Suốt đêm 27 sáng 28-10, phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã có mặt ở các khu vực ven biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên – nơi dự kiến tâm bão đi qua để ghi nhận tình hình bão lũ cùng ứng phó của người dân và chính quyền địa phương.
Nhiều ngôi nhà ở huyện đảo Lý Sơn đã bị gió thổi bay mai. Ảnh: CHÍ TÂM
Bình Định còn 46 tàu thuyền đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm
Lúc 6 giờ 15, Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 đặt tại Đà Nẵng họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Báo cáo nhanh lúc 6 giờ của Ban chỉ đạo tiền phương cho hay, toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Riêng tỉnh Bình Định còn 46 tàu/368 lao động đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Bão mạnh nhất vào sáng và trưa ngày 28-10
Lúc 6 giờ ngày 28-10, tại Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Có thể nói diễn biến của bão từ đêm hôm qua cho đến thời điểm hiện tại vẫn theo đúng dự báo của chúng tôi, di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, với tốc độ 20-25 km/giờ. Trong đêm qua, tác động của bão bắt đầu tăng dần trên đất liền. Ngoài khu vực huyện đảo Lý Sơn, khu vực cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) cũng quan trắc được gió cấp 9, giật cấp 11.
Ông Hoàng Phúc Lâm thông tin về tình hình bão số 9 lúc 6 giờ ngày 28-10. Ảnh: AH
Trong ngày 28-10, chúng tôi dự báo gió sẽ tiếp tục tăng dần, khi mà bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20-25 km/giờ. Chính vì thế, gió mạnh nhất trong ngày hôm nay sẽ rơi vào thời điểm sáng và trưa.
Các khu vực phía bắc như Đà Nẵng, Quảng Nam sau 9 giờ gió sẽ bắt đầu tăng mạnh. Trong ngày hôm nay, vào buổi trưa gió có thể có khoảng thời gian lặng, đến buổi chiều thì đổi hướng, gió mạnh.
Ông Lâm cũng cho biết trong ngày hôm nay, mưa lớn còn tiếp tục xảy ra ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên, trọng tâm ở các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Sau đó khi bão vào bờ và suy yếu dần thì vùng mưa dịch dần lên các tỉnh phía bắc, trọng tâm mưa ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và có thể mở rộng ra cả Hà Tĩnh.
Lúc 5 giờ 50 phút, đảo Lý Sơn có nhiều nhà bị tốc mái
Phóng viên Hải Hiếu thông tin: Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiện gió rất lớn, một số ngôi nhà đã bị thổi tốc mái, sóng biển trắng trời.
Trong đất liền tại huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) gió vẫn đang mạnh lên dần, giật mạnh cấp 10, giật cấp 12.
Sóng lớn tại đảo Lý Sơn. Ảnh: CHÍ TÂM
5 giờ 20, sáng 28-10, Phú Yên: Gió rất mạnh, sóng biển dâng cao, cây cối ngã nghiêng khắp nơi
Phóng viên Tấn Lộc và Tự Sang của Pháp Luật TP.HCM đang trực chiến bão số 9 tại Phú Yên cho biết: Gió bắt đầu giật mạnh ở Phú Yên. Thông tin với PLO, một lãnh đạo UBND thị xã Sông Cầu- địa phương cực bắc của tỉnh Phú Yên, cho hay hiện khu vực này đang có gió rất mạnh.
“Gió giật rất mạnh, liên tục từng cơn. Gió mỗi lúc càng mạnh nhưng chưa biết cấp mấy. Tất cả các phương tiện đều không thể ra đường”- vị lãnh đạo thị xã nói.
Phú Yên gió đang giật rất mạnh, sóng biên dâng cao, đánh sâu vào đất liền. Cây cối nghiêng ngã khắp nơi. Ảnh: TẤN LỘC
Ông Lê Văn Quy, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, cho hay thông tin từ các địa phương, đơn vị báo về là gió đã mạnh. Những khu vực trống, gió giật dữ dội. Sóng biển dâng cao, đánh sâu vào đất liền.
Ông Võ Đình Tiến, Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa, cho hay nhiều khu vực ở địa phương này đã mất điện. “Tình hình chung là gió giật rất mạnh. Chúng tôi đang liên lạc với các địa phương để cập nhật tình hình cụ thể”- ông Tiến nói.
Sông Cầu, Phú Yên: Gió giật mạnh khiến nhà lưới đổ sập phủ lên ô tô. Ảnh: TỰ SANG
Từ khu vực ven biển thuộc phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, một người dân cho biết gió rít, hú liên hồi, đập đùng đùng vào cửa các căn nhà. Các căn nhà có cửa sắt cuốn cũng bị gió đập ầm ầm.
“Đã nghe tiếng tôn bay tốc mái. Cây cối ngã nghiêng khắp nơi. Không ai dám ra ngoài vào lúc này!”- người dân nói với PV qua điện thoại.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, lúc 5g ngày 28-10, khu vực tỉnh này có gió mạnh trên cấp 9, giật cấp 11
5 giờ 10, sáng ngày 28-10: Vị trí tâm bão ngay ngoài khơi các tỉnh Đà Nẵng đến Phú Yên
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy Văn Quốc gia, trong bản tin phát lúc 5 giờ sáng nay (28-10) cho hay: Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 70-150 mm.
Hồi 04 giờ ngày 28-10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,4 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16.
4 giờ sáng nay, vị trí tâm bão đã nằm ngay vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 280 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 120 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 28-10, vị trí tâm bão ở khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 29-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 105,1 độ Kinh Đông, trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây và suy yếu thành một vùng áp thấp.
4 giờ 30 phút sáng 28-10: Lý Sơn, Quảng Ngãi gió giật cấp 11
Bản tin của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy Văn Quốc gia cho hay do ảnh hưởng của bão số 9, 4 giờ sáng ngày ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió giật cấp 11; tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đang có gió giật cấp 9.
Vị trí tâm nằm cách Đà Nẵng khoảng 305 km, cách Quảng Nam 240 km, cách Quảng Ngãi 200 km, cách Phú Yên 195 km. Sức gió mạnh nhất: cấp 13 (135-150 km/h), giật cấp 16.
Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25 km/h.
2 giờ 51, sáng 28-10: Bão số 9 cách Quảng Ngãi 280 km, Phú Yên 220 km
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia vừa phát đi thông tin mới nhất về cơn bão số 9
Theo đó, hồi 01 giờ ngày 28-10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 380 km, cách Quảng Nam 320 km, cách Quảng Ngãi 280 km, cách Phú Yên 220 km.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 140 km tính từ tâm bão.
Bão số 9 đang tiến vào bờ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16. Ảnh: TTKTTV
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần.
Đến 13 giờ ngày 28-10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90 km/giờ), giật cấp 12.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 01 giờ ngày 29-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8 m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6 m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.
Khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5 m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.
Gió mạnh trên đất liền: Thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối nay (28/10). Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.
Mưa lớn: Từ nay đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 150-250 mm/đợt.
Từ 28 đến 31-10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.
2 giờ 40, sáng 28-10, Quảng Ngãi: Sứcgió lúc này tại khu vực đất liền đã mạnh lên thấy rõ. Ở khu vực huyện Sơn Tịnh, gió lùa ầm ào liên hồi, quật những ngọn cây chao đảo. Những mái tôn của nhà dân bị gió lùa nảy lên, phát ra những tiếng rít liên tiếp.
Bão đang cách Phú Yên 240 km, sức gió giật cấp 16
Lúc 1 giờ 24 phút, theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, vị trí tâm bão số 9 đang cách Đà Nẵng khoảng 400 km, cách Quảng Nam 340 km, cách Quảng Ngãi 300 km, cách Phú Yên 240 km. Sức gió mạnh nhất cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao đổi qua điện thoại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác ứng phó bão số 9.
“Thủ tướng vừa nhắc lại, việc cứu hộ hai tàu cá mất liên lạc là rất quan trọng. Yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT tập trung nghiên cứu phương án tiếp cận hai tàu. Chúng ta đưa tàu ra cách mấy trăm hải lý như vậy thì vô cùng khó khăn. Nếu không cẩn thận tàu ra cứu nạn lại gặp nạn” - Phó Thủ tướng cho hay.
Vẫn chưa liên lạc được với 2 tàu cá Bình Định mất tích
Lúc 1 giờ sáng 28-10, PV Tấn Việt thông tin: Tại cuộc họp Ban chỉ đạo ở Sở chỉ huy tiền phương chống bão số 9 vừa kết thúc ở TP Đà Nẵng, Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn, cho hay hiện vẫn chưa liên lạc được với hai tàu cá Bình Định mất tích trước đó.
