Bí ẩn dịch bệnh gần khu thử hạt nhân Triều Tiên

Trong một phóng sự đăng ngày 3-12, đài NBC News dẫn lại thông tin từ những người bỏ trốn khỏi Triều Tiên từng sống gần bãi thử Punggye-ri cho biết người dân ở khu vực này đã mắc các căn bệnh lạ mà không hề biết nguyên nhân. Một số người Triều Tiên hiện dù sống tại Hàn Quốc nhưng vẫn thường xuyên bị những cơn đau nhức liên miên.

Những người bỏ trốn khỏi Triều Tiên cho biết người dân sống quanh bãi thử Punngye-ri đã bị nhiều loại bệnh ung thư, trong đó có ung thư bạch cầu. “Trước tình trạng rất nhiều người chết, chúng tôi đã bắt đầu gọi đây là một căn bệnh ma. Thời điểm đó chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi chết vì nghèo đói và ăn uống thất thường. Giờ thì chúng tôi mới biết nguyên nhân chính là phóng xạ” - Lee Jeong hwa, một người từng sống tại Kilju, cho biết.

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy bãi thử hạt nhân Punggye-ri vào ngày 18-4-2012. Ảnh: AP

Cho đến nay Triều Tiên đã tiến hành sáu vụ thử hạt nhân, gồm các vụ thử vào tháng 10-2006, 5-2009, 2-2013, 1-2016, 9-2016 và tháng 9-2017. Bãi thử Punggye-ri là địa điểm thử hạt nhân duy nhất của Triều Tiên được biết cho tới nay.

Bãi thử Punggye-ri nằm tại một khu vực có địa hình đồi núi ở Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong. Tỉnh này nằm ở cực Bắc của Triều Tiên, giáp với Trung Quốc ở phía Bắc và biển Nhật Bản ở phía Đông. Và một câu chuyện liên quan tới người dân sống gần bãi thử này mới đây đã được đài NBC News của Mỹ tiết lộ, giữa bối cảnh Bình Nhưỡng vừa thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15.

Lee cho biết cô đã bỏ trốn khỏi Triều Tiên vào năm 2010 và cô sống gần bãi thử Punggye-ri được vài năm. Nếu tính tới năm 2010 thì tức Triều Tiên đã tiến hành được hai vụ thử hạt nhân.

Lee là một trong 30 người Triều Tiên từng sống ở Kilju được Bộ Thống nhất Hàn Quốc kiểm tra sau khi tới Hàn Quốc. Trả lời phỏng vấn NBC News, cô cho biết kết quả kiểm tra của cơ quan này cho thấy cô không bị nhiễm phóng xạ mặc dù thường xuyên bị đau nhức không rõ nguyên nhân. Điều này càng làm dấy lên những bí ẩn.

TP Kimchaek nằm gần Kilju, thuộc tỉnh Bắc Hamgyong, Đông Bắc Triều Tiên. Ảnh: GETTY

Rhee Yeong-sil (hiện 60 tuổi), bỏ trốn khỏi Triều Tiên hồi năm 2013, cũng cho biết bà từng sống cách bãi thử Punngye-ri chỉ vài kilomet. Hàng xóm của bà có sinh được một đứa bé nhưng khi vừa ra đời đứa bé này đã bị dị tật.

“Chúng tôi không thể xác định được giới tính của em bé vì em bé sinh ra trong tình trạng không có cơ quan sinh dục. Ở Triều Tiên, những đứa trẻ bị dị tật thường bị bỏ đi. Do đó, cha mẹ đứa bé đã loại trừ nó” - Rhee nói.

Lee, Rhee và những người Triều Tiên khác một mực nói rằng chính những vụ thử này đã khiến họ bị mắc bệnh lạ. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc hiện chưa đi đến kết luận chính thức.

Cả Lee và Rhee nói rằng trong nhiều năm họ không hề biết được việc chính phủ tiến hành các vụ thử hạt nhân. Họ phớt lờ các cơn địa chấn và chỉ phát hiện sự thật sau khi bỏ trốn khỏi Triều Tiên. Bà Rhee thì nói rằng gia đình bà cũng bị bệnh lạ, đôi khi nhức đầu và ói mửa liên tục.

Một phụ nữ Triều Tiên đi bộ trước các căn nhà tại một ngôi làng gần TP Kimchaek, cách Kilju khoảng 35 km. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, chuyên gia Ferenc Dalnoki-Veress đến từ Trung tâm nghiên cứu phi hạt nhân hóa James Martin (Mỹ) cho biết hiện không chắc liệu nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe đối với người dân sống gần bãi thử Punngye-ri chính là phóng xạ hay không.

Việc thiếu dữ liệu cũng đã khiến giới Hàn Quốc càng thêm vất vả trong việc nghiên cứu. Vì không được tiếp cận được khu vực, họ phải dựa vào thông tin của những người bỏ trốn khỏi Triều Tiên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phóng xạ có thể làm suy yếu việc thực hiện chức năng của các tế bào và cơ quan trong cơ thể người tùy thuộc vào mức độ bị nhiễm. 

Cũng liên quan tới bãi thử Punngye-ri, vừa qua sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hôm 3-9, đài truyền hình Asahi của Nhật Bản dẫn các nguồn thạo tin cho biết khoảng 100 người bị kẹt bên trong và thêm 100 người có thể đã chết trong lúc nỗ lực giải cứu khi xảy ra sập hầm tại bãi thử này vào ngày 10-10.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm