại, công nghệ, Hong Kong, Đài Loan, các cáo buộc do thám nhắm đến các nhà ngoại giao Trung Quốc, quanh các tuyên bố chủ quyền (trái phép – PV) của Trung Quốc ở Biển Đông và nhiều nơi khác.