Ngày 29-1, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45) - Bộ Công an cho biết cơ quan này đã tạm giữ bảy nghi can để điều tra hành vi trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong đường dây trộm xăng máy bay số lượng lớn.
Mỗi ngày trộm 600-900 lít xăng
Các nghi can gồm Trần Văn Sửu (ngụ quận 7), Huỳnh Đức Dũng (ngụ quận 3), Vũ Văn Dũng (ngụ quận 12), Ngụy Như Thành (ngụ Gò Vấp), Vũ Thế Hưng, Đỗ Văn Hưng và Lê Văn Hùng (cùng ngụ quận Tân Bình). Trong đó, Thành, Đỗ Văn Hưng và Hùng là nhân viên lái xe chở xăng của phòng kỹ thuật, hãng hàng không Jestar.
Như báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin chiều 28-1, sau một thời gian theo dõi, Cục C45 chia làm hai mũi trinh sát. Một mũi theo dõi nhóm ba nhân viên lái xe chở xăng của hãng Jetstar rút trộm xăng ngay trong kho xăng sân bay Tân Sơn Nhất. Một mũi trinh sát khác kiểm tra điểm mua bán xăng của Sửu tại 206/6 Đào Trí, phường Phú Mỹ, quận 7. Tại những nơi này, công an bắt giữ bảy đối tượng, mời làm việc với một số đối tượng khác, thu giữ tang vật gần 8.000 lít xăng được pha lẫn xăng đặc chủng Jet A1.
Bảy nghi can trộm cắp, tiêu thụ xăng dầu tại cơ quan công an. Ảnh: CTV
Thượng tá Lê Tiến Bình - Phó phòng 9, Cục C45 thông tin theo điều tra ban đầu máy bay của hãng Jetstar khi đậu ở sân bay Tân Sơn Nhất trong hơn sáu giờ để chờ bay tiếp, các nhân viên kỹ thuật sẽ kiểm tra khối lượng, chất lượng xăng. Từ đây, ba nhân viên Thành, Hưng và Hùng của phòng kỹ thuật của hãng Jetstar trực tiếp thực hiện hút trộm xăng dầu cho vào các thùng phuy trên xe.
Tiếp đó, xăng trộm cắp được sang chiết sang các can loại 30 lít tại sân bay Tân Sơn Nhất được đưa ra cho Vũ Thế Hưng tập trung tại điểm ở đường Bạch Đằng (phường 2, Tân Bình). Từ đây, các can xăng được đưa đến kho của Sửu.
Sửu khai nhận mỗi can xăng Jet A1, Sửu mua lại khoảng 350.000-390.000 đồng. Tại điểm pha chế, Sửu sang chiết, pha chế với dầu DO để bán cho nhiều “nài xăng” tại TP.HCM, Long An… với giá cao hơn.
Xăng máy bay có thể gây cháy, nổ
Bước đầu, các đối tượng khai báo đường dây này hoạt động hơn hai năm, mỗi ngày trộm được 600-900 lít xăng Jet A1. Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết đường dây trộm cắp, tiêu thụ xăng máy bay nói trên hoạt động thời gian dài trong khu vực quân sự thuộc sân bay Tân Sơn Nhất đã gây không ít khó khăn cho công tác đấu tranh. Quan trọng hơn, xăng Jet A1 pha với dầu DO bán ra thị trường có thể gây cháy, nổ, hỏng hóc máy móc của các phương tiện.
Điểm rút ruột và tiêu thụ xăng dầu trộm cắp của Sửu tại 206/6 Đào Trí (quận 7) là một trong những điểm rút ruột xăng dầu tại quận 7 mà báo Pháp Luật TP.HCM theo dõi và từng phản ánh trong loạt bài điều tra vào đầu tháng 11-2014. Điểm này chỉ là một trong hàng chục điểm rút ruột tại các tuyến đường Hoàng Quốc Việt, Đào Trí, Huỳnh Tấn Phát (quận 7) mà báo đã phản ánh.
Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ.
Xử phạt hai đầu nậu mua bán xăng trộm cắp Ngày 29-1, cơ quan điều tra Công an quận 7 cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 15 triệu đồng về lỗi kinh doanh trái phép đối với Nguyễn Văn Tiên, chủ bãi không số đường Hoàng Quốc Việt (phường Phú Mỹ, quận 7) và Trần Văn Lập - chủ bãi số 93 Đào Trí (phường Phú Thuận, quận 7). Từ thông tin điều tra của Pháp Luật TP.HCM, 12 giờ ngày 28-10, Công an quận 7 đã mai phục, kiểm tra hai bãi rút ruột xăng dầu trên. Tại hai bãi trên, công an thu giữ 21 can (loại can 30 lít) xăng dầu các loại cùng nhiều dụng cụ vi phạm. Trong đó có can đựng xăng trắng dành cho máy bay. Theo các chủ bãi khai nhận bắt tay mua lại xăng dầu của tài xế xe bồn thuộc nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác nhau. Do hành vi của các chủ bãi và những người liên quan chưa đủ mức xử lý hình sự nên Công an quận 7 đã xử phạt hành chính, buộc làm cam kết không tái phạm với nhiều người vi phạm liên quan. |