Kênh truyền hình Sky News (Úc) ngày 16-12 đưa tin sau khi Bộ Quốc phòng Úc xác nhận máy bay Úc tuần tra ở biển Đông từ ngày 25-11 đến 4-12 và sau khi Đô đốc Mỹ Scott Swift cảnh báo Trung Quốc có ý đồ sử dụng sức mạnh quân sự thay vì giải pháp trọng tài, Trung Quốc đã lên tiếng cho rằng các nước “không nên làm phức tạp” vấn đề biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khăng khăng cho rằng tình hình chung ở biển Đông là ổn định và “không có vấn đề gì về tự do hàng hải hay tự do bay qua” ở biển Đông.
Người phát ngôn cảnh báo các nước ngoài khu vực biển Đông phải tôn trọng chủ quyền của các nước khác rồi đổ lỗi cho một số nước đã cố tình gây căng thẳng trong khu vực biển Đông bằng cách gây rối và chĩa mũi vào vấn đề biển Đông.
Người phát ngôn cho rằng Trung Quốc chỉ giải quyết tranh chấp với các nước có liên quan trực tiếp, Trung Quốc và ASEAN sẽ giải quyết vấn đề biển Đông.
Trước thông tin trong tuần này chính phủ Mỹ có thể phê duyệt kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan, người phát ngôn Hồng Lỗi tuyên bố Trung Quốc phản đối vấn đề này vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là vi phạm ba thông cáo chung ký kết giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc bồi đắp và xây sân bay trên đá Vành Khăn. Ảnh: BBC
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne khẳng định chuyến bay tuần tra của Úc trên biển Đông không có gì mới, đây cũng không phải chuyến bay khẳng định tự do hàng hải mà nằm trong khuôn khổ chiến dịch Gateway và chiến dịch này đã tiến hành từ năm 1980 rồi.
Bà khẳng định chiến dịch như thế của Úc không thể nào chọc giận chính quyền Bắc Kinh.
Trước sự kiện này, kênh truyền hình ABC News (Úc) cho biết tờ báo Thời Báo Hoàn Cầu vốn hiếu chiến của Trung Quốc đã đăng bài bình luận với giọng điệu rất gay gắt lên án chiến dịch tuần tra của máy bay P-3 Orion của Úc trên biển Đông.
Báo viết “nhân dân Trung Quốc không thể hiểu nổi tại sao quân đội Úc lại can dự vào” và cho rằng nhân dân rất nôn nóng ngăn chặn điều đó.
Báo khẳng định tốt nhất máy bay quân sự Úc không nên thường xuyên hiện diện ở biển Đông và đừng thử thách sự kiên nhẫn của Trung Quốc khi bay gần các đảo.
Thời Báo Hoàn Cầu đã hăm dọa máy bay Úc chắc chắn sẽ bị bắn hạ nếu tiếp tục chiến dịch như thế.
Báo còn đi xa hơn, đầu tiên nêu lên Trung Quốc và Úc đã xây dựng quan hệ hữu hảo, sau đó dọa nạt nếu máy bay Úc cứ tiếp tục bay trên biển Đông, ngoại giao hai nước có thể sẽ suy thoái.
Báo khăng khăng “không thể lập liên minh quân sự chống Trung Quốc” ở biển Đông.
Trong khi đó, Tân Hoa xã ngày 16-12 đưa tin Trung Quốc đã siết chặt quy định về bản đồ. Dự kiến quy định mới về bản đồ sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới.
Theo quy định mới, bản đồ không phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia sẽ bị cấm công bố, phổ biến, vận chuyển và đưa ra khỏi biên giới. Bản đồ không được làm phương hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia.
Reuters ghi nhận Trung Quốc đưa ra quy định mới về bản đồ trong bối cảnh tiếp tục yêu sách chủ quyền ở biển Đông và mối đe dọa từ các phần tử ly khai ở Tân Cương và Tây Tạng.
Trả lời hãng tin Kyodo (Nhật) hôm 15-12, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu khẳng định: “Quần đảo Natuna của chúng tôi, vậy hoàn toàn tự nhiên và hợp lý khi chúng tôi bảo vệ an ninh ở đó… Chúng tôi phải củng cố năng lực quân sự để đối phó các đe dọa như đánh bắt trái phép, xâm nhập và nhiều mối đe dọa phi truyền thống”. Ông cho biết Indonesia dự kiến triển khai một phi đội máy bay tiêm kích và ba tàu hộ vệ, tổ chức lại căn cứ hải quân, không quân và triển khai thêm binh lính ở Natuna. Dự kiến số lượng 800 quân ở Natuna sẽ được tăng lên 2.000 quân vào năm tới. “Đường chín đoạn” của Trung Quốc đã vơ luôn quần đảo Natuna vào chủ quyền Trung Quốc. ___________________________________ Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc lại ngạc nhiên khi biết Úc ủng hộ tự do hàng hải và tự do bay qua phù hợp với luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Úc MARISE PAYNE |