Nhét tiền vào sổ trình CSGT: Đừng để cái sai trở nên phổ biến

Từ 31-3, đến nay, Pháp Luật TP.HCM  đăng tải loạt bài điều tra: “CSGT, TTGT “làm luật” trên sông Đồng Nai”.

Các bài viết "CSGT đường thủy kiểm tra tàu thuyền trong...tích tắc"TTGT kiểm tra sổ chớp nhoáng trên sông Đồng Nai”, “Cận cảnh nhét tiền vào sổ khi trình cho CSGT, TTGT”  đã ghi nhận những chiêu thức kiểm tra tích tắc và nhận tiền của Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông (CSGT, TTGT) Bình Dương khi kiểm tra các phương tiện giao thông đường thủy trên sông Đồng Nai.

Loạt điều tra nhận được sự quan tâm rất lớn của độc giả. Nhiều bạn đọc PLO đã bày tỏ ý kiến, sự bức xúc xung quanh sự việc nhận tiền của CSGT, TTGT Bình Dương.

Kiểm tra tiền, quên kiểm tra tàu?

Bạn đọc Tiến Trần bức xúc: “Tài công kẹp tiền vào sổ đưa cho CSGT, TTGT. Vậy là CSGT, TTGT kiểm tra tiền chứ không phải kiểm tra tàu, thuyền gì cả. Phải chăng đây là lý do tài nạn đường thủy tăng lên. Thủ tục kiểm tra này thật tinh vi, tiền kẹp vào sổ, việc kiểm tra giữa dòng sông, nếu không có ống kính của phóng viên thì đố ai biết được”.

Cận cảnh tiền được tài công kẹp trong cuốn sổ rồi đưa cho lực lượng TTGT, CSGT. Ảnh: T.SANG - V.HỘI

“Người chấp pháp lại tự làm ra luật để phạm pháp. Đáng nói, không phải một mà đến cả hai lực lượng là CSGT, TTGT cùng nhau vi phạm. Với sự vi phạm của hai cơ quan này thì các tài công nếu có muốn tố cáo người làm sai cũng chẳng biết tố cáo cho ai bởi ngay cả lực lượng TTGT cũng nhận tiền”, bạn đọc Chí Dũng nêu ý kiến.

"Hành vi này trước đây khá phổ biến đối với các xe khách lưu thông trên đường bộ. Nay nhà xe cài đặt camera, hành khách có điện thoại chụp ảnh, ghi hình nên không còn nữa. Đối với giao thông đường thủy thì địa bàn hoạt động rộng, vắng vẻ nên CSGT đường thủy có vẻ ít bị giám sát hơn chăng?" - bạn đọc Trung Nguyên Công đặt câu hỏi.

Mong sớm chấn chỉnh

Bạn đọc Hoàng Nguyên cho rằng: “Trước nay chỉ biết CSGT cho người vi phạm nộp phạt tại chỗ và không phải lập biên bản vi phạm hành chính với những lỗi nhỏ, mức phạt thấp. Đằng này, phát hiện các sà lan chở quá tải mà họ vẫn nhận tiền rồi làm ngơ cho việc vi phạm. Lực lượng CSGT, TTGT Bình Dương đang tiếp tay cho người làm sai. Trong khi, những tài công làm đúng, tuân thủ pháp luật muốn yên thân thì cũng phải chung tiền. Vậy, cuối cùng CSGT, TTGT Bình Dương có chức năng gì? Không phân biệt đúng sai, ai muốn qua sông thì phải chịu chung tiền”.

Cùng quan điểm trên, bạn đọc Thái Thu cũng cho rằng: “Người nào làm sai thì đưa tiền để che đậy. Người làm đúng đưa tiền để yên thân. Cuối cùng nếu có tai nạn đường thủy thì ai là người bị thiệt hại. Việc làm của CSGT, TTGT Bình Dương trên sông Đồng Nai đã dung dưỡng cho những hành vi trái luật”.

Bên cạnh các ý kiến bình luận cảm ơn các phóng viên của báo Pháp Luật TP.HCM đã thực hiện loạt bài điều tra với nhiều chứng cứ rõ ràng, nhiều bạn đọc cũng mong mỏi cơ quan chức năng cần rà soát lại hoạt động này để xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm. “Mong các cơ quan chức năng chấn chỉnh tình trạng CSGT, TTGT nhận tiền làm ngơ vi phạm, tiếp tay cho người làm sai” là ý kiến từ phần lớn bạn đọc Pháp Luật TP.HCM

"Đừng biến cái bất thường, vi phạm thành cái bình thường. Đừng để cái sai phạm trở nên phổ biến. Yêu cầu chấn chỉnh ngay và luôn!" - là mong mỏi của bạn đọc Hoàng Anh

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

thanh niên 18 tuổi nhảy sông tự tử

Vấn nạn livestream bất chấp hoàn cảnh!

(PLO)- Vừa qua vụ việc nam thanh niên 18 tuổi nhảy sông tự tử được bàn tán xôn xao trên nền tảng livestream. Hành động này được cho là thiếu tình người, gây bức xúc. Cần có giải pháp xử lý để loại trừ.

Thói ngụy biện

Thói ngụy biện

(PLO)- Trong tất cả mọi việc, chỉ có phản biện, tranh luận một cách chân thành, thẳng thắn mới là con đường chân chính hướng tới và đi tìm chân lý. Trên con đường ấy, thói ngụy biện cần phải được dẹp bỏ.