Xem lại bão số 9 càn quét kinh hoàng trên đất Quảng
Đến thời điểm này (14 giờ 45 phút ngày 28-10), phóng viên của chúng tôi báo về: Tình hình tỉnh Phú Yên đã tạm ổn định, người dân cùng chính quyền địa phương đang dọn dẹp hậu quả bão để lại, sớm đi vào cuộc sống bình thường; tại Quảng Ngãi vẫn còn gió tuy nhiên cường độ đã giảm, trời tiếp tục mưa.
Những chiếc thuyền, ghe được người dân Phú Yên cẩu lên tránh bão trước đó đang được người dân thả xuống để chuẩn ra khơi. Ảnh: TỰ SANG
Riêng tại Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn đang có gió rất mạnh, nhất là khu vực ven biển, hiện người dân chưa thể ra đường được. Một số nới ở Bình Định bị ngập...
Do ảnh hưởng của bão, tại Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14; đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Hoài Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Trà My (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Cẩm Lệ (Đà Nẵng) có gió giật cấp 8; An Khê (Gia Lai) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; các nơi khác ở khu vực ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có gió giật cấp 7-8.
Ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên đã có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-320 mm.
Tin từ Bình Định lúc 14 giờ 30: Ông Phạm Văn Nam, Bí thư huyện Ủy An Lão (Bình Định), thông tin với phóng viên là trên địa bàn lượng mưa và gió có giảm nhưng nước trên thượng nguồn huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đổ xuống nhanh.
Tỉnh đang có khoảng 400 hộ dân của 2 thôn Vạn Long và Vạn Khánh (xã An Hòa) bị ngập khoảng 1 m. Địa phương cũng đã cử lực lượng xuống để hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn.
13 giờ 30: Quảng Nam, bão quật đổ cây xanh, thốc mái bệnh viện
Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, vị trí tâm bão lúc 13 giờ ngày 28-10 nằm trên đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Sức gió mạnh nhất: cấp 10-11 (90-115 km/h), giật cấp 13.
Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h.
Hơn 13 giờ trưa nay, Tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) gió vẫn đang giật mạnh làm nhiều cây ngã đổ, các công trình, nhà dân tốc mái.
Ông Võ Anh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết, do ảnh hưởng của bão số 9, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh đã cúp điện. Theo ông Hùng, hiện nay trên toàn tỉnh chỉ có một vài địa phương có điện, còn lại phải cúp để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, một số khu vực bị cúp điện do sự cố.
“Khi bão đi qua chúng tôi sẽ tiến hành đi kiểm tra, ưu tiên đóng điện các khu vực thị trấn, thị tứ trước phục vụ các ban chỉ huy phòng chống thiên tai rồi sẽ tiếp tục về các địa phương khác”, ông Hùng nói.
Nhiều cây xanh bị gió quật bật gốc ở Quảng Nam.
Ông Phạm Ngọc Hoà Bình, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Minh Thiện (TP Tam Kỳ) cho biết, do gió giật mạnh, phần mái của bệnh viện bị tốc, bay ra đường. Tuy nhiên, lúc xảy ra sự cố vắng người nên không có thiệt hại về người.
12 giờ 25: Bão đổ bộ vào Quảng Ngãi và nam Quảng Nam
Thông tin từ Ban chỉ đạo tiền phương bão số 9 tại Đà Nẵng cho hay từ 12 giờ hôm nay, bão số 9 đã và đang vào bờ. Tâm bão ở Quảng Ngãi và phía Nam tỉnh Quảng Nam.
Từ sáng đến giờ, gió ở Quảng Ngãi đo được đạt cấp 11-12, giật cấp 14. Phía Bắc Quảng Nam và Đà Nẵng yếu hơn.
Khoảng 13-14 giờ chiều, bão sẽ ảnh hưởng nặng hơn ở Đà Nẵng với sức gió cấp 9-10, giật cấp 12. Khi vào gần bờ, vùng tâm bão hẹp hơn so với dự báo, chủ yếu ở phía Nam Quảng Nam và toàn bộ Quảng Ngãi.
Trưa cùng ngày, ông Huỳnh Giới, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi xác nhận, Bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu hai trường hợp được chuyển đến bằng xe bọc thép do chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh điều đi làm nhiệm vụ.
Xe đặc chủng của quân đội luôn túc trực để ứng cứu người dân bị nạn trong bão số 9.
Theo ông Giới, hiện tại địa phương đang có gió mạnh, cây cối ngã đổ, mái tôn bay ra đường hết sức nguy hiểm, xe cấp cứu không thể hoạt động.
12 giờ: Tại đất liền Quảng Ngãi, gió vẫn đang rất lớn, giật liên hồi, càng quét khắp nơi từ thị xã Đức Phổ, huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn... Nhiều trụ sở UBND, trường học, nhà của người dân đã bị tốc mái.
Một số hình ảnh ban đầu bão số 9 càn quét qua Quảng Ngãi, nhiều ngôi nhà ở huyện đảo Lý Sơn bị hư hỏng nặng. Ảnh: HẢI HIẾU - CHÍ TÂM
12 giờ tại Đà Nẵng, Ban chỉ đạo tiền phương cho hay toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. 46 tàu/368 lao động Bình Định cũng đã ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều hai tàu hải quân và hai tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra tìm kiếm, cứu hộ các tàu cá và ngư dân mất tích.
Do ảnh hưởng của bão, hiện tại có 360 xã đang bị mất điện, chủ yếu tại Đà Nẵng 11 xã, Quảng Nam 56 xã, Quảng Ngãi 145 xã, Bình Định 97 xã, Phú Yên 51 xã. Chiếm tổng số hơn 10% phụ tải của miền Trung.
Kon Tum cho học sinh nghỉ học hai ngày 28 và 29-10, Gia Lai cho học sinh nghỉ học ngày 28-10.
Thiệt hại ban đầu: Hai người ở Bình Định bị thương; Ba căn nhà bị sập (một nhà ở Quảng Ngãi, một nhà Bình Định và một nhà ở Phú Yên); 485 nhà tốc mái (Quảng Ngãi 447 nhà, Bình Định hai nhà, Phú Yên 36 nhà).
Điều tàu kiểm ngư cứu ngư dân trên các tàu cá bị chìm
Cũng tại Sở chỉ huy tiền phương, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết, công tác cứu hộ các tàu của Bình Định bị nạn hiện gặp nhiều khó khăn do sóng cao 2-3 m.
Hiện khoảng cách các tàu kiểm ngư đến các tàu bị nạn còn khá xa, dự kiến đến 24 giờ cùng ngày mới có thể tiếp cận hai tàu bị chìm.
Theo ông Bình, Bộ Quốc phòng đã điều động thêm tàu kiểm ngư 490 tham gia cứu hộ. Lúc 9 giờ 30 phút, tàu đã ra hiện trường tàu BĐ 96388 bị chìm nhưng dự kiến đến 24 giờ hôm nay mới tiếp cận được. Bộ Quốc phòng cũng đã sẵn sàng máy bay. “Khi nào gió giảm và bay được thì cất cánh, đảm bảo an toàn” - ông Bình cho hay.
"Hiện nay 12 ngư dân ở trên tàu Bình Định đang thả trôi vẫn có sức khỏe tốt. Đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn đang liên hệ được với họ” - Trung tướng Bình cho hay.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: TẤN VIỆT
11 giờ 20: Tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 10 giờ ngày 28-10, vị trí tâm bão số 9 đang ở ngay trên vùng bờ biển các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15.
Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão.
Mái nhà dài khoảng 30 m của xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã bị cuồng phong làm tốc mái. Ảnh: HẢI HIẾU
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 14 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 22 giờ ngày 28-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.
Vùng nguy hiểm do bão trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển và nước dâng do bão: Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10-11; sóng biển cao từ 5-7m; biển động dữ dội.
Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8 m.
Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6 m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5 m.
Khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0 m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.
Gió mạnh trên đất liền: Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bắc Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14; Đà Nẵng có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.
Mưa lớn: Ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 150-250 mm/đợt.
Từ 28 đến 31-10, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.
11 giờ: Quảng Ngãi, xe đặc chủng xông vào bão cứu dân
Đến 11 giờ trưa nay, tại Quảng Ngãi, gió vẫn đang quần thảo, rất mạnh. Trên đường phố, nhiều tôn và vật nhọn bay khắp nơi. Hiện tại, tại tỉnh này đã có hàng trăm căn nhà tốc mái.
Trạm thủy văn An Chỉ, sông Vệ, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi gió rất mạnh, nhà bị tốc mái toàn bộ. Ảnh: TTKTV
10 giờ 35 phút: Phóng viên Hải Hiếu đang có mặt ở Quảng Ngãi cho hay gió đang giật cực mạnh. Tất cả mọi người đều không ai dám hé cửa bước ra ngoài. Gió mạnh đến mức làm rung chuyển nhà dân, tiếng mái tôn bị gió thốc, lùa, kéo bức từng đợt liên hồi.
"Quảng Ngãi chắc tan hoang anh ơi", phóng viên Hải Hiếu nói.
10 giờ 15: Bão đang cách Quảng Ngãi 60km, tâm bão gió cấp 12, giật cấp 15
Bản tin nhanh lúc 10 giờ của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia vừa cho biết: Vị trí tâm bão lúc 10 giờ ngày 28-10 ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc 109,4 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 180km, cách Quảng Nam 110 km, cách Quảng Ngãi 60 km, cách Bình Định 120km; cách Phú Yên 200 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h.
Do ảnh hưởng của bão số 9, tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 11, giật cấp13; tại Bình Châu (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 11, giật cấp 12, tại Hoài Hải (Bình Định) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 11, tại An Khê (Gia Lai) có gió cấp 7, giật cấp 9.
Bão đang áp sát Quảng Ngãi. Gió ở khu vực gần tâm bão giật tới cấp 15. Trong ảnh: Gió quật nhiều cây ngã ra đường ở TP Quảng Ngãi. Ảnh: HẢI HIẾU
Thống kê sơ bộ tới 10 giờ sáng nay: Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên gió giật rất mạnh, nhiều cây cối téc nhánh, bật gốc. Hàng loạt biển hiệu các cửa hàng, nhà dân bị thổi bay.
Video: Thị xã Sông Cầu có gió giật rất mạnh, cây cối tét nhánh, bật gốc.
Cây bị gió quật đổ tại Thị xã Sông Cầu, Phú Yên.
TP Quy Nhơn có 2 ngôi nhà bị tốc mái. Khu vực Thị xã An Nhơn có 1 nhà dân bị sập làm 2 người bị thương nhẹ.
2 người chết ở Quảng Ngãi: Đó là ông Nguyễn Văn Hiệp (39 tuổi, ngụ xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành), bị ngã dẫn đến tử vong vào chiều ngày 27-10 khi chằng chống nhà ở để tránh bão số 9. Một người khác là ông Lê Đức Hiếu (40 tuổi, ngụ Phước An, Đức Hoà, huyện Mộ Đức), khi chặt cây chống bão tại trường THCS Minh Thạnh bị té ngã. Ông Hiếu được chuyển đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
9 giờ 45 sáng nay, Lý Sơn: Gió giật cấp 13, dân phải xuống hầm tránh bão
Đà Nẵng: Mưa xối xả, gió mạnh làm đổ sập sân khấu ngoài trời BNF được đặt cạnh bãi biển Phạm Văn Đồng (Đà Nẵng.
Từ Sở chỉ huy tiền phương, Phó Thủ tướng đã yêu cầu quân đội cho người dân Lý Sơn xuống hầm tránh bão. Các Quan trắc viên tại Trạm Lý Sơn cũng được lệnh sơ tán khẩn cấp. Quan trắc viên khí tượng thủy văn vừa được lệnh xuống hầm tránh bão.
Hiện nay gió ở Quảng Ngãi cấp 11, giật gần cấp 13.
Sân khấu ngoài trời BNF, cạnh bãi biển Phạm Văn Đồng, TP Đà Nẵng bị gió giật đổ. Ảnh: BÙI TOÀN
Gió ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang rất mạnh, hàng loạt nhà đã bị tóc mái. Trong ảnh, một căn nhà bị tốc mái. Ảnh: CHÍ TÂM
Lúc 9 giờ 30 tại Quảng Nam: TP Tam Kỳ có gió giật mạnh, sóng biển cao đánh toạt một đoạn bờ biển, một số công trình tốc mái.
Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết hiện nay các lực lượng đang tiếp tục trực bão, một số công trình, nhà dân ở nội thị tốc mái, người dân gọi điện nhờ chằng chống nhưng chưa thể xử lý ngay lúc này.
Lực lượng chức năng kiểm tra ở khu vực xã Tam Thanh vào sáng nay. Ảnh: THANH NHẬT
"TP ưu tiên lực lượng đề phòng sẵn sàng cứu người khi xảy ra sự cố. Xã có nguy cơ cao nhất là Tam Thanh nhưng đã không còn người do di dời trước đó. Đến lúc này, chưa có thiệt hại đáng kể" - ông Ảnh thông tin.
Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho biết lúc này địa phương đã cảm nhận gió mạnh hơn, mưa từng cơn, nhiều cây cối, biển hiệu ngã đổ.
"Tình hình đến thời điểm này cơ bản ổn" - ông Sinh nói.
Sóng lớn đánh toạt một đoạn bờ biển. Ảnh: THANH NHẬT
9 giờ 35 phút, thông tin từ PV Nguyễn Tân - Quốc Vũ ở Bình Định: Vào sáng cùng ngày, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết hiện tại gió ở khu vực TP Quy Nhơn vào khoảng cấp 7, cấp 8. Mưa vừa.
Theo thống kê ban đầu, có khoảng 5 nhà dân bị tốc mái, một số cây xanh mới trồng bị ngã đổ. Lực lượng chức năng đã có mặt xử lý, phân luồng giao thông.
Do ảnh hưởng của bão số 9 hiện vẫn còn diễn biến phức tạp nên người dân được di tản trước đó vẫn tiếp tục ở nơi trú ẩn chờ bão tan.
Lực lượng chức năng ở TP Huế đang khẩn trương dọn dẹp các cây xanh bị ngã đổ do bão số 9. Ảnh: NGUYỄN DO
Trong khi đó, tại Thừa Thiên - Huế, PV Nguyễn Do cho haytừ rạng sáng đã bắt đầu xuất mưa và gió to. Gió càng về trưa giật càng mạnh, khiến một số cây xanh trong TP Huế và một số nơi khác bị gãy đổ.
Trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Phú Lộc có cây xanh đổ gãy chắn ngang đường, lực lượng CSGT cùng lực lượng chức năng tại địa phương khẩn trương di dời các vật cản để tránh ảnh hưởng đến phương tiện đi lại.
9 giờ 25 tại Đà Nẵng: Tại Sở chỉ huy tiền phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa gọi cho tàu kiểm ngư được Bộ NN&PTNT điều ra vùng biển Khánh Hòa tìm kiếm 26 ngư dân mất liên lạc trên hai tàu cá Bình Định bị chìm trên biển hôm qua.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9. Ảnh: TẤN VIỆT
Phó Thủ tướng gửi lời hỏi thăm các thành viên trên tàu kiểm ngư, động viên tinh thần và đề nghị tàu tùy cơ ứng biến, đảm bảo an toàn khi cứu hộ.
Trước tình thế nguy cấp, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng cử thêm tàu lớn hỗ trợ tàu kiểm ngư tìm kiếm các ngư dân.
Bão đã giảm 1 cấp: Sáng nay, sau khi đi vào vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định, bão số 9 đã giảm đi 01 cấp.
Lúc 9 giờ sáng, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Hoài Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9.
Ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 100-210 mm...
Thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, vào lúc 07 giờ, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 14 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 28-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15; sóng biển cao từ 7-9 m; biển động dữ dội. Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8 m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6 m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5 m. Khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5 m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bắc Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 150-250 mm/đợt. Từ 28 đến 31-10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4. |
9 giờ tại Bình Định: Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch thị xã Hoài Nhơn, thông tin đến thời điểm hiện tại thị xã đã di dời hơn 1.000 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu đến nơi an toàn. Nhiều nhà dân tại xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn) bị tốc mái.
Hiện số ngư dân trên hai tàu đánh cá của tỉnh bị mất tích vẫn chưa được tìm thấy.
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (bìa phải) thăm và động viên người dân khu phố Cửu Lợi, phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn.
Đà Nẵng: Lúc 9 giờ mưa gió liên hồi. Khắp các ngả đường từ ven biển phía Đông TP Đà Nẵng về trung tâm gió giật dữ dội, mưa tạt rát da người.
Mưa lớn khắp các ngả đường ở TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Dọc bờ biển phía Đông và vịnh Đà Nẵng, sóng lớn đang ngoặm lên bờ kè.
Một số cây cối ven biển đã ngã đổ, gãy cành... Ảnh: TẤN VIỆT
Trước đó, ngay sau cuộc họp của Ban chỉ đạo sáng sớm 28-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi khảo sát tình hình trú tránh bão của người dân tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi khảo sát tình hình trú tránh bão của người dân tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
“Bà con yên tâm sơ tán, tuyệt đối không tự ý trở về nhà khi bão chưa tan. Bà con cần đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn cho bản thân, giữ sức khoẻ cho trẻ em, người già. Chính quyền đã giao lực lượng công an có trách nhiệm bảo vệ tài sản cho người dân tránh bão. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân” - ông Dũng nói.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các lực lượng đảm bảo an toàn tại các điểm sơ tán, đặc biệt là tại các công trình có mảng tường kính lớn, rất dễ bị gió giật vỡ gây nguy hiểm.
Còn theo ông Vũ Quang Hùng, Bí thư quận ủy Liên Chiểu, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng hiện là nơi tránh trú bão cho hơn 700 người dân.
Công trình được xây dựng kiên cố, đảm bảo đứng vững trước gió lớn. Bên dưới công trình có tầng hầm, đảm bảo điều kiện tránh trú cho người dân trong điều kiện xấu nhất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các thành viên Ban chỉ đạo tiền phương kiểm tra bờ biển Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng). Ảnh: TẤN VIỆT
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khảo sát tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành (vịnh Đà Nẵng). Theo quan sát, sóng lớn đã tiến sát bờ kè. Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương tuyệt đối đảm bảo an toàn, không để xảy ra tình trạng sạt lở.
Tại Bình Định: Lúc 8 giờ 32 phút, phóng viên Nguyễn Tân thông tin trên đường Xuân Diệu ven bờ biển TP Quy Nhơn, một bảng hiệu lớn bị gió thổi bay xuống đường, may mắn không có ai bị thương.
Một bảng hiệu lớn trên đường Xuân Diệu, TP Quy Nhơn, Bình Định bị gió bão thổi bay xuống đường. Ảnh: TÂN - VŨ
Lúc 8 giờ 18 phút, thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết do ảnh hưởng của bão số 9, tại đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; tại Hoài Nhơn đo được gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Vị trí tâm bão số 9 lúc 08 giờ ngày 28-10 cách Đà Nẵng khoảng 195 km, cách Quảng Nam 125 km, cách Quảng Ngãi 85 km, cách Bình Định 112 km; cách Phú Yên 190 km. Sức gió mạnh nhất: cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15.
8 giờ, Bình Định: TP Quy Nhơn đang có gió rất mạnh. Sóng biển cao hơn 2 mét. Hàng loạt cây xanh bị gió quật ngã đổ.
Hàng loạt cây xanh ở TP Quy Nhơn, Binh Định, bị gió quật bật gốc. Ảnh: TÂN TÚ
Biển ở Quy Nhơn đang động dữ dội, sóng cao gần 2 met. Ảnh: TÂN TÚ
7 giờ 53: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của bão số 9, tại Lý Sơn đã đo được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12.
Tại Hoài Nhơn (Bình Định) đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9.
Cây xanh lớn bị gió bão quật đổ trên đường phố Tuy Hòa, Phú Yên. Ảnh: TẤN LỘC
Vào 7 giờ sáng nay, 28-10, vị trí tâm bão số 9 đang ở khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 220 km, cách Quảng Nam 155 km, cách Quảng Ngãi 115 km, cách Bình Định 125 km, cách Phú Yên 195 km.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15.
Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25 km/h.
Dọn cây xanh bị đổ tại huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: LÊ NGỌC TÍNH
Đà Nẵng: 7 giờ 45: Tại cuộc họp Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 ở Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục nhấn mạnh cần phải tập trung tìm kiếm, cứu hộ các thuyền viên trên hai tàu cá Bình Định mất tích.
"Đối với tàu cá mất lái đang thả trôi, yêu cầu các đồng chí phải tìm mọi cách liên lạc, giải cứu nhanh, đảm bảo an toàn cứu hộ"- Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Ngay sau khi buổi họp kết thúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các thành viên Ban chỉ đạo tiền phương lập tức lên đường kiểm tra thực địa tại Đà Nẵng và Quảng Nam.
Ngay sau khi buổi họp kết thúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các thành viên Ban chỉ đạo tiền phương lập tức lên đường kiểm tra thực địa tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Ảnh: TẤN VIỆT
Phú Yên: Lúc 7 giờ 30 sáng 28-10, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, cho hay khu vực thị xã Sông Cầu - vùng cực bắc của Phú Yên đã có gió mạnh cấp 10.
Tại TP Tuy Hòa có gió mạnh cấp 8.
Phú Yên gió đang rất mạnh và áp sát bờ biển. Ảnh: TỰ SANG
Theo dự báo, cấp gió tại Phú Yên sẽ còn tiếp tục tăng. Hiện khu vực tỉnh Phú Yên có mưa to với lưu lượng 90 mm.
Sáng 28-10, Ông Trần Lý, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, cho hay hồ chứa nước nhà máy thủy điện này đang xả lũ với lưu lượng nước về hạ du là 900 m3/giây. Hiện nước từ thượng nguồn về hồ thủy điện Sông Ba Hạ gần 1.000 m3/giây.
Cùng thời điểm, Nhà máy Thủy điện Krông H’Năng xả lũ với lưu lượng 158 m3/giây, Nhà máy Thủy điện La Hiêng 2 xả về hạ du hơn 300 m3/giây.
Cây đổ tại phường Phú Đông, TP Tuy Hòa. Ảnh: CAO MINH
Quảng Ngãi: Lúc 7 giờ 30 tại huyện Lý Sơn, sóng dâng cao đập mạnh vào bờ kè, đã ghi nhận nhà dân bị tốc mái.
Nhiều biển quảng cáo trên đường bị ngã, nghiêng. Gió làm tét nhánh nhiều cây xanh, lá cây bay vương vãi khắp mặt đường.
Bảng hiệu trên đường phố TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi lúc 7 giờ 30 sáng nay, 28-10. Ảnh: HH
Ở Đà Nẵng: Lúc7 giờ 20 mưa từng hồi, không lớn, gió giật rất mạnh, nhất là khu vực ven biển.
Sóng ngoi lên bờ kè tại biển Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: HẢI HIẾU
Ở Phú Yên: Theo ghi nhận của phóng viên Tấn Lộc lúc 6 giờ 40 phút, bước đầu bão đã làm ngã đổ nhiều cây xanh, nhiều công trình xây dựng bị hư hỏng...
Cây đổ trên đường Hùng Vương, TP Tuy Hòa, Phú Yên. Ảnh: TẤN LỘC
Một số công trình bị gió bão làm hư hỏng tại TP Tuy Hòa, Phú Yên. Ảnh: TẤN LỘC
Bão đang cách Phú Yên 190 km
Do ảnh hưởng của bão số 9, lúc 6 giờ tại Lý Sơn đã đo được gió mạnh 21 m/s (cấp 9), giật 30 m/s (cấp11).
Vị trí tâm bão (06 giờ ngày 28-10) cách Đà Nẵng khoảng 240 km, cách Quảng Nam 175 km, cách Quảng Ngãi 140 km, cách Phú Yên 190 km.
Hình ảnh vệ tinh của bão số 9 lúc 6 giờ sáng 28-10. Ảnh: AH
Sức gió mạnh nhất: cấp 12-13 (115-150 km/giờ), giật cấp 16. Dự báo trrong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25 km/giờ.
Trước đó, tại Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Có thể nói diễn biến của bão từ đêm hôm qua cho đến thời điểm hiện tại vẫn theo đúng dự báo của chúng tôi, di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, với tốc độ 20-25 km/giờ. Trong đêm qua, tác động của bão bắt đầu tăng dần trên đất liền. Ngoài khu vực huyện đảo Lý Sơn, khu vực cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) cũng quan trắc được gió cấp 9, giật cấp 11.
Do ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhiều ngôi nhà ở huyện đảo Lý Sơn đã bị gió thổi bay mai. Ảnh: CHÍ TÂM
Trong ngày 28-10, dự báo gió sẽ tiếp tục tăng dần, khi mà bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20-25 km/giờ. Chính vì thế, gió mạnh nhất trong ngày hôm nay sẽ rơi vào thời điểm sáng và trưa.
Các khu vực phía bắc như Đà Nẵng, Quảng Nam sau 9 giờ gió sẽ bắt đầu tăng mạnh. Trong ngày hôm nay, vào buổi trưa gió có thể có khoảng thời gian lặng, đến buổi chiều thì đổi hướng, gió mạnh.
Ông Lâm cũng cho biết trong ngày hôm nay, mưa lớn còn tiếp tục xảy ra ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên, trọng tâm ở các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Sau đó khi bão vào bờ và suy yếu dần thì vùng mưa dịch dần lên các tỉnh phía bắc, trọng tâm mưa ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và có thể mở rộng ra cả Hà Tĩnh.