Hôm qua (29-7), cuộc bầu cử để chọn 125 ghế ở Quốc hội Campuchia đã khép lại vào lúc 3 giờ chiều (giờ địa phương). Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia thông báo 80,49% cử tri đăng ký đã tham gia bỏ phiếu. Kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ không được công bố trước giữa tháng 8.
Chou Vithoureakborndidh, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), ĐH KHXH&NV TP.HCM, trong một bài viết gần đây nhận định bầu cử 2018 vẫn diễn ra trong trật tự “nhất siêu, đa cường”. Nói cách khác, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do ông Hunsen lãnh đạo dự kiến sẽ chiến thắng, dù bên cạnh là 19 đảng phái khác đang nỗ lực gia tăng sức mạnh nhưng vẫn “không cân sức”.
Các đối thủ của CCP mạnh đến mức nào?
Đối thủ thường được nhắc đến là đảng Bảo hoàng (FUNCINPEC) - đảng của những cử tri trung niên, trung thành với hoàng thân Ranariddh nhưng không được giới trẻ chú ý. Chou Vithoureakborndidh nhận định các nhiệm kỳ trước đây cho thấy đảng FUNCINPEC luôn thể hiện mình là “một thể chế đại diện không hiệu quả và có dấu hiệu chia rẽ nội bộ một cách sâu sắc”. Bầu cử năm nay, đảng này giới thiệu một chính sách không được đánh giá cao, thậm chí bị cho là dân túy, đó là đề xuất nhà nước sẽ thanh toán nợ cho người dân.
Trong khi đó, đảng Liên minh vì dân chủ (LDP) - đảng phái tập trung vào cải cách cơ cấu chính phủ nhưng lại không có đề cập đến phát triển kinh tế hoặc xã hội. Dù ra sức thu hút cử tri bằng các hoạt động của chủ tịch đảng Khem Veasna nhưng chính sách của LDP bị đánh giá là “không mấy thú vị”. Chou Vithoureakborndidh cho biết “cử tri của LDP phần lớn ở độ tuổi từ 18 đến 35, xuất thân từ người nghèo, sinh viên đại học, công nhân Campuchia làm việc trong và ngoài nước.
Cuối cùng là đảng Dân chủ cơ sở (GDP) với chính sách bốn trọng tâm gồm đoàn kết quốc gia, xây dựng đất nước, quốc phòng và hợp tác quốc tế. Dù nhắm tới nhóm cử tri là nông dân, vốn đại diện gần một nửa dân số Campuchia nhưng vì là đảng non trẻ, được lãnh đạo bởi nhóm nhân sự chủ chốt chưa có sức ảnh hưởng nên tên tuổi GDP vẫn mờ nhạt.
Thủ tướng Hunsen cùng phu nhân tại một điểm bỏ phiếu ở tỉnh Kandal, phía Đông Nam thủ đô Phnom Penh. Ảnh: AP
Ông Hunsen là chọn lựa tối ưu?
Kể từ đầu năm 2018, bầu cử Campuchia được giới quan sát đánh giá sẽ không tạo ra những thách thức đáng kể với Thủ tướng Hunsen, người đã cầm quyền Campuchia 33 năm qua. Bầu cử 2013, CPP của Thủ tướng Hunsen gặp thách thức lớn khi đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) của chính trị gia Kem Sokha sở hữu được 55 ghế trong Quốc hội, đủ để các chính sách, dự luật của chính quyền Hunsen gặp khó khăn trong việc thông qua. Nhưng CNRP đã bị giải thể năm 2017 sau khi chủ tịch đảng Kem Sokha bị bắt và kết tội câu kết với người nước ngoài để lật đổ chính phủ.
CPP của ông Hunsen là đảng lớn nhất cả về số lượng đảng viên lẫn tiềm lực kinh tế. CPP tập trung vào “phát triển kinh tế, nâng cao và củng cố dân chủ-nhân quyền, xã hội minh bạch, tăng cường nền quốc phòng, bảo vệ lãnh thổ và quan trọng nhất giữ gìn hòa bình cũng như ổn định chính trị”.
Trong nhiệm kỳ năm năm qua, theo đánh giá của Chou Vithoureakborndidh, chính quyền do CPP dẫn dắt có những chính sách vừa nhắm vào cử tri diện rộng (điển hình như bình ổn giá xăng, gia tăng việc tạo công ăn việc làm, tăng lương cơ bản cho toàn bộ nhân viên nhà nước đến 250 USD một tháng, xây dựng cơ sở hạ tầng như đường bộ, cảng biển); vừa nhắm đến cử tri của đảng đối thủ (như nâng cao phúc lợi xã hội cho những công nhân dệt may, vốn ủng hộ đảng CNRP hồi bầu cử 2013).
Cá nhân ông Hunsen, theo Chou Vithoureakborndidh, “đã thay đổi hoàn toàn cách đối xử với người dân, thân thiện với nhân dân, lắng nghe và sử dụng rất hiệu quả mạng xã hội để hiểu thêm dư luận, cũng như giải quyết một số vấn đề trong xã hội qua Facebook”. Phần lớn đảng viên và người ủng hộ đảng CPP là công chức nhà nước, lực lượng vũ trang, các tỉ phú lớn và một phần sinh viên đại học và công nhân.
Thái độ Mỹ đối với bầu cử Campuchia Bầu cử Campuchia 2018 có giám sát viên quốc tế đến từ Nga, Trung Quốc và Indonesia, trong khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc từ chối cử quan sát viên đến Campuchia. Tuần trước, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Dân chủ Campuchia với tuyên bố “thúc đẩy bầu cử công bằng và tự do, tự do chính trị và quyền con người ở Campuchia”, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt lên chính quyền Hunsen. Các quan chức chính phủ và đảng cầm quyền Campuchia phản đối các động thái của Mỹ, cho rằng đó là “can thiệp phản tác dụng” đối với các vấn đề của Campuchia. |
* Chou Vithoureakborndidh hiện là nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), ĐH KHXH&NV TP.HCM. Bài báo trích dẫn bài phân tích của tác giả Chou Vithoureakborndidh lần đầu đăng trên website SCIS.