Bạn đọc tranh cãi vụ vẽ tranh graffiti lên tường nhà bị phạt

(PLO)- Vụ việc vẽ tranh graffiti lên tường nhà bị phạt khiến bạn đọc PLO xôn xao, chia làm hai luồng ý kiến tranh cãi về vấn đề này. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Pháp luật TP.HCM có bài viết: “Bị phạt vì vẽ tranh nghệ thuật graffiti lên tường nhà dân”. Thông tin một họa sĩ thuê người khác vẽ tranh graffiti lên tường nhà bị phạt khiến bạn đọc PLO xôn xao.

Vẽ tranh lên tường nhà mình mà cũng bị xử phạt?

“Tôi không hiểu việc chủ nhà đồng ý cho họa sĩ vẽ lên tường nhà mình mà không cần xin phép cơ quan có thẩm quyền thì có gì sai khi nội dung bức tranh vẫn phù hợp với nghệ thuật như vậy. Nhà được vẽ thì đẹp và đặc biệt, người ta cũng không ý kiến gì, phường lại bắt khôi phục, có phải công trình công cộng đâu?”, bạn đọc Võ Minh thắc mắc.

“Các hộ dân đều đồng ý cho các hoạ sĩ vẽ lên tường nhà họ thì các hoạ sỹ vi phạm điều luật gì mà bắt phạt họ? Đó là thoả thuận dân sự hết sức bình thường giữa chủ nhà và các hoạ sỹ kia mà!”, bạn đọc Trí Kha bày tỏ.

“Mình thấy cũng lạ, tường nhà người ta trang trí thế nào là quyền của họ miễn không vi phạm thuần phong mỹ tục, không vi phạm pháp luật thì hà cớ gì cấm. Đã vậy còn xử phạt rồi bắt họ khôi phục hiện trạng của tường nữa chứ!”, bạn đọc Nguyễn Cường bức xúc.

vẽ tranh graffiti lên tường nhà bị phạt
Một bức graffiti được các họa sĩ vẽ tại khu nhà ở phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Ảnh: Minh Trường

Bạn đọc Giang Nguyễn cũng lên tiếng: “Mình thấy không có luật nào bắt hoạ sĩ trước khi vẽ phải xin phép! Cũng không có luật nào cho phép phường yêu cầu chủ nhà xoá tranh của mình. Nếu tranh vẽ có hình ảnh không phù hợp thuần phong mỹ tục hay ảnh hưởng an ninh quốc gia thì phải có kết luận của cơ quan chức năng đằng này đây chỉ là những bức tranh nghệ thuật và rất đẹp, hà cớ gì phải bắt người ta xóa!”.

Tranh phải như thế nào thì mới được vẽ?

“Tại Điểm l, Khoản 2, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có nêu: Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người nào phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Đồng ý nhà dân thì dân vẽ, nhưng vẽ trong thì không ai nói gì, vẽ bên ngoài mà xấu xí thì làm mất hình ảnh của khu dân cư. Có vậy địa phương mới phải quản lý nội dung trước khi đồng ý cho vẽ”, bạn đọc Lộc Nguyễn phân tích.

Ngoài ý kiến yêu cầu xin phép, bạn đọc Tâm Nguyễn cho rằng: “Nhiều tranh vẽ nhìn rất đẹp, không như mấy chữ ngoằn ngoèo mà các đối tượng vẽ lén ban đêm trên các cung đường trên thành phố. Mình nghĩ bà H. nên liên hệ lãnh đạo các trường mầm non, tiểu học... trên địa bàn để vẽ tranh trang trí cho nhà trường, cho các cháu học sinh. Nhiều địa phương ở TP.HCM đã vẽ tranh trang trí ở tường nhà dân, bệnh viện, gầm cầu, thậm chí trên nắp cống góp phần làm đẹp đường phố với những bức tranh ý nghĩa, có tính chất tuyên truyền”.

“Theo mình thì không nên vẽ graffiti kiểu như ở Columbia, bởi văn hóa người Việt khác. Tuy nhiên, theo sự hội nhập, chúng ta nên có cái nhìn thoáng hơn và trân trọng sự đóng góp chân chính cho nghệ thuật. Nếu những bức vẽ graffiti phù hợp văn hóa Việt Nam, cần có quy hoạch bài bản, nhất là ở nông thôn thì sẽ có góp phần vào việc quảng bá hình ảnh nông thôn mới của Việt Nam mình. Rất nhiều bức tranh tả thực về phong cảnh, con người ở nhiều đường làng, tường nhà ở nhiều làng quê Việt Nam được vẽ rất đẹp, rất sinh động. Vậy thì có gì đâu mà phải cấm đoán”, bạn đọc Vũ Tiến bày tỏ.

Ngày 21-3, phường Hoà Hải (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cho biết, đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với người tổ chức vẽ tranh nghệ thuật graffiti lên tường nhà dân những ngày vừa qua. Ngoài ra, phường cũng yêu cầu người này phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu đối với bức tường đã vẽ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm