Bạn đã chọn đúng loại gạo lứt phù hợp với nhu cầu chưa?

(PLO)-  Tùy vào từng thể trạng của cơ thể, mà mỗi loại gạo lứt đem lại một công dụng cho sức khỏe khác nhau.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Cục An toàn thực phẩm (VFA), Bộ Y tế, gạo lứt (gạo lật) là thực phẩm thuộc nhóm ngũ cốc nguyên hạt. Loại gạo này không chỉ có hương vị đặc trưng mà còn chứa hàng loạt các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như protein, chất xơ, vitamin E, B6, B1, mangan, carbohydrate, magie, kẽm… đây cũng là lí do khiến nhiều người tìm mua để sử dụng.

Tuy nhiên theo VFA tùy vào thể trạng mỗi người mà mỗi loại gạo lứt đem lại tác dụng dinh dưỡng khác nhau.

Tùy vào thể trạng mỗi người mà mỗi loại gạo lứt đem lại tác dụng dinh dưỡng khác nhau. Ảnh: NGUYÊN HÀ
Tùy vào thể trạng mỗi người mà mỗi loại gạo lứt đem lại tác dụng dinh dưỡng khác nhau. Ảnh: NGUYÊN HÀ

Gạo lứt có mấy loại?

Nếu phân loại theo màu sắc, gạo lứt thường có ba loại: gạo lứt trắng, gạo lứt đen và gạo lứt đỏ.

Gạo lứt trắng: Đây là loại gạo được sản xuất nhiều nhất, thích hợp với nhiều đối tượng ở nhiều độ tuổi khác nhau. Gạo chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe người sử dụng.

Gạo lứt đỏ: Gạo thường có màu đỏ nâu và khi nấu chín khá dẻo. Gạo lứt đỏ có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như vitamin B1, vitamin A, chất xơ, lipid... do đó, phù hợp với người có nhu cầu dinh dưỡng cao như người lớn tuổi, người ăn chay, bệnh nhân đái tháo đường...

Với loại gạo lứt đỏ, người tiêu dùng cần lưu ý để tránh mua nhầm gạo huyết rồng cũng có màu sắc tương tự (gạo lứt đỏ khi bẻ đôi sẽ thấy lõi trắng, còn gạo huyết rồng có lõi đỏ). Tuy nhiên gạo huyết rồng có chỉ số đường huyết khá cao, không thích hợp cho bệnh nhân tiểu đường.

Gạo lứt đen: Hay còn gọi là gạo lứt tím than, đây là loại lương thực ít đường, chứa nhiều chất xơ và các hợp chất thực vật khác. Bên cạnh đó, gạo lứt đen còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa bệnh ung thư và tim mạch. Do đó, đây là loại lương thực rất lành mạnh, tốt cho sức khỏe.

Những lưu ý khi sử dụng gạo lứt

Theo VFA, hiện nay nhiều ý kiến cho rằng khi giảm cân nên cắt bỏ hoàn toàn gạo trắng ra khỏi khẩu phần ăn và thay thế bằng gạo lứt. Trước ý kiến này, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng không nên lạm dụng gạo lứt trong thời gian dài, dù chúng chứa lượng calo, chất xơ và dinh dưỡng phong phú.

Các chuyên gia cho rằng, một người có chỉ số cơ thể bình thưởng chỉ nên ăn từ 2-3 lần/ tuần, đồng thời kết hợp hợp lí với các chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất…

Đơn vị này cũng khuyến nghị thêm, mặc dù chỉ số đường huyết trong gạo lứt khá thấp và hàm lượng dinh dưỡng phong phú đa dạng, nhưng người tiêu dùng cũng không nên lạm dụng thực phẩm này vì nếu sử dụng lâu dài, bất hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng.

Điều này tương tự đối với những người sử dụng gạo lứt để phòng ngừa các vấn đề liên quan đến tim mạch. Để đảm bảo an toàn sức khỏe và dinh dưỡng, người mắc bệnh về tim mạch vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo chất lượng bữa ăn tốt nhất.

Một số lưu ý khi sử dụng gạo lứt

Người bị đau dạ dày, hệ tiêu hóa kém nên tránh dùng gạo lứt.

Gạo lứt mất nhiều thời gian để chín hơn gạo trắng, thêm vào đó khi ăn gạo lứt cần nên nhai chậm và kỹ.

Không nên dự trữ quá nhiều gạo lứt trong một thời gian dài vì lớp dầu tự nhiên trong gạo lứt có thể bị hư hỏng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm