Vì sao Khánh Hòa đề nghị dừng quy hoạch đặc khu Bắc Vân Phong?

Ngày 24-12, ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, xác nhận tỉnh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (gọi tắt là đặc khu Bắc Vân Phong) cho đến khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (thứ hai từ phải sang) khảo sát khu vực dự kiến thành lập đặc khu Bắc Vân Phong. Ảnh: VĂN KỲ

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị Thủ tướng cho phép thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030 theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi nhà đầu tư.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, khi quy hoạch tỉnh Khánh Hòa được thực hiện và Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt được thông qua sẽ tích hợp các nội dung được điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Vân Phong vào cho phù hợp.

Vướng vì chưa có luật

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, đến nay tỉnh đã thực hiện một số thủ tục để triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội đặc khu Bắc Vân Phong như dự thảo nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch…

Tuy nhiên, do Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chưa được Quốc hội thông qua nên quá trình triển khai lập quy hoạch khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định được cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch, hội đồng thẩm định và các nội dung liên quan khác.

Do những khó khăn, vướng mắc nêu trên, việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng phát triển thành đặc khu Bắc Vân Phong cũng chưa được triển khai.

Khu vực dự kiến quy hoạch đặc khu Bắc Vân Phong. 

Đánh giá về kết quả đạt được và những khó khăn sau năm năm thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030, UBND tỉnh thấy: Đối với khu vực Nam Vân Phong, việc triển khai các dự án theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt vẫn tiếp tục thực hiện.

Khu vực này đã có một số dự án đi vào hoạt động và đang xây dựng, như Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin, kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, Khu công nghiệp Ninh Thủy, cảng tổng hợp Nam Vân Phong… Tuy nhiên, ở đây một số khu chức năng vẫn chưa được triển khai. Trong khi đó, đối với khu vực Bắc Vân Phong, do chủ trương xây dựng đặc khu có từ năm 2012 nên chưa triển khai lập quy hoạch các khu chức năng để nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp cho phù hợp.

Điều chỉnh để kêu gọi đầu tư

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng theo định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt, một số khu chức năng, đất chưa sử dụng cần điều chỉnh, bổ sung các nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế để kêu gọi đầu tư.

Cụ thể: Về khu phi thuế quan, theo điều chỉnh quy hoạch đã phê duyệt có diện tích khoảng 920 ha, nếu không tính diện tích quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế đến năm 2030 là 290 ha thì diện tích còn lại khoảng 630 ha. Khu vực này có diện tích tự nhiên khoảng 950 ha. Như vậy, diện tích đất còn lại khoảng 320 ha chưa được định hướng quy hoạch.

Thời gian qua, huyện Vạn Ninh - nơi dự kiến thành lập đặc khu Bắc Vân Phong thường xuyên sốt đất. Ảnh: TẤN LỘC

Các cơ sở, trung tâm công nghiệp ngoài khu phi thuế quan như khu công nghiệp tập trung tại Dốc Đá Trắng quy mô khoảng 300 ha, khu phát triển công nghiệp Hòn Khói quy mô 250 ha và một số phân khu chức năng công nghiệp khác cần được định hướng thành khu công nghiệp, điều chỉnh lại vị trí, quy mô để thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư.

Bên cạnh đó, khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang có diện tích tự nhiên khoảng 1.200 ha, trong khi định hướng quy hoạch khu vực này cho các khu dịch vụ, du lịch, đô thị sinh thái biển khoảng 572 ha. Phần còn lại được định hướng là cây xanh sinh thái, mặt nước cần điều chỉnh cho phù hợp để khai thác hiệu quả quỹ đất.

Ngoài ra, các khu đô thị đa chức năng từ nam Tu Bông đến đèo Cổ Mã có quy mô khoảng 900 ha, trong khi khu vực này có diện tích tự nhiên khoảng 2.050 ha, phần còn lại chưa định hướng quy hoạch. Theo điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt có phần diện tích đất chưa sử dụng khoảng 8.668 ha cũng cần nghiên cứu định hướng quy hoạch để thực hiện tốt việc quản lý đất đai trong khu kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm