Mặc dù lạm phát năm tháng đầu năm nay vẫn nằm trong mục tiêu dưới 4% của Chính phủ, một phần nhờ Việt Nam chủ động được nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa… liên tục leo thang thì rất khó để những tháng còn lại lạm phát không tăng cao.
Nguyên vật liệu, xăng dầu liên tục biến động… đẩy giá bán sản phẩm trên thị trường tăng. |
Sức ép gia tăng
Công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2022 tăng 2,86% so với cùng kỳ và tăng đến 2,48% so với hồi đầu năm. Thực tế bão giá đã “gõ cửa” từng gia đình, ngấm vào bữa ăn và đơn hàng của cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Lý giải về điều này, TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng hầu hết hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Chính vì thế giá cả của hầu hết mặt hàng sẽ chịu tác động do chi phí đầu vào tăng cao.
“Với việc giá xăng tăng liên tục như vừa qua sẽ làm tăng thêm áp lực cho lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới” - TS Huân nói.
Trong bối cảnh giá nhiên liệu leo thang, giá nhiều loại lương thực, hàng hóa tiêu dùng tăng vọt khiến áp lực lên lạm phát càng lớn.
Đồng quan điểm, TS Bùi Duy Tùng, ĐH RMIT Việt Nam, cũng chỉ ra lạm phát trong những tháng đầu năm nay chủ yếu đến từ tác động trực tiếp của giá xăng dầu. Giá xăng dầu tác động trực tiếp đến lạm phát do xăng dầu là một trong những mặt hàng trong rổ hàng hóa tính CPI trong giai đoạn hiện tại.
“Trong những tháng cuối năm, việc giá hàng hóa dịch vụ tăng sẽ gây áp lực rất lớn đến lạm phát. Nguyên nhân do các nhà sản xuất, kinh doanh bắt đầu hoàn thành việc điều chỉnh giá bán các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhằm theo kịp đà tăng của xăng dầu” - TS Tùng phân tích.
Trong một báo cáo vừa phát hành, Ngân hàng UOB nhận định lạm phát tại Việt Nam có xu hướng tăng lên 2,86% vào tháng 5. Giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu tăng cao cùng với gián đoạn chuỗi cung ứng là nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng ở Việt Nam. Đặc biệt, chi phí liên quan đến vận tải đã tăng hai chữ số trong hơn một năm qua.
“Do Việt Nam có khả năng cung cấp thực phẩm trong nước, áp lực tăng giá phần lớn bị chi phối bởi các thành phần liên quan đến hoạt động vận tải, chiếm khoảng 75% mức lạm phát hiện nay. Mặt khác, với xung đột Nga - Ukraine kéo dài cũng như các lệnh trừng phạt chưa có dấu hiệu giảm bớt, tỉ lệ lạm phát chính của Việt Nam dự báo ở mức 3,7% năm nay và sẽ tăng lên 5% vào năm 2023” - ngân hàng này nhận định.
Đồng tiền Việt mất giá ít hơn
các nước
Trong một báo cáo vừa phát hành, Ngân hàng UOB nhận định tiền đồng Việt Nam (VND) sẽ không đứng ngoài xu thế giảm giá của các đồng tiền châu Á từ động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và lo ngại sự suy thoái sâu hơn của nền kinh tế Trung Quốc.
Hiện tỉ giá USD/VND đã tăng khoảng 1,7% trong quý II-2022 lên 23.215 đồng/USD, mức cao nhất kể từ tháng 8-2020. Nhưng xu hướng giảm giá của tiền đồng thấp hơn nhiều so với các đồng tiền tại khu vực châu Á.
Ngân hàng này dự báo trong thời gian tới, tiền đồng sẽ đối mặt với áp lực giảm giá thêm khi Fed tiếp tục tăng lãi suất. Theo đó, tỉ giá USD/VND có thể lên mốc 23.400 đồng vào quý III năm nay.
Cần chính sách cẩn trọng, linh hoạt
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhấn mạnh rằng mặc dù Ngân hàng Thế giới đánh giá lạm phát Việt Nam trong tầm kiểm soát nhưng không có nghĩa chúng ta không chịu nhiều tác động. Hiện giá lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tăng khá mạnh.
Lạm phát sẽ tác động mạnh nhất đến những người có thu nhập thấp và trung bình ở khu vực thành thị. Thu nhập của họ chủ yếu đến từ tiền lương, thường là cố định trong khoảng thời gian dài. Cho nên khi lạm phát xảy ra hay giá cả hàng hóa tăng thì số lượng hàng hóa mà họ mua được sẽ ít đi với cùng một mức lương cố định đó. Điều này dẫn đến chất lượng cuộc sống sẽ giảm đi. Đây là nhóm đối tượng cần được quan tâm nhất trong thời bão giá.
