Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen sẽ gặp nhau trong vòng bỏ phiếu thứ hai vào ngày 24-4 tới, được cho là màn tái hiện cuộc “so găng” hồi năm 2017, song kết quả lại khó đoán hơn rất nhiều. Còn đối với Liên minh châu Âu (EU), sự chọn lựa của người dân Pháp sẽ cho thấy nước này ngả về khuynh hướng nào, trung hữu hay cực hữu, thân EU hay gần gũi với Nga.
Nếu bà Le Pen chiến thắng, đây sẽ là cú sốc đối với các thể chế hiện hành, tương tự khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 hay khi Anh bỏ phiếu rời EU. Nếu kịch bản này xảy ra, Pháp từ chỗ là lực đẩy cho sự hội nhập của EU sẽ trở thành một nước ủng hộ sự chia rẽ và tình trạng này sẽ ảnh hưởng lên cả quan hệ với NATO.
Chuyên gia ERIC MAURICE, quỹ Robert Schuman Foundation (Đức)
Thấy gì từ kết quả vòng bỏ phiếu đầu?
Hãng tin AFP nhận định sau khi bà Angela Merkel rời chức thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần như được coi là người đảm đương vị trí đầu tàu của EU. Xét về cả kinh nghiệm lãnh đạo lẫn uy tín quốc tế, ông Macron vượt trội hơn hẳn so với thủ tướng Đức hiện nay là ông Olaf Scholz. Từ khi Nga đưa quân vào Ukraine, ông Macron - trong vai trò lãnh đạo nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU - đã nhiều lần điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Dù các cuộc gặp không mang lại kết quả khả quan nhưng cũng giúp ông Macron khẳng định vai trò đầu tàu của mình và quan trọng hơn, nhấn mạnh vào sự khác biệt với đối thủ chính trong cuộc bầu cử là bà Le Pen.
Đối với EU, từ năm 2019, bà Le Pen không còn hô hào Pháp rời khỏi EU và khối đồng tiền chung Euro nữa nhưng vẫn phản đối Hiệp ước Lisbon 2009, cho rằng đây là yếu tố kìm hãm sự phát triển của Pháp. Bà cũng phản đối việc kết nạp Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ vào EU và kêu gọi Pháp rời bỏ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen. Ảnh: PA |
Thăm dò của báo tài chính Les Echos công bố mới đây cho thấy ông Macron dự kiến sẽ giành được 55% số phiếu trong vòng 2, so với tỉ lệ tương ứng 45% bên phía bà Le Pen. 71% người được hỏi cũng nói sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 24-4. Bên cạnh đó, dù ông Macron đã nhận được 27,9% phiếu bầu trong vòng 1 nhưng điều đáng nói là 23,2% cử tri đã bỏ phiếu cho bà Le Pen. Đây là một diễn biến mà giới quan sát cho rằng cần phải lưu tâm bởi chưa bao giờ một ứng cử viên cực hữu đạt được kết quả tốt như vậy trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp ở vòng đầu tiên.
“Đối với EU, ông Macron vẫn là lựa chọn ưu tiên bởi chiến thắng của ông ấy sẽ giúp đảm bảo tính liên tục của các lập trường ủng hộ châu Âu. Trong khi đó, bà Marine Le Pen lại không hề che giấu quan điểm hoài nghi về các nghĩa vụ và cam kết của Pháp trong EU và do đó khả năng về một chiến thắng thuộc về bà Le Pen sẽ là vấn đề chính trị rất lớn đối với châu Âu” - chuyên gia Eric Maurice thuộc quỹ Robert Schuman Foundation (Đức) cho hay.
Khả năng chiến thắng của hai ứng cử viên
Trong vòng 2, nếu những cử tri này quay sang ủng hộ ông Macron thì tỉ lệ phiếu bầu có thể tăng thêm gần 12%. Ông Macron cũng có khả năng nhận được phiếu của 22% cử tri đã bầu cho ông Jean-Luc Melenchon, ứng cử viên cánh tả cực đoan, do ông này đã kêu gọi họ không bỏ phiếu cho bà Le Pen. Trong khi đó, bà Le Pen có thể hy vọng vào số cử tri đã ủng hộ các ứng cử viên cánh hữu hay trung dung ở vòng 1 và tranh thủ thêm ở 26% cử tri đã không đi bỏ phiếu trong vòng 1, theo hãng tin Reuters.
Ông Macron lâu nay được xem là người ủng hộ cải cách, đặc biệt đối với bộ máy hành chính được đánh giá là cồng kềnh của Pháp. Năm 2021, kinh tế Pháp đã ghi nhận mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 7%, cao nhất kể từ năm 1969 (mức tăng của khu vực đồng tiền chung Euro chỉ là 5,2%). Tỉ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 9,5% xuống 7,4%, theo báo cáo của Bộ Kinh tế nước này.
Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử, ông Macron cũng tuyên bố sẽ nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65 tuổi - một điều bị nhiều người Pháp phản đối. Một vấn đề nữa là phong trào biểu tình Áo Gilê vàng, bắt đầu từ năm 2018, có khả năng rục rịch trở lại để phản đối kế hoạch đánh thuế xăng dầu của chính phủ.
Phía bà Le Pen thì muốn tranh thủ phiếu bầu của những người có thu nhập thấp. Khi tranh cử, bà Le Pen tuyên bố muốn ngăn chặn việc tăng giá bằng cách bãi bỏ thuế VAT đối với thực phẩm và xăng dầu, hạ tuổi nghỉ hưu xuống 60 tuổi. Các vấn đề kinh tế - xã hội tồn tại dai dẳng đã khiến nhiều cử tri bỏ phiếu cho bà Le Pen dù không tán thành đường lối cực hữu.
Hãng tin AP của Mỹ cho rằng cuộc đua vòng 2 giữa hai ứng cử viên tổng thống Pháp sẽ là “cuộc đụng độ trực diện gay gắt về tầm nhìn” với ảnh hưởng quốc tế rộng rãi.
Để giành chiến thắng ở vòng 2, những ngày tới sẽ rất bận rộn với cả đội ngũ của ông Macron lẫn bà Le Pen khi họ phải tìm cách giành lá phiếu của những cử tri ủng hộ 10 ứng cử viên tổng thống bị đánh bại trong vòng 1. Dù hầu hết ứng cử viên đã công khai thể hiện sự phản đối đối với ứng cử viên cực hữu, song mức độ quyết liệt đến đâu lại là điều thực sự không ai có thể đoán trước.•
Ông Macron hứa hẹn nhiều
về chính sách môi trường
Trong buổi tiếp xúc cử tri ở TP Marseille vào ngày 16-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra nhiều hứa hẹn về chính sách môi trường. Chủ nhân điện Élysée cho biết nếu tái đắc cử, ông sẽ xây dựng một chính phủ hành động quyết liệt hơn về vấn đề môi trường, đài CNN đưa tin.
Cụ thể, ông sẽ chỉ đạo giao thủ tướng Pháp phụ trách trực tiếp vấn đề môi trường, dưới sự hỗ trợ của hai bộ mới chuyên trách vấn đề năng lượng tái tạo và sinh thái. Bên cạnh đó, ông Macron cũng đưa ra thêm các hứa hẹn khác như đẩy nhanh gấp hai lần tiến độ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Pháp, trồng mới 140 triệu cây xanh từ nay đến năm 2030, trợ giá để người dân có thể thuê ô tô điện giá rẻ, cải tạo hệ thống lọc không khí và sưởi ấm ở các trường học.
Tổng thống Macron tự tin cho rằng những chính sách này của ông sẽ giúp Pháp trở thành cường quốc đầu tiên trên thế giới từ bỏ được nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt, đồng thời chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân và năng lượng xanh.