Ngoài ra, một tàu cá khác của Bình Định mang số hiệu BĐ 98658 TS, do ông Nguyễn Văn Toàn (ngụ Hoài Nhơn, Bình Định) cầm lái bị chết máy khi đang trên đường tránh bão số 9.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: TẤN VIỆT
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong ứng phó bão, sơ tán dân, di chuyển tàu thuyền… Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý công tác tìm kiếm các tàu cá Bình Định bị mất liên lạc, chết máy.
“Vẫn còn hai tàu chưa thoát được khu vực nguy hiểm và một tàu chết máy. Công tác tiếp cận vẫn vô cùng khó khăn” – Phó Thủ tướng nói và đề nghị Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan liên quan bằng mọi cách liên lạc để tiếp cận và ứng cứu các tàu.
Ông Dũng cũng nhắc nhở các địa phương sau khi hoàn thành sơ tán dân phải chú trọng đảm bảo an toàn tại nơi tập trung dân, nhất là các trường học.
“Khi có bão, bão giật rất mạnh thậm chí vỡ cửa kính thì lúc đó vô cùng nguy hiểm vì những cửa kính tại trường học này chưa chắc đã an toàn. Điều đó khiến chúng ta chưa thể yên tâm được” – Phó Thủ tướng cho hay.
Trước đó, chiều 27-10, trên đường chạy vào Cam Ranh (Khánh Hòa) tránh bão, tàu cá BĐ 96388 TS của ông Lê Vạn ở Hoài Thanh, Hoài Nhơn ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Minh ở Tam Quan Nam, Hoài Nhơn làm thuyền trưởng, đã bị chìm ở tọa độ 12043’N - 111027’E. Tàu này có 12 ngư dân.
Tàu còn lại mang số hiệu BĐ 97469 TS trên tàu có 14 người cũng bị chìm.
Tại Quảng Ngãi: Phóng viên Hải Hiếu thông tin Cảng cá Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) hiện tại mưa đã giảm, tuy nhiên gió mạnh lên dần.
Thông tin mới nhất từ Trung tâm khí tượng thủy văn Trung Ương, tâm bão có khả năng đổ bộ vào khu vực này khiến nhiều người dân thêm lo lắng. Một số người dân vẫn đang sắp xếp lại vị trí, tìm hướng chằng cặp lại thuyền để tránh va đập.
Vào lúc 23 giờ 45 phút ngày 27-10, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thảo luận nhóm về cơn bão số 9.
Tham dự thảo luận có Giám đốc Trung tâm, các phó giám đốc, các phòng nghiệp vụ của Trung tâm và Đài Khí tượng Cao không.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia thảo luận nhóm về cơn bão số 9. Ảnh: AH
Qua các phân tích, tính toán mới về mô hình của các đài quốc tế cũng như các trạm khí tượng của chúng ta thì thấy bão vẫn đi đúng hướng đã nhận định. Từ chiều bão đạt cấp 14 và tiếp tục duy trì cấp này trong sáu giờ tới. Hiện bão đang đi gần vào vùng biển lạnh ở phía trong, bắt đầu có tương tác ma sát với địa hình nên xu thế bão sẽ suy giảm về cường độ.
Với vị trí và hoàn lưu bão như hiện nay thì rõ ràng tác động của bão không thay đổi về thời điểm gió mạnh trong đất liền (sáng sớm ngày 28-10 cho đến chiều 28-10), cường độ gió mạnh trên đất liền cũng không thay đổi so với nhận định trước đó.
Tổ hợp rada miền Trung đã quét được vùng tâm bão số 9 lúc 0 giờ ngày 28-10. Ảnh: AH
Đề nghị các vị trí tiếp tục theo dõi, bám sát các diễn biến thông số trên quan trắc 30 phút/lần. Hai tiếng sau chúng ta sẽ có thảo luận nhóm riêng để chốt phương án về cơn bão này.
Đúng 0 giờ ngày 28-10, tổ hợp rada miền Trung đã quét được vùng tâm bão số 9.
Phóng viên Thanh Nhật tại Quảng Nam cho biết: Lúc 0 giờ ngày 28-10, Quảng Nam mưa dần nặng hạt, bắt đầu có gió rít thành từng cơn. Các tuyến đường ở TP Tam Kỳ hầu như không có người qua lại.
Trước đó, Quảng Nam đã yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà kể từ 20 giờ ngày 27-10 cho đến khi có thông báo mới.
Quảng Nam bắt đầu có mưa lớn. Ảnh: THANH NHẬT
Để đảm bảo an toàn, tỉnh Quảng Nam cũng quyết định cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ làm việc ngày 28-10, trừ các lực lượng liên quan đến công tác ứng phó với bão.
Phóng viên Nguyễn Tân có mặt tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho hay: Tới thời điểm hiện tại, TP Quy Nhơn, trời mưa mỗi lúc càng nặng hạt, gió mạnh thêm. Gió đã quật đổ một số cây nhỏ trên đường Chương Dương - Tây Sơn. Cạnh gần đó, một biển hiệu lớn cũng bị gió xé toạc, rớt xuống đường.
Cây xanh bị gió quật ngã đổ ra đường. Ảnh: TÂN VŨ
Biển hiệu cũng bị gió giật rớt xuống đường. Ảnh: TÂN VŨ
Lúc 23 giờ 40, anh Nguyễn Hiền Hậu, ngụ chạy xe máy trên đường Lê Lợi, hướng về bùng binh đường Nguyễn Huệ. Khi đến trước số 4 Lê Lợi, TP Quy Nhơn thì vướng vào một dây điện thoại đang nằm cách mặt đường chừng 1,6 m. Anh Hậu bị té xe, xây xát nhưng không nặng.
Anh Hậu bị vướng dây điện thoại dẫn đến té xe. Ảnh: TÂN VŨ
Tại Quảng Ngãi, phóng viên Hải Hiếu thông tin: nhiều nơi mưa nặng hạt, gió bắt đầu mạnh dần và giật từng cơn. Nhiều người đang tại nơi trú bão nhưng không ngủ được vì lo lắng nhà mình bị gió làm tốc mái.
Tại Phú Yên: Phóng viên Tự Sang cho biết khuya 27-10, tại các khu vực Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, trời vẫn đang mưa rào và gió giật mạnh. Theo ghi nhận, từ sau 21 giờ, các tuyến đường quanh thị xã đã vắng người qua lại, các quán xá hầu như đóng cửa để đảm bảo an toàn.
Trong đêm 27-10, Bí thư tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương đã trực tiếp đến kiểm tra công tác ứng phó bão số 9 tại thị xã Sông Cầu.
Bí thư, Chủ tịch tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương đang hỏi thăm người dân tại điểm tránh bão ở thị xã Sông Cầu. Ảnh: TỰ SANG
Ông Dương đã hỏi thăm tình hình, động viên người dân ở các điểm tránh trú bão và các chiến sĩ tham gia hỗ trợ người dân phòng, chánh bão.
Theo ông Phạm Đại Dương, trong 10 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh Phú Yên thì thị xã Sông Cầu là địa phương có số dân phải di dời đến các nơi tránh trú an toàn nhiều nhất.
"Thị xã này có hơn 10.000 hộ với hơn 40.000 nhân khẩu được di dời. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các phương, xã, thị trấn thì phải đảm bảo chỗ ở cho bà con trong điều kiện tốt nhất, kịp thời hỗ trợ, không để người dân gặp khó khăn trong thời gian đi tránh trú bão, nhất là chuẩn bị đầy đủ mì, nước sạch để hỗ trợ người dân trong thời gian này" - ông Dương nói thêm.
23 giờ: Tin mới nhất về cơn bão số 9
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Dự báo khoảng 2 giờ sáng 28-10, hoàn lưu bão số 9 gây gió mạnh từ cấp 8 bắt đầu tác động vào đất liền. Những giờ sau cường độ gió ngày càng mạnh lên đến khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền các tỉnh Trung và Nam Trung bộ.
22 giờ 45, bão số 9 đang cách Phú Yên 280 km, Quảng Ngãi 360 km
Lúc này, Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 đặt tại Đà Nẵng do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng ban và các thành viên liên quan đang họp cuộc thứ 3 trong ngày.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đang chủ trì cuộc họp thứ 3 trong ngày của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 đặt tại Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Cập nhật đến 22 giờ tối 27-10, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 460 km, cách Quảng Nam 400 km, cách Quảng Ngãi 360 km, cách Phú Yên 280 km, gió cấp 14, giật cấp 17.
Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo tiền phương cho hay, đến 22 giờ, toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Riêng tỉnh Bình Định còn 92 tàu/668 lao động đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Liên quan hai tàu cá Bình Định bị chìm, các lực lượng đang thông báo cho các tàu hoạt động gần khu vực chìm tàu tham gia tìm kiếm người mất tích.
Cụ thể, tàu BĐ 96388 TS có 12 lao động bị chìm lúc 13 giờ 30 ngày 27-10 tại khu vực 12 độ 43 phút vĩ Bắc, 111 độ 27 phút kinh Đông, cách bờ Phú Yên 330 km về phía Đông. Tàu BĐ 97469 TS có 14 lao động bị chìm tại 12 độ 17 phút vĩ Bắc, 112 độ 08 phút kinh Đông, cách Hòn Tre (Khánh Hòa) 310 km.
Ngoài ra, các địa phương từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên hiện đã đã hoàn thành công tác sơ tán dân với tổng số 98.819 hộ/374.631 người.
10 giờ 40, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia trắng đêm theo dõi, cập nhật thông tin về bão số 9
Phóng viên An Hiền của Pháp Luật TP.HCM đang có mặt tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lúc này cho hay: Hiện tại ở Trung tâm có hàng chục cán bộ, nhân viên vẫn đang tập trung theo dõi, phân tích về cơn bão số 9.
Cán bộ nhân viên của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia vẫn đang tập trung phân tích cơn bão số 9.
Phóng viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương cũng đang túc trực tại đây để cập nhật nhanh nhất về đường đi và mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 9.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão số 9 là cơn bão rất mạnh, là một trong hai cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua ảnh hưởng đến khu vực miền Trung.
Từ hôm qua đến nay, cường độ bão đã mạnh lên cấp 13-14, từ chiều nay, 27-10, bão vẫn duy trì cấp 14 đến thời điểm hiện tại. Nếu bão đổ bộ đất liền với cấp 11-12 sẽ gây ra thiệt hại rất lớn, nguy hiểm đến công trình ven biển, đất liền.
Đây là trung tâm điều hành tác nghiệp đầu não ra thông tin chính thức cho các cơ quan ban ngành và người dân. Để có được bản tin dự báo thì mạng lưới quan trắc, mạng lưới xử lý thông tin được rải đều trên toàn quốc, từ miền núi miền xuôi đến vùng xa xôi hải đảo, đòi hỏi tất cả cán bộ truyền dữ liệu, phân tích quan trắc phải thực hiện liên tục 30 phút/lần.
Rất đông phóng viên báo đài đang tác nghiệp tại Trung tâm.
“Chúng tôi hay nói đùa những đêm như thế này gọi là đêm trắng của ngành khí tượng thủy văn, các cán bộ không có thời gian ngủ nghỉ để có số liệu liên tục cập nhật, để đưa ra bản tin dự báo chính xác. Cơn bão số 9 này, dựa trên hệ thống quan trắc vệ tinh, quan trắc rada dọc ven biển như rada tại Tam Kỳ, Quy Nhơn, Nha Trang, Đông Hà, Pleiku...
Đây là những rada mới liên tục quét hệ thống phản hồi đám mây của hoàn lưu bão này để có đánh giá về cấu trúc và đặc điểm của bão số 9, từ đó đánh giá được diễn biến của cơn bão hiện đang ở mức độ nào”- ông Khiêm chia sẻ.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm, trả lời phỏng vấn báo chí về bão số 9.
Theo ông Khiêm, hiện nay bão đang ở cấp 14, cấu trúc mây vẫn đang đặc trưng cho độ mạnh cấp 14, giật cấp 17. Hiện chúng tôi vẫn đang quan trắc liên tục. Cứ 10 phút/lần là có thông tin từ rada vệ tinh và mạng lưới trạm quan trắc từ khu vực ven bờ để đánh giá xem cường độ này có xu thế như thế nào khi tiến gần vào vùng bờ Việt Nam.
“Theo đánh giá của chúng tôi cường độ của cơn bão này sẽ giảm trong 2-4 giờ tới. Tuy nhiên để khẳng định chắc chắn thì chúng tôi vẫn phải theo dõi đánh giá liên tục từ phân tích hình ảnh mây vệ tinh, rada ven bờ...” - ông Khiêm cho hay.
22 giờ 30, Đà Nẵng: Phong tỏa các cầu bắc qua Sông Hàn
22 giờ 30, gió đã lớn dần tại các vùng ven biển Đà Nẵng, trời cũng bắt đầu có mưa. Khắp các ngã đường trung tâm Đà Nẵng không còn một bóng người sau lệnh giới nghiêm áp dụng từ 20 giờ tối nay.
