Đây là chuyện “bếp núc” của giới quản trị nhân sự về “bệnh lý” của nhân viên rơi vào tình trạng lơ lửng như con cá vàng - không gắn bó với doanh nghiệp (DN) nhưng lại không chịu nghỉ việc, gây ảnh hưởng đến năng suất lao động và văn hóa của DN. Điều này dẫn đến tình trạng DN hoạt động kém hiệu quả do “zombie công sở” núp bóng khá nhiều.
“Zombie công sở” thật hay ảo?
Công ty Anphabe, nhà tư vấn thương hiệu và môi trường làm việc, vừa công bố kết quả khảo sát về tình trạng “zombie công sở”. Theo đó, trong số 26.000 nhân viên tại Việt Nam, chỉ có 13,8% rất gắn kết với công ty, 46,9% gắn kết. Còn lại 39% không gắn kết, 36,8% thờ ơ và 2,5% rất không gắn kết. Đáng chú ý, trong số 39% nhân sự thờ ơ có tới 67% cho biết sẽ bám trụ lại công ty. Họ là những người đi làm nhưng không nỗ lực làm việc.
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành của Anphabe, trăn trở: “Họ không gắn kết với công ty nhưng lại không có ý định nghỉ việc, ảnh hưởng tiêu cực tới nhân viên khác”. Là “bà đỡ” của khảo sát này, bà Thanh Nguyễn đánh giá biểu hiện chung của “zombie công sở” là đi làm nhưng không nỗ lực làm, không có ý định nghỉ việc dù không gắn kết. Và nguy hiểm hơn, họ còn “hạ gục” những nhân viên khác bằng thái độ và hành vi tiêu cực.
Trung bình cứ bốn nhân viên trong DN thì có một “zombie công sở”. Đáng báo động hơn, nhóm đối tượng này chủ yếu là các bạn trẻ nằm trong độ tuổi từ 19 đến 31.
Trung bình cứ bốn nhân viên trong doanh nghiệp thì có một “zombie công sở”. (Ảnh minh họa của Anphabe)
“Khuẩn z” thường trú trong dân công sở
Vậy có nên dán nhãn cho ai đó là “zombie công sở”? Bà Thanh Nguyễn cho rằng mỗi người đều có những biểu hiện “zombie tạm thời” hay còn gọi là “vi khuẩn z” (viết tắt zombie), khi có điều kiện nó chuyển thành zombie thực sự.
Bà Thanh Nguyễn cũng nhận xét thực tế nhiều người làm việc kém hiệu quả hơn mình suy nghĩ. Cụ thể, trung bình mỗi năm có khoảng bốn ngày nghỉ bệnh, trong khi đó số ngày đi làm nhưng không tập trung và kém hiệu quả gần 58 ngày/năm.
Hai bài thuốc điều trị
Vậy làm thế nào để điều trị “ hội chứng zombie công sở”? Các CEO và giám đốc nhân sự hàng đầu đã bật mí hai “bài thuốc” là gắn kết tình cảm hoặc xử lý theo lý trí.
Bà Văn Thị Anh Thư, Phó Tổng Giám đốc nhân sự cấp cao Suntory PepsiCo Việt Nam, cho rằng xử lý hai “bài thuốc” nêu trên đều khó như nhau. “Với cá nhân tôi thường chọn giải pháp chia sẻ thông tin với nhân viên bao gồm cả thành công và thất bại, vì không ai trong chúng ta muốn mình là “zombie” cả, ai cũng muốn gắn kết với công ty. Tuy nhiên, mức độ chia sẻ như thế nào, với ai để tạo ra sự tin tưởng và gắn bó nhiều hơn. Vậy chúng ta đã thực sự chia sẻ với nhân viên để họ hiểu ra căn nguyên chưa gắn kết hay chưa? Khi nhân viên hiểu được nhân viên sẽ tích cực hơn” - bà Thư hiến kế.
Bà Thư bật mí thêm: Ngoài ra, CEO của công ty còn cà phê nói chuyện trực tiếp với nhân viên các phòng ban, nhân viên nhà máy. “Trao đổi cũng là cách để phát hiện “vi khuẩn z” có tồn tại trong nhân viên của mình hay không để nhanh chóng giúp họ loại bỏ, không phát triển, biến tướng thành bệnh nặng hơn. Không nhất thiết phải đợi một năm một lần mà cần sắp xếp để lãnh đạo công ty gặp nhân viên nhiều hơn, lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn để họ giảm bớt tình trạng “vi khuẩn z” lây lan trong công ty của mình” - bà Thư chia sẻ.
Giám đốc nhân sự cấp cao Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, ông Lê Quý Đôn, giãi bày: Nhân viên làm việc với lý trí thì họ quan tâm nhiều đến việc thu nhập hằng tháng, ngược lại nhân viên làm với trái tim thì họ có trách nhiệm với bản thân nhiều hơn, từ đó họ gắn bó với công việc hơn. “Công ty chúng tôi không chỉ thực hiện việc gắn kết nhân viên với nhân viên, nhân viên với lãnh đạo mà còn gắn kết với gia đình của họ với nhau. Như vậy, trái tim của nhân viên không chỉ gắn kết với công việc, với đồng nghiệp mà cả gia đình của họ” - ông Đôn chia sẻ kinh nghiệm.
Gửi thư cảm ơn cho gia đình Ở công ty làm công việc nhỏ nhưng gắn kết trái tim nhân viên, đó là “ngày của mẹ, ngày của cha”, công ty bí mật gửi thư đến tận nhà cho cha mẹ của từng nhân viên ở mọi miền. Thư này thể hiện sự tri ân với cha mẹ có người con đã cống hiến cho sự phát triển công ty. Cách làm nhỏ này thực sự chạm trái tim của nhân viên và người nhà của họ. Ngoài ra, công ty còn gửi thư mời cha mẹ của họ đến công ty thăm nơi làm việc của con cái mình như thế nào và trao đổi thêm về công việc của con cái họ. Bà PHAN NAM TRÂN, Giám đốc nhân sự Ngành giáo dục chiếm tỉ lệ cao nhất Hội chứng “zombie công sở” này đang trở nên phổ biến trên thế giới. Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 56%, Đức 39%, Hà Lan 35%, Thái Lan 32% và ở các công ty Việt Nam là 25%. Hội chứng này cũng được ghi nhận ở nhiều ngành nghề, trong đó dẫn đầu là ngành giáo dục (50%), Internet - thương mại điện tử (48%) và vị trí cuối cùng là ngành nông lâm nghiệp (hơn 27%). Tỉ lệ này tăng theo vùng miền, nhóm các vị trí công việc và thời gian, năm 2015 là 35,2%, năm 2016 là 36,8%. |