TS Bùi Duy Tùng, ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng để đảm bảo được tỉ lệ lạm phát nằm trong mục tiêu 4%, Chính phủ cần có những biện pháp để ổn định giá cả, đặc biệt là giá cả của những mặt hàng chiếm tỉ trọng cao trong tổng chi tiêu dùng của người dân. Lạm phát chỉ có thể được kìm hãm tốt nếu giá cả của những mặt hàng này được kiểm soát tốt và bình ổn.
Đến hạt muối cũng tăng giá
Bà Thành, tiểu thương ở chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TP.HCM), cho biết từ khi xăng dầu tăng giá liên tục đến nay, các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng theo. Ví dụ, hôm 14-6, các sản phẩm mì, bún, phở… tăng 12.000-21.000 đồng/thùng.
“Trước đây mì Gấu đỏ giá vốn nhập vào khoảng 52.000 đồng/thùng, nay tăng lên 73.000 đồng/thùng. Phở Vifon trước 153.000 đồng, nay lên 173.000 đồng/thùng. Ngay cả muối ăn giá vốn từ 3.500 đồng/gói sắp tăng lên 4.500 đồng/gói. Giá cả tăng nên sức mua của người dân giảm sút” - bà Thành dẫn chứng.
Để làm được điều này, Chính phủ có thể đưa ra những chính sách giúp nông dân tăng sản lượng hàng hóa nông nghiệp, giúp ổn định giá cả thực phẩm; những chính sách cải thiện chuỗi cung ứng nhằm giảm chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ xem xét chính sách thắt chặt tiền tệ (giảm cung tiền) khi lạm phát ở mức cao.
Mặt khác, trong bối cảnh lạm phát, ông Tùng lưu ý các nhà sản xuất, kinh doanh cũng nên có chính sách điều chỉnh giá cả linh hoạt, phù hợp với sức mua của người dân ở từng thời điểm. Thêm nữa, khi lạm phát xảy ra, không phải giá cả của tất cả mặt hàng đều tăng bằng nhau, có những hàng hóa tăng ít hơn những loại khác. Do đó, nhà sản xuất có thể sử dụng những sản phẩm thay thế rẻ hơn để tiết kiệm chi phí.•
Giá xăng dầu liên tục leo thang trong thời gian gần đây. Ảnh: TÚ UYÊN |
Nỗ lực xoay xở trong cơn bão giá
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Kỹ thuật và quản đốc sản xuất Công ty cổ phần Nước Hoàng Minh (nước uống ion Life), cho biết trong giai đoạn giá cả tăng cao như hiện nay công ty định hướng vào đổi mới sáng tạo và cải tiến trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt công ty đầu tư công nghệ để từ đó nâng cao sản lượng, giảm tỉ lệ tiêu hao trong quá trình sản xuất.
Chẳng hạn, trước đây chai nước hoặc bình nước thường có màng co nắp bằng nhựa hoặc túi nylon. Nay để tiết giảm chi phí, công ty đầu tư công nghệ in khắc laser, không khắc bằng công nghệ in phun như trước đây, từ đó bỏ luôn màng co nắp. Cách làm trên vừa giảm giá thành sản phẩm vừa tiết kiệm nguyên vật liệu nhựa, bảo vệ môi trường, tránh rác thải nhựa.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, gợi ý rằng trong bối cảnh giá xăng dầu và nguyên vật liệu tăng cao như hiện nay, các đơn vị sản xuất, kinh doanh có thể bắt tay liên kết với nhau để cùng giảm các chi phí. Đơn cử như chuyện Công ty Thiên Long và Biti's bắt tay nhau để vượt qua khó khăn thời bão giá.
Cụ thể, Công ty Thiên Long nhận thấy Biti's có chuỗi cửa hàng rộng khắp nên đề nghị tại mỗi cửa hàng của Biti's cho phép Thiên Long đặt một tủ trưng bày viết, văn phòng phẩm. Mô hình này có lợi cho cả hai bên, vừa không cạnh tranh mà còn hỗ trợ nhau. Bởi nếu khách đến không mua bút, viết, tập… của Thiên Long thì có thể mua giày, dép Biti's và ngược lại. Tính đến cuối tháng 4 vừa qua, hai bên bắt tay nhau triển khai 10 cửa hàng theo mô hình này.
“Bên cạnh đó, các công ty nên xem xét lại toàn bộ quy trình sản xuất, kinh doanh, hiệu năng của thiết bị dây chuyền… để làm sao có giá thành sản phẩm tối ưu nhất” - bà Hạnh nói.
TÚ UYÊN