Tại các cây cầu bắc qua sông Hàn và cầu vượt Ngã ba Huế, lực lượng chức năng đã phong tỏa, cấm phương tiện di chuyển qua cầu vì dễ bị gió quật ngã.
Lực lượng chức năng phong tỏa các cây cầu bắc qua Sông Hàn. Ảnh: TẤN VIỆT
Tin từ Sở GTVT Đà Nẵng cho hay đã giao Công ty cổ phần Cầu đường chuẩn bị máy phát điện dự phòng, máy bơm nước để phòng chống ngập úng tại mố neo cầu Trần Thị Lý, hầm chui phía Tây cầu Sông Hàn, hầm chui Điện Biên Phủ.
22 giờ 10: TP Quy Nhơn (Bình Định) đã có mưa lớn, gió giật mạnh.
Đa số người dân tại đây đã chấp hành chỉ thị của UBND tỉnh về việc yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 22 giờ ngày 27-10 cho đến khi có tin cơn bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Mưa gió đã bắt đầu mạnh lên ở Quy Nhơn, Bình Định. Hầu hết người dân chấp hành lệnh không ra đường sau 22 giờ đêm nay.
Tuy nhiên, trên đường vẫn còn một số ít phương tiện lưu thông trong thời gian này.
22 giờ, Quảng Ngãi: Tại thị trấn Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ) gió đã mạnh kèm theo mưa lớn. Còn tại xã Bình Đông (huyện Bình Sơn), hiện có 5.000 người dân trú bão tại đây.
Quảng Ngãi hiện gió đang mạnh lên và mưa đã nặng hạt. Ảnh: HẢI HIẾU
Ký túc xá không đủ chỗ nên nhiều người phải trải bạt dưới tầng hầm để tá túc tránh bão.
Hiện tại bà con giằng chống luôn cửa chính đề phòng gió giật mạnh.
Tại nhà văn hoá thôn Châu Me, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), người dân vào đây trú bão. Nhiều người vừa mới di tản đến.
Người dân đang lưu trú tại các địa đảm tránh bão số 9 ở Quảng Ngãi. Ảnh: HẢI HIẾU
Ghi nhận tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam, từ 18 giờ bắt đầu xuất hiện mưa, đường phố dần ít người.
Trong chiều 27-10, chính quyền TP Tam Kỳ đã huy động lực lượng tổ chức sơ tán xen ghép tại chỗ và di dời tập trung hơn 16.000 người (chủ yếu ở các xã phía Tây đường 129) tránh bão số 9.
Tại xã ven biển Tam Thanh, xã Tam Phú và Tam Thăng, lãnh đạo TP đã huy động nhiều xe cứu thương đưa khoảng 50 cụ già, người mắc bệnh, khuyến tật không thể tự di chuyển về các bệnh viện, cơ sở y tế kiên cố trên địa bàn.
21 giờ 30 tại Phú Yên: Mưa to, người dân không ra đường, xe đặc chủng hỗ trợ ứng phó bão
Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho hay khu vực tỉnh này đã có mưa to.
Xe đặc chủng của quân đội luôn túc trực để hỗ trợ ứng phó bão đang di chuyển trên đường phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: CAO MINH
Hiện chưa có gió mạnh nhưng sóng biển đã dâng cao, đánh dữ dội vào bờ. Tại TP Tuy Hòa, mưa xối xả, đường phố vắng tanh do chính quyền yêu cầu người dân không ra đường từ 21 giờ ngày 27-10 đến khi bão đi qua.
Hầu hết các ngôi nhà, cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa tránh bão.
Trên đường phố của TP Tuy Hòa Phú Yên, nhiều xe đặc chủng đã di chuyển để túc trực, hỗ trợ ứng phó với bão số 9.
Thông tin với PLO, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay đến 19 giờ ngày 27-10, tỉnh này đã sơ tán tại chỗ 11.308 hộ gia đình với 44.218 người ở các khu vực ven biển, ven sông đi tránh bão.
21 giờ: Lý Sơn gió bắt đầu giật trên cấp 8
Lúc 21 giờ đêm 27-10, ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), cho hay hiện tại tại đảo này đã có gió giật cấp 9. Người dân ở đây đã đóng kín của, trú trong nhà kiên cố.
"Hiện tại không ai dám ra ngoài, kể cả tôi cũng vây" - ông Ninh nói. Theo dự báo, Quảng Ngãi là nơi tâm bão sẽ đi qua, đặc biệt là đảo Lý Sơn là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng của cơn bão số 9.
Clip: Ảnh hưởng bão số 9, Lý Sơn gió giật mạnh trên cấp 8 |
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết hồi 19 giờ ngày 27-10, vị trí tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 480 km, cách Quảng Nam 430 km, cách Quảng Ngãi 380 km, cách Phú Yên 320 km.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165 km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 320 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160 km tính từ tâm bão.
Hướng đi và các tác động của bão số 9 trong đêm 27-10
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 19 giờ ngày 28-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.
Vị trí và đường đi của bão số 9. Ảnh: KTTVQG
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định: Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới với gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên: Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10 m; biển động dữ dội.
Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6 m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5 m.
Khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5 m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi.
Gió mạnh trên đất liền: Bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm 27-10; thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28-10. Các tỉnh/TP từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.
Mưa lớn: Từ nay đến ngày 29-10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.
Từ 28 đến 31-10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.
Ngay trong tối 27-10, sau khi trực tiếp thị sát, kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 9 tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục có cuộc họp thứ hai tại Ban Chỉ đạo tiền phương đặt tại TP Đà Nẵng sau cuộc họp đầu tiên 5 tiếng đồng hồ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo tiền phương đặt tại TP Đà Nẵng ngay trong đêm 27-10. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng đánh giá các địa phương đã vào cuộc hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, một số địa phương đang gặp khó khăn, và phải khắc phục ngay trong công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền ngư dân trên biển.
Các địa phương, nhất là những tỉnh Nam Trung bộ, phải quyết liệt, khẩn trương hơn nữa, hỗ trợ kịp thời những tàu, thuyền gặp khó khăn, sự cố khi bão số 9 đang đến gần, không được bỏ sót những hộ nuôi trồng thủy hải sản trên biển.
Đối với tàu thuyền di chuyển vào nơi tránh trú, phải hết sức lưu ý bảo đảm an toàn neo đậu, chống va đập nếu không nguy cơ đắm thuyền lại khu vực neo đậu là rất lớn, vì bão số 9 mạnh và rất nguy hiểm.
Một lần nữa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương hoàn thành việc di dời người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trong thời gian sớm nhất. Các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng, trạm y tế, trường học, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp,… thậm chí phải cao hơn một mức so với cảnh báo.
“Những địa điểm đưa người dân vào trú tránh bão phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Đây là thời gian vàng để chuẩn bị tốt nhất cho công tác phòng chống bão, có như vậy mới bảo vệ được người dân" - Phó Thủ tướng nói.
Trắng đêm không ngủ lo chống bão
Trước đó, tại cuộc thị sát, kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 9 chiều ngày 27-10, tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đây là cơn bão mạnh, đi nhanh và Quảng Ngãi là tâm bão. Tình hình rất khẩn trương. Nhiệm vụ số một là bảo vệ tính mạng người dân, bảo về tài sản của người dân và Nhà nước.
Phó Thủ tướng đề nghị địa phương này rà soát lại tất cả tàu thuyền đã đảm bảo neo đậu an toàn hay chưa và người dân tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền. Đồng thời, tập trung sơ tán người dân chậm nhất là đến 19 giờ cùng ngày.
Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng thị sát kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại Quảng Ngãi. Ảnh: HẢI HIẾU
"Phải đảm bảo tính mạng của người dân. Những người nào ở nơi không an toàn mà không chịu di tản, nhất quyết cưỡng chế"- Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cảnh báo nếu không làm tốt công tác phòng chống sẽ thiệt hại rất nặng nề. Ông đề nghị tập trung với phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão số 9, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng lực lượng, đơn vị có mặt tại hiện trường.
Đặc biệt, ông gọi một lãnh đạo của quân đội tại địa phương vào đến để dặn dò kỹ càng. Phó Thủ tướng yêu cầu quân đội phải là lực lượng tiên phong trong việc cứu dân. Tuy nhiên trước tiên phòng là chính, phải đưa người dân đến nơi an toàn chứ khi bão vào rồi sẽ không thể làm gì.
Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị cần xác định đêm nay không ngủ, tập trung rà soát các công việc. Các cơ quan phải gọi điện báo cáo thường xuyên, nơi nào lơ là phải kỷ luật.