Bạo lực nguy hiểm ở Trung Á, hàng trăm người thiệt mạng

(PLO)- Xung đột quân sự giữa bốn nước ở Trung Á đang đẩy khu vực này vào nguy cơ bất ổn lần nữa, khiến cộng đồng quốc tế phải lên tiếng can giải.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần qua, thế giới liên tiếp chứng kiến xung đột nổ ra giữa bốn nước thuộc khu vực Trung Á, cụ thể là giữa Kyrgyzstan và Tajikistan, Armenia và Azerbaijan. Đợt bùng phát bạo lực mới nhất khiến hàng trăm binh sĩ các bên thương vong. Các cường quốc đã lên tiếng đề nghị các bên xuống thang căng thẳng và đối thoại hòa bình.

Binh sĩ Azerbaijan trong một khóa huấn luyện gần TP Ganja ở phía tây ngày 3-9. Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Azerbaijan trong một khóa huấn luyện gần TP Ganja ở phía tây ngày 3-9.

Ảnh: REUTERS

Xung đột Kyrgyzstan - Tajikistan hai ngày gây thương vong lớn

Hãng tin Reuters dẫn số liệu cập nhật mới nhất ngày 18-9 cho biết gần 100 người đã thiệt mạng chỉ trong hai ngày xung đột biên giới giữa Tajikistan và Kyrgyzstan (từ ngày 14 đến 16-9). Đây là đợt bùng phát bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều năm qua giữa hai quốc gia Trung Á láng giềng thuộc Liên Xô trước đây. Hai bên cáo buộc lẫn nhau sử dụng xe tăng, súng cối, pháo phản lực và máy bay không người lái tấn công tiền đồn và các khu định cư gần biên giới.

Quân đội Kyrgyzstan thông báo rằng 59 công dân nước này đã thiệt mạng tại khu vực biên giới Batken ở miền Nam, 144 người bị thương và bốn binh sĩ mất tích. Trong số nạn nhân có cả dân thường, phụ nữ và trẻ em. Kyrgyzstan cho biết sẽ tổ chức quốc tang trong ngày 19-9 (giờ địa phương). Quân đội Tajikistan cho biết đã có 35 công dân nước này thiệt mạng. Đây là số liệu chính thức đầu tiên về thương vong được nước này công bố sau khi bùng phát xung đột giữa hai nước.

Theo Reuters, xung đột giữa Tajikistan - Kyrgyzstan thường mang tính chất tranh chấp lãnh thổ do một đoạn lớn trên đường biên giới hai nước không được cắm mốc rõ ràng. Lần đụng độ gần nhất hồi tháng 4 năm ngoái làm 50 binh sĩ hai nước thiệt mạng.

200 binh sĩ thiệt mạng vì xung đột Armenia - Azerbaijan

Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan bất ngờ bùng phát từ ngày 12 đến 14-9. Hãng tin AFP dẫn báo cáo từ quân đội hai bên cho biết ít nhất 200 binh sĩ đã thiệt mạng trong các đợt giao tranh. Bộ Quốc phòng Armenia cáo buộc quân Azerbaijan xuất kích các máy bay không người lái vũ trang về hướng các mục tiêu dân sự của nước này và nối lại những vụ dội pháo, súng cối. Về phần mình, quân đội Azerbaijan lên án lực lượng Armenia dội pháo vào các vị trí quân sự.

Những mục tiêu đều nằm trong vùng Nagorno - Karabakh mà hai nước đang tranh chấp. Năm 2020, Baku và Yerevan đã có cuộc chiến kéo dài 44 ngày trong khu vực tranh chấp này, kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian, trong đó lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được triển khai tới Nagorno - Karabakh.

Nagorno - Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía tây nam của Azerbaijan, từ lâu được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, đa số người dân sống ở đây là người gốc Armenia nên những năm 1990 họ muốn ly khai để sáp nhập khu vực này vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước láng giềng mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra.

Trung Quốc đến nay vẫn chưa có tuyên bố chính thức về tình hình căng thẳng ở Trung Á. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 14-9 có chuyến đi đến Trung Á tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Nga và quốc tế nỗ lực hòa giải

Hiện nay, Liên Hợp Quốc (LHQ) và nhiều nước lớn đang tích cực hoạt động ngoại giao con thoi nhằm ngăn chặn xung đột leo thang giữa bốn nước trên.

Hội đồng An ninh Tập thể của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu tuần qua đã tổ chức họp bất thường trực tuyến với sự tham dự của Tổng thống Vladimir Putin và nhất trí cử một nhóm công tác đến Armenia. Nhiệm vụ của nhóm công tác là đánh giá tình hình căng thẳng ở biên giới với Azerbaijan và chuẩn bị một báo cáo chi tiết cho các nguyên thủ quốc gia tại phiên họp tiếp theo của Hội đồng An ninh Tập thể vào cuối năm.

Trong khi đó, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 15-9, trợ lý tổng thư ký LHQ phụ trách các khu vực châu Âu, Trung Á và châu Mỹ Miroslav Jenca đã nhấn mạnh tính cần thiết của một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. Ông cho rằng cộng đồng quốc tế phải duy trì cam kết đầy đủ về việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan, tận dụng mọi nỗ lực để xoa dịu căng thẳng hiện tại, đưa các bên quay trở lại bàn đàm phán và giúp các nước đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực.

Về phía xung đột Kyrgyzstan - Tajikistan, hãng thông tấn TASS cho biết Tổng thống Putin ngày 19-9 đã trực tiếp điện đàm với cả Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Nurgozhoevich Japarov và Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon. Ông Putin kêu gọi hai bên ngăn chặn chiến sự leo thang và giải quyết vấn đề “chỉ bằng các biện pháp hòa bình, chính trị và ngoại giao càng sớm càng tốt”. Nhà lãnh đạo nước Nga cũng đề xuất việc hỗ trợ hai nước này.•

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bất ngờ thăm Armenia

Reuters cho biết phái đoàn ngoại giao Mỹ do Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi dẫn đầu đã đến Armenia hôm 17-9, chỉ vài ngày sau khi xung đột nổ ra giữa nước này với Azerbaijan.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi nói rằng chuyến thăm của bà “là biểu tượng mạnh mẽ của sự cam kết vững chắc từ Mỹ đối với một Armenia hòa bình, thịnh vượng và dân chủ, cũng như một khu vực Caucasus ổn định, an toàn”.

Cùng với Pháp và Nga, Washington đồng chủ trì nhóm hòa giải Minsk, dẫn đầu các cuộc đàm phán hòa bình kéo dài nhiều năm qua giữa chính quyền Armenia và Azerbaijan dưới sự bảo trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Bà Pelosi nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ chuyển tải sự ủng hộ mạnh mẽ và liên tục của Mỹ với tư cách là nhóm Minsk thuộc OSCE và là người bạn lâu năm của Armenia, đối với một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở Nagorno - Karabakh”. Về phía Armenia, Chủ tịch Quốc hội Alen Simonyan nói với các nhà báo trước chuyến thăm của bà Pelosi rằng sự kiện này “sẽ đóng vai trò lớn trong việc đảm bảo an ninh của chúng tôi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm