Theo ghi nhận tại một số nơi, tình trạng tiểu thương buôn bán thịt heo nhưng đóng dấu kiểm soát giết mổ vẫn còn tồn tại.
Bán thịt heo không có dấu kiểm soát giết mổ sẽ bị xử lý theo quy định. Ảnh: CN
Nhiều nơi vẫn còn tình trạng thịt heo bày bán trên các vỉa hè không có dấu kiểm dịch. Khi được hỏi nguồn gốc, xuất xứ thì người bán cho biết đây là thịt do nhà tự giết mổ rồi bán.
Tuy nhiên, với hành vi buôn bán thịt gia súc nhưng không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y thì sẽ bị xử lý theo quy định.
Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, tại khoản 6 Điều 20 Nghị định 90/2017 quy định: “Phạt tiền từ 60% đến 70% giá trị sản phẩm động vật nhưng không vượt quá 50 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y”.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc phải kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm. Trong trường hợp kiểm tra vệ sinh thú y không đạt yêu cầu, buộc phải tiêu hủy hoặc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm.
Trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thì người vi phạm còn bị xử phạt từ 6 triệu đến 8 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 90/2017, đồng thời người vi phạm còn bị buộc kiểm dịch lại động vật, sản phẩm động vật.
UBND TP.HCM đã có văn bản gửi đến Cục Quản lý thị trường, các sở-ngành TP, UBND các quận, huyện về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn. Theo đó, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện thành lập các đoàn kiểm tra để xử lý dứt điểm các điểm kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trên địa bàn TP. |