Bán trâu trồng dưa, dưa chín cho… trâu ăn

Dưa vào mùa, nông dân ở các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ đang khốn đốn vì không có thương lái đến mua như những năm trước.

Khóc ròng với dưa

Đi ra đi vào với đám dưa hơn hai sào của mình, bà Lê Thị Minh Lan (63 tuổi, thôn Hội Đức, xã Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh) nóng ruột vì đã bỏ ra 5 triệu đồng để trồng, giờ thì công cốc. “Dưa đến mùa thu hoạch nhưng không ai hỏi mua. Trước có người tới xem, trả giá 1.000 đồng/kg rồi cũng đi. Năm ngoái giá bán được hơn 10.000 đồng/kg. Nếu tình trạng như thế này nữa thì dưa chín sẽ hư hết, tôi chỉ có chết chứ biết trông vào đâu được nữa” - bà Lan nói như khóc.

Thê thảm hơn là trường hợp của ông Trương Quốc Thơ (54 tuổi, ngụ cùng thôn Hội Đức) với hơn bốn sào dưa nhưng bây giờ gần như trắng tay. Chia sẻ với chúng tôi, ông Thơ cho biết ông trồng dưa hấu đã được hơn chục năm nhưng chưa có năm nào giá dưa lại tệ như thế này. “Thấy mấy năm trồng dưa có lời nên năm nay chú bán con nghé để trồng dưa, giờ giá thấp lè tè mà dưa vẫn nằm trên đồng. Vài ngày nữa mà bán không được thì chỉ còn cách cắt vào cho trâu ăn lại chứ làm gì được” - ông Thơ nói.

Trong khi đó, ông Bùi Gọn (41 tuổi, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức) trong những ngày gần đây chỉ biết đi ra đi vào than thở: “Gia đình đầu tư trồng ba mẫu dưa, gần 150 triệu đồng nhưng giờ thì chịu chết vì dưa bán không được. Mới thu hoạch được một nửa thôi nhưng họ mua giá rẻ bèo, chỉ với 1.600 đồng/kg. Tui lỗ gần 43 triệu đồng rồi”.

Ông Thơ đang điêu đứng vì dưa không bán được. Ảnh: HUY TRƯỜNG

Xúc động vì được sinh viên giúp bán dưa

Không để nông dân chới với vì dưa hấu rớt giá, bán không ai mua, các trường đại học, cao đẳng cũng như các huyện đoàn trong toàn tỉnh đã xắn tay áo giúp dân.

Trước cổng trường ĐH Phạm Văn Đồng, hàng chục sinh viên ra sức bán dưa hấu giúp người dân. Theo ghi nhận, khoảng một giờ đồng hồ lại có một xe tải nhỏ chở dưa đến chỗ nhóm sinh viên. Chia sẻ với chúng tôi, một bạn sinh viên cho biết nghe đài, báo nói về việc người dân trồng dưa điêu đứng, nhóm đã về địa phương để tìm hiểu và quyết định thành lập một nhóm để bán dưa giúp dân.

Giá bán dưa được các sinh viên thông báo là 2.000 đồng/kg nên rất nhiều người mua ủng hộ. “Mình thấy dân tội quá nên bán giùm họ chứ tiền mình không giữ, họ đem dưa đến rồi mình bán cho họ, khi nào bán được thì họ xuống lấy tiền. Được sự ủng hộ của nhiều người nên chỉ từ hôm qua đến nay, nhóm đã bán được gần 10 tấn dưa cho người dân” - cô Bùi Thị Ánh Tuyết, giảng viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng, trưởng nhóm bán dưa, chia sẻ.

Vừa chở xe dưa đến chỗ các bạn sinh viên, ông Phan Thắm (42 tuổi, xã Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh) xúc động nói: “Nhờ các bạn sinh viên chứ không gia đình tôi chết mất”. Theo ông Thắm, gia đình ông đầu tư hơn 7 triệu đồng để trồng bốn sào dưa với mong muốn thu nhập được chút đỉnh nhưng giờ thì như dã tràng xe cát.

“Con tôi đang học lớp 4 thì không may chết đuối mới đây. Gia đình khổ lắm, trồng được mấy sào dưa thì giờ không ai đến mua. Giá có rẻ mấy thì tôi cũng bán nhưng ngặt là không ai đến hỏi. Dạo này dưa đang bắt đầu hư hỏng rồi nên tôi rất lo lắng. Tôi mong các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ thêm” - ông Thắm nói.

Khó khăn tìm đầu ra

• Theo thống kê, vụ nông sản này, toàn tỉnh người dân trồng khoảng 547 ha dưa hấu. “Dưa hấu và ớt là loại nông sản phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc. Phía cơ quan chức năng cũng đã khuyến cáo người dân không nên trồng ào ạt. Tuy nhiên, tâm lý người dân là mấy năm bán được giá cao nên năm nay cũng bất chấp khuyến cáo trồng nhiều nên tiềm ẩn những rủi ro nói trên. Bài toán tìm đầu ra cho loại nông sản này hiện tại vẫn rất nan giải.

Ông PHAN BÁ, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và
Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi

• Trước tình hình bà con đang gặp khó khăn, Đoàn Thanh niên Quảng Ngãi đang tổ chức các điểm bán lẻ dưa hấu tại ĐH Phạm Văn Đồng, CĐ Y tế Đặng Thùy Trâm, ĐH Tài chính - Kế toán, Huyện đoàn Mộ Đức, Bình Sơn, Sơn Tịnh. Thanh niên, sinh viên sẽ hỗ trợ vận chuyển dưa về các điểm tập kết, còn người bán trực tiếp là nông dân trồng dưa.

Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ với hy vọng đánh thức cộng đồng, đánh thức các doanh nghiệp để cùng chung tay hỗ trợ bà con tiêu thụ nông phẩm một cách hiệu quả nhất, chứ mỗi ngày chỉ bán được vài tấn dưa trong khi lượng dưa trong toàn tỉnh ước tính còn khoảng 4.000 tấn thì không thể giải quyết được nhiều.

Anh CAO LÊ TÙNG NGHĨA, Phó Bí thư
Tỉnh đoàn Quảng Ngãi

Ớt cũng rớt giá 10 lần

Ông Nguyễn Nông (thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức, trồng hai sào ớt) cho biết dịp Tết ông bán được 50.000 đồng/kg nhưng những ngày gần đây ớt rớt giá, ông chỉ bán được 5.000 đồng/kg.

Những năm trước, người dân trồng ớt không nhiều, năm rồi thấy giá cao, mọi người đổ xô đi trồng ớt. Ông đầu tư 6 triệu đồng cho hai sào ớt này, nếu bán giá 20.000 đồng mới hòa vốn nhưng giờ rớt giá thế này, ông coi như mất trắng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm