Trước hết là Hàn Quốc. Trong số tất cả các bên tham gia vào vấn đề bán đảo Triều Tiên thì Hàn Quốc là chủ thể năng động và háo hức nhất muốn nhìn thấy Mỹ và Triều Tiên đạt được thỏa thuận, thoát khỏi tình trạng thù địch. Trong suốt ba tháng trước thượng đỉnh, Seoul đã tiến hành hàng loạt hoạt động ngoại giao con thoi để có thể gắn kết Trump-Kim ngay cả khi tình thế tổ chức thượng đỉnh đã thay đổi khi ông Trump tuyên bố hủy cuộc gặp.
Giờ là lúc Hàn Quốc sẽ làm tất cả những gì để có thể hiện thực hóa tuyên bố bốn điểm của Mỹ-Triều vừa đạt được. Hôm 12-6, giới quan sát đưa ra bình luận rằng liệu tuyên bố của ông Trump về việc ngừng tập trận chung với Hàn Quốc có được “thảo luận” trước với Seoul hay chưa và điều này có ý nghĩa với Hàn Quốc hay không. Số lính Mỹ ở Hàn Quốc hiện vào khoảng 30.000 người. Có suy đoán rằng các đồng minh của Mỹ trong khu vực đã không được biết trước về diễn biến này.
Theo Reuters, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nói chuyện qua điện thoại với ông Trump 20 phút vào khuya 12-6 nhưng cuộc điện đàm không nhắc đến vấn đề tập trận chung. Tuy nhiên, một ngày sau đó, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết việc ngừng các cuộc tập trận chung với Mỹ có thể là điều cần thiết để xúc tiến các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Điều này cho thấy Hàn Quốc quyết tâm cao trong nối lại hòa bình với Triều Tiên.
Ngoài ra, trong dài hạn, việc Mỹ có khả năng xem xét rút quân khỏi Hàn Quốc có làm trở ngại trong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên hay không khi Seoul nhiều lần lên tiếng phản đối việc Mỹ rút quân khỏi các căn cứ quân sự ở nước này. Những điều này sẽ được giải đáp trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đến Seoul trong thời gian tới.
Cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên vốn đe dọa trực tiếp an ninh Tokyo. Sau thượng đỉnh ngày 12-6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng “qua hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, ý định phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên của lãnh đạo Kim Jong-un đã được xác nhận bằng văn bản. Tôi ủng hộ hành động này, coi đó là bước đầu để tiến tới các giải pháp toàn diện cho vấn đề Triều Tiên”.
Tuy nhiên, khúc mắc vẫn còn khi phía Triều Tiên không thay đổi về các vụ bắt cóc diễn ra vào giai đoạn Chiến tranh lạnh với các công dân Nhật Bản dù ông Trump đã đề cập. Ngoài ra, nếu thật sự Mỹ tiến hành giải giáp các hoạt động quân sự tại Hàn Quốc thì an ninh Nhật Bản cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu các chương trình hạt nhân của Triều Tiên chỉ “mất trên bảng thông báo” mà thực tế vẫn âm thầm hoạt động.
Cuối cùng, đối với Trung Quốc, kết quả thượng đỉnh lần này nhìn chung được giới quan sát đánh giá là có lợi cho Bắc Kinh. Đó cũng là lý do Trung Quốc đã theo đuổi thượng đỉnh lần này ngay cả khi nó đứng trước bờ vực không diễn ra. Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy Triều Tiên giảm mạnh mẽ năng lực hạt nhân của nước này, tất nhiên kèm theo đó là sự xuống thang quân sự của chính quyền Mỹ. Đó là điều có lợi cho Trung Quốc khi có thể giảm bớt sự đe dọa của quân đội Mỹ, nhất là ở các vấn đề khác như Đài Loan hay biển Đông. Song song đó, Trung Quốc sẽ tính toán tham gia vào việc định hình một trật tự an ninh mới tại bán đảo Triều Tiên.