Sáng 5-3, tôi nhận được đề nghị của một người mẹ trẻ: “Mình có cậu con trai năm tuổi. Bạn ấy có kế hoạch để kiếm tiền trang trải một số việc của bạn ấy. Nhà mình ở gần quán cà phê của bạn, bạn ấy đã quan sát quán cà phê và muốn gặp bạn để xin làm dọn dẹp ở đó một tiếng đồng hồ mỗi ngày. Bạn giúp bạn ấy. Mình muốn bạn ấy có một trải nghiệm tốt”.
Khi nhận được lời đề nghị đó, tôi rất hào hứng và hứa với người mẹ sẽ phối hợp với chị để giúp cậu bé năm tuổi có trải nghiệm lao động, kiếm tiền.
17 giờ ngày 5-3, người mẹ đưa cậu con trai đến quán của tôi. Cậu bé không biết tôi là chủ quán nên cậu vào thuyết phục nhân viên của tôi: “Cháu là Phạm Phúc Nguyên, năm nay cháu năm tuổi. Cháu muốn gặp bác chủ quán để xin làm dọn dẹp”.
Bé Phúc Nguyên áo đó đang "liên hệ" để được làm việc tại quán cà phê.
Do đã hứa với mẹ cậu bé sẽ phối hợp để đón nhận vào làm việc một cách tự nhiên nhất, chúng tôi đã làm theo kế hoạch như thể tình cờ. Nhân viên chỉ cậu bé ra nói chuyện với tôi. Cậu thoáng nhìn sang phía mẹ, ngập ngừng như thể chưa sẵn sàng đối diện với chủ quán nhưng khi người mẹ động viên, cậu bắt đầu: “Cháu là Phúc Nguyên. Cháu muốn gặp cô để xin cô cho cháu lau bàn, ghế ở quán để cháu lấy tiền mua hoa tặng ông bà, mẹ, cô giáo nhân ngày 8-3”.
Tôi vẫn muốn kiểm tra cậu sẽ ứng xử tình huống như thế nào? Tôi nói với cậu rằng tôi đã đủ nhân viên và tôi rất sợ cậu làm hỏng đồ của quán. Cậu nói: “Cô có thể cho cháu thuyết phục nhân viên của cô nhường cháu lau bàn được không? Cháu sẽ không làm hỏng đồ của cô”. Tôi đồng ý và đề nghị nhân viên hướng dẫn chú nhóc làm việc.
Mẹ của cậu bé, chị Vân Anh (nhà ở Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) chia sẻ: “Phúc Nguyên muốn có tiền mua hoa tặng bà, mẹ và cô giáo, cháu muốn làm công việc dọn nhà. Ban đầu, tôi không đồng ý và gợi ý cháu nên tìm một việc làm phù hợp hơn nhưng cháu cho biết là cháu muốn dọn dẹp tại quán cà phê gần nhà, nơi tôi hay cho cháu đi cùng. Đây là một phần trong bài học giáo dục về lao động cho cháu”.
Chị Vân Anh cũng tiết lộ, trước khi đi xin việc làm, cậu bé đã tỏ ra rất lo lắng và tự tập luyện lau nhà cả buổi sáng cũng như chuẩn bị mọi tình huống nhằm thuyết phục chủ quán đồng ý nhận vào làm.
Kết thúc buổi làm việc một giờ đồng hồ, lau bốn cái bàn, bốn cái ghế, Phúc Nguyên được trả tiền công theo thỏa thuận với mẹ cậu bé.
Chú nhỏ tỏ ra sung sướng và hào hứng: "Cháu đã có tiền mua hoa rồi, cô ạ!".