Là bởi hơn 80 km sông Sài Gòn vốn cũng là một nhân chứng gắn với bao thăng trầm của lịch sử hình thành và phát triển đô thị TP.
Sông Sài Gòn không chỉ là một cảnh quan tự nhiên mà còn là một điểm nhấn đặc biệt và vô cùng quý giá cho diện mạo đô thị của TP.HCM. Sông Sài Gòn cũng chính là một “chiếc máy điều hòa” khổng lồ để điều hòa không khí, thanh lọc cái oi bức của một TP nắng nóng gần như quanh năm.
Hơm 40 năm qua, cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, rất nhiều kênh, mương, sông, rạch ở TP đã bị bức tử, bị lấp đi để xây nhà, dựng cửa, làm đường. Gần như ngần ấy năm người ta đã để sông Sài Gòn ra ngoài sự phát triển đô thị. Nói như vậy có lẽ cũng không ngoa. Bởi cho đến bây giờ, dù có trong quy hoạch chung và trong kế hoạch chỉnh trang đô thị của TP nhưng chưa hề có bất kỳ động thái nào của chính quyền để phát huy được lợi thế và giá trị của dòng sông tuyệt đẹp chảy ngay giữa lòng TP này.
Xem lại cả quá trình quản lý nhà nước, từ năm 2004 TP ban hành Quyết định 150 quy định về hành lang bảo vệ hệ thống sông, hồ, kênh, mương, rạch trên địa bàn TP. Và đến năm 2017 được thay thế bằng Quyết định 22. Ngoài ra, chỉ một số đoạn xung yếu, có nguy cơ sụp lún thì mới được cải tạo, chẳng hạn như khu vực từ đầu cầu Bình Triệu đến cầu Kinh, Thanh Đa. Rõ ràng sau khi được cải tạo, dù chỉ là một đoạn ngắn nhưng diện mạo cảnh quan bên sông đã khác hẳn. Nơi đây từ chỗ thường xuyên sạt lở, nhếch nhác với nhiều tệ nạn đã “sáng bừng lên” khi được cải tạo thành một công viên mini dọc sông. Nó trở thành một không gian sinh hoạt cộng đồng rất ý nghĩa và đúng nghĩa người dân được hưởng thụ.
Tuy nhiên, đó chỉ là những điểm sáng rất nhỏ trong suốt dọc 80 km bờ sông Sài Gòn và cũng chỉ làm chắp vá mà thiếu sự đồng bộ để biến dòng sông này trở thành một giá trị đặc biệt trong lòng TP. Người dân hết sức chia sẻ với TP về gánh nặng ngân sách, về hàng loạt dự án trọng điểm và cấp bách về hạ tầng. Nhưng sự chậm trễ hơn 40 năm qua đối với việc cải tạo, chỉnh trang cảnh quan dọc bờ sông đã là một sự thiệt thòi cho người dân, cũng chính là sự lãng phí tài nguyên của TP.
TP.HCM có sông Sài Gòn. Đà Nẵng có sông Hàn cũng nằm ngay trong lòng TP. Nhưng việc bảo vệ, khai thác, sử dụng thì hoàn toàn khác hẳn. Có lẽ nói Đà Nẵng sẽ kém hấp dẫn nếu không có dòng sông Hàn chảy qua cũng không hề sai. Con sông Hàn với hàng loạt cây cầu đẹp bắc qua, không đơn thuần chỉ là để lưu thông mà còn là điểm nhấn du lịch tuyệt vời của Đà Nẵng. Sông Hàn đã trở thành một nơi thực sự của cộng đồng, của người dân, của khách du lịch. Bất kỳ ai đến Đà Nẵng cũng đều có thể tận hưởng những không gian tuyệt vời bên sông.
Trong khi đó nhìn lại TP.HCM, diện mạo dọc theo bờ sông hiện nay chính là sự xuất hiện của những “gã khổng lồ” là nhà cao tầng chắn hết gió, che hết tầm nhìn. Và người dân TP cũng chẳng dễ dàng gì để được tận hưởng không gian công cộng này. Đó là điều quả thật rất đáng tiếc. Đến bao giờ sông Sài Gòn mới được thức giấc, mới được phát huy hết vẻ đẹp của nó trong diện mạo đô thị TP. Câu hỏi này xin được đặt lên bàn của những nhà làm quy hoạch, của chính quyền TP.