Chính quyền người Kurd ở miền Bắc Syria ngày 13-10 thông báo đạt được một thỏa thuận với chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm cho phép binh sĩ Syria triển khai dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn cuộc tấn công quân sự của Ankara.
Thỏa thuận này do Nga làm trung gian, xuất hiện vài giờ sau khi Mỹ thông báo rút quân khỏi Syria nhằm tránh bị mắc kẹt trong vụ đụng độ giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo.
Người dân Ả Rập Saudi ra hiệu chiến thắng khi xe chở quân bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ tập trung ở ngoại ô TP Manbij. Ảnh: GETTY
Mazloum Abdi, Tổng tư lệnh SDF, nói rằng người dân của ông buộc phải liên minh với các kẻ thù của Washington là chính phủ Syria và Nga, bởi việc Mỹ rút lui đã khiến họ dễ bị tổn thương trong cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, theo kênh Al Jazeera.
“Nếu chúng tôi phải chọn giữa thỏa hiệp và diệt chủng, chúng tôi sẽ chọn người dân của mình. Chính phủ Nga và Syria đã đưa ra các đề nghị có thể cứu sinh mạng hàng triệu người đang sống dưới sự bảo hộ của chúng tôi” - ông Abdi nói trên tờ Foreign Policy.
Làm việc với Damascus và Moscow đòi hỏi “những sự thỏa hiệp đau đớn” - ông Abdi nói. Tuy nhiên, SDF dường như không có lựa chọn, “Người dân của chúng tôi đang bị tấn công và sự an toàn của họ là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi” - ông nói tiếp.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, nước này nói rằng chiến dịch quân sự của họ là nhằm vào Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), không phải người dân Kurd, và cũng chỉ nhằm lập ra một vùng an toàn để tái định cư cho những người tị nạn Syria.
Trong khi chi tiết về thỏa thuận giữa chính phủ Syria và người Kurd chưa được tiết lộ, giới phân tích nói rằng khả năng thỏa thuận này “rất đắt đỏ” đối với SDF.
Quyền tự trị của người Kurd bị đe dọa
Thỏa thuận này giúp ngăn đà tiến quân của Thổ Nhĩ Kỳ vào các khu vực do người Kurd kiểm soát ở phía đông sông Euphrates với việc quân chính phủ Syria đã tiếp quản Manbij hôm 15-10.
"Nhưng ông al-Assad, người muốn tái khẳng định quyền cai trị của ông đối với những vùng lãnh thổ Syria đã bị mất trong suốt tám năm nội chiến, khả năng sẽ không cho phép chính quyền người Kurd duy trì quyền tự trị ở những khu vực này" - Amer Mohammed (chuyên gia an ninh Syria) nhận định.
Các chiến binh nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn dùng súng máy khai hỏa trong cuộc đụng độ dữ dội ở Ras al-Ayn hôm 15-10. Ảnh: GETTY
“Sự hiểu nhau này (giữa người Kurd và al-Assad) rất đắt đỏ đối với SDF nhưng với ông Assad thì lại cho không” - ông Mohammed nói. Đối với chính phủ ông Assad, việc triển khai quân tới biên giới “chỉ là sự răn đe mang tính biểu tượng chống lại Thổ Nhĩ Kỳ” - ông nói tiếp và loại bỏ khả năng xảy ra đối đầu quân sự giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, đối với người Kurd, thỏa thuận này sẽ bao gồm rất nhiều thỏa hiệp, ông Mohammed nói.
“Vài tháng trước SDF đang ở thế duy trì mọi thứ mà họ đã giành được. Nhưng giờ đây, khi hoàn toàn nằm dưới quyền của chính phủ Syria, họ sẽ phải cố gắng để duy trì sự an toàn và an ninh cho người dân và thị trấn của họ” - ông Mohammed nói.
Là do việc rút quân của Mỹ đã làm suy yếu SDF, Marwan Kablan - Giám đốc phân tích chính sách của Trung tâm nghiên cứu chính sách Ả Rập nêu ý kiến.
“Chính phủ Syria đang khai thác tối đa tình hình này và sẽ không chấp nhận quyền tự trị dành cho người Kurd” - ông nói.
“Damascus sẽ áp đặt các điều khoản của riêng mình vì YPG giờ suy yếu hơn nhiều so với lúc trước khi Mỹ rút quân… Mặc dù Damascus có thể chấp nhận những thứ như quyền văn hóa và các hội đồng địa phương dành cho người Kurd nhưng sẽ không trao quyền tự trị cho họ” - ông nói tiếp.
Đối với chính phủ Syria, thỏa thuận này mang tính chiến lược vì thỏa thuận có thể cho phép ông Assad giành lại quyền kiểm soát các khu vực giàu tài nguyên ở đông bắc Syria mà không cần phải bước vào cuộc đối đầu trực tiếp với người Thổ Nhĩ Kỳ.
Một thành viên của Quân đội Syria Tự do (FSA) được Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ khai hỏa trong trận chiến ở TP Ras al-Ayn hôm 15-10. Ảnh: GETTY
“Thỏa thuận này sẽ cho phép Damasucs khôi phục hầu hết các lãnh thổ ở đông Euphrates, gồm Qamishli, Hassakeh và Deir Az Zour, những nơi giàu dầu mỏ và khí đốt” - ông Kablan nói.
Một Nga khó đoán
"Tuy nhiên, sự thành công của quân chính phủ Syria trong việc đẩy cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ và đòi lại miền Bắc cho người Kurd phụ thuộc vào lập trường của Nga" - giới phân tích nhận định. Các chuyên gia lưu ý YPG cũng từng ký một thỏa thuận tương tự với ông Assad năm ngoái để quân đội Syria tiến vào TP Afrin ở phía tây Syria và chặn cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, hoạt động triển khai quân đã bị cản trở sau một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin - đồng minh quân sự chính của ông Assad.
“Một thỏa thuận tương tự giữa YPG và chính phủ Syria trong cuộc tấn công Afrin của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 1-2018 đã không thể làm thay đổi đáng kể quỹ đạo cuộc tấn công lần đó của Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn bởi vì Nga không sử dụng đòn bẩy của riêng mình để gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch” -bà Dareen Khalifa, nhà phân tích cấp cao tại Nhóm khủng hoảng quốc tế, chỉ ra.
“Cho đến nay, chưa rõ Nga sẽ xử lý tình hình hiện tại như thế nào” - bà Khalifa nói thêm.
Cờ Nga và cờ Syria bay trên các xe quân sự gần Manbij, Syria ngày 15-10. Ảnh: REUTERS
Chuyên gia Mohammed tán thành: “Tất cả phụ thuộc vào kiểu hiểu biết sẽ đạt được giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, và điều này sẽ đạt được từng bước một. Họ sẽ bàn về Kobani và Manbij, và sau đó là Qamishli. Và vì vậy, khi nói đến những diễn biến của xung đột, như chúng ta đã nhìn thấy ở Afrin, một thỏa thuận (giữa al-Assad và người Kurd) không kéo dài. Và vì thế, việc chính phủ Syria triển khai quân không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tiến quân”.
Tuy vậy, mọi thứ có thể khác ở lần này.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 15-10 cho hay các lực lượng của Nga đang tuần tra đường phân chia giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ở Manbij.
“Thật khó để biết được mức độ hiểu biết giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Người Nga ngay từ đầu không chống lại chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì họ muốn Mỹ rút đi. Bây giờ người Mỹ đang rút đi thì Nga có thể bắt đầu yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngừng tấn công Syria, gọi đây là cuộc xâm lược vào một quốc gia có chủ quyền” - chuyên gia Kablan nói.