Báo động số ca tử vong do bệnh dại năm 2024 tăng đột biến

(PLO)- Chỉ 3 tháng đầu năm 2024 đã có 27 ca tử vong do bệnh dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024, tổ chức sáng nay ngày 27-3.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, từ năm 2022 đến nay, một số dịch bệnh đã có sự gia tăng trở lại, trong đó bệnh dại ghi nhận có số ca tử vong cao (100% số mắc là tử vong).

Năm 2023 ghi nhận 82 trường hợp tử vong, riêng 3 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 27 ca tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái (tức tăng gần 170%).

Đáng lưu ý, số ca mắc tăng cao đột biến ở những tỉnh trước đây không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại. Trong đó, miền Trung ghi nhận 10 ca tử vong do dại (cao nhất cả nước).

bệnh dại.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết số ca tử vong do bệnh dại năm 2024 tăng gần 170% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: TT

Cũng tại hội nghị, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết 100% số ca tử vong bệnh dại do không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định.

Theo ông Đức, bệnh dại là bệnh gây tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe người dân. Hiện 60/63 tỉnh có ghi nhận số ca tử vong do dại trong 10 năm gần đây.

Về thiệt hại kinh tế, bệnh dại tiêu tốn 800 tỉ mỗi năm chỉ riêng cho vaccine và huyết thanh kháng dại cho người, chưa bao gồm gánh nặng chi phí vết thương và gián tiếp.

Thời gian tới, Cục Y tế dự phòng sẽ tăng cường thực hiện công tác chuyên môn, kỹ thuật, kết hợp giữa: theo dõi, đánh giá; giám sát, kiểm soát dịch; truyền thông; phối hợp liên ngành; và dự phòng.

Tuy nhiên, theo ông Đức công tác phòng chống bệnh dại vẫn gặp một số khó khăn như dịch bệnh diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát từ các ổ chứa tự nhiên.

Nguồn gây bệnh trên động vật nên ngành y tế không thể đơn phương kiểm soát, đòi hỏi có sự phối hợp giữa nhiều ngành, đơn vị. Tuy nhiên, sự phối hợp liên ngành không đồng bộ, một số địa phương còn hạn chế.

Y tế dự phòng, y tế cơ sở có nhiều hạn chế; thu nhập thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân lực phòng, chống dịch các tuyến mỏng và yếu đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi.

Nguy cơ thiếu vaccine và huyết thanh kháng dại vẫn tồn tại, các công ty nước ngoài giảm cung cấp vaccine vì lợi nhuận thấp. Bên cạnh đó, kinh phí phòng chống dịch bệnh hạn chế, mỗi năm Chương trình phòng, chống dại của Bộ Y tế được cấp 2 tỉ đồng cho tất cả các hoạt động, do đó chủ yếu tập trung vào công tác giám sát và xử lý ổ dịch.

tử vong do bệnh dại.jpg
Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức hội nghị. Ảnh: TT

Cùng với đó, người dân vẫn e ngại việc tiêm vaccine phòng dại có nhiều tác dụng phụ, dẫn đến việc sử dụng các biện pháp điều trị không được Bộ Y tế công nhận.

Giá vaccine dại tương đối cao (1,2-1,5 triệu/liệu trình) gây khó khăn trong việc chi trả của người nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Công tác truyền thông còn hạn chế do thiếu ngân sách và nhân lực, nhận thức người dân về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại còn hạn chế. Đặc biệt trẻ em khi bị cắn thường không nói với gia đình.

Tỉ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo nuôi còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế, nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng thả rông chó, mèo dẫn đến tăng nguy cơ tấn công con người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm