Bị cáo bỏ trốn, tòa tuyên án được không?

Bị cáo có mặt suốt phiên xử nhưng đến khi nghị án lại bỏ trốn. Tòa và VKS tranh cãi về việc có tuyên án được không, quyền kháng cáo của bị cáo ra sao. Pháp luật cũng chưa quy định cụ thể trường hợp này xử lý như thế nào…

Mới đây, phiên xử bị cáo V. bị truy tố về tội trộm cắp tài sản tại TAND một huyện ở Quảng Bình đã xảy ra một tình huống khá hi hữu: Bị cáo bỏ trốn ngay trước lúc tòa tuyên án. Vì chuyện này mà sau đó giữa tòa và VKS cùng cấp đã phát sinh nhiều tranh cãi…

Bỏ trốn “phút 89”

Nội dung vụ án của V. khá đơn giản: Ngày 7-4, V. đến nhà chị ruột mượn tiền. Người chị không có nhà nên V. phải ngồi đợi ở ngoài. Thấy nhà bên có một chiếc xe máy không người trông coi, V. nổi lòng tham lấy trộm nhưng dẫn đi chưa được một cây số thì bị bắt. Theo kết quả giám định, chiếc xe máy trị giá 5 triệu đồng nên V. bị khởi tố, truy tố nhưng được cho tại ngoại điều tra.

Tại phiên xử, V. thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội. Nói lời sau cùng, V. mong muốn được tòa khoan hồng. Vậy mà tranh thủ lúc HĐXX vào nghị án, V… lẻn đi mất. Khi HĐXX ra chuẩn bị tuyên án, thư ký báo là V. đã bỏ trốn. HĐXX đành tuyên hoãn phiên tòa, tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định truy nã V.

Bị cáo bỏ trốn, tòa tuyên án được không? ảnh 1

Tòa, VKS tranh cãi

Quyết định của tòa sau đó đã gây ra sự tranh cãi giữa tòa và VKS cùng cấp.

Theo VKS, trong trường hợp này, tòa vẫn có thể tuyên án theo kết quả nghị án, không cần thiết phải hoãn phiên tòa. Tại phần quyền kháng cáo của bị cáo thì nên linh động tuyên bị cáo có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án.

Tòa không đồng tình bởi khoản 1 Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định nếu bị cáo trốn tránh thì HĐXX phải tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo. Mặt khác, nếu tòa cứ cố tuyên án thì sẽ không đảm bảo quyền được kháng cáo của bị cáo.

Tranh luận, VKS cho rằng khoản 1 Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ áp dụng đối với trường hợp bị cáo vắng mặt tại phiên tòa ngay từ khi bắt đầu mà không có lý do chính đáng và trốn tránh gây khó khăn cho cơ quan tố tụng. Ở đây, bị cáo bỏ trốn sau khi đã nói lời nói sau cùng và HĐXX cũng đã nghị án xong. Tất cả quyền lợi của bị cáo tại tòa đều đã được bảo đảm như quyền khai báo, quyền tranh luận… Còn về quyền kháng cáo của bị cáo cũng sẽ được bảo đảm nếu chỉ tính thời hạn từ ngày bị cáo nhận được bản án.

Tòa vẫn không đồng ý, lập luận nếu tính thời hạn kháng cáo kể từ ngày bị cáo nhận được bản án thì rất khó xác định khi bị cáo đã bỏ trốn. Đồng thời theo luật, mọi vấn đề liên quan đến vụ án đều phải được thỏa thuận và ghi vào biên bản, biểu quyết thông qua tại phòng nghị án. Quyền kháng cáo cũng là một vấn đề quan trọng, được HĐXX thông qua khi nghị án và sau đó chủ tọa hoặc một thành viên HĐXX đọc công khai bản án đó khi tuyên án. Các quyết định của HĐXX sau khi nghị án có giá trị pháp lý, không thể sửa đổi, thêm bớt bất cứ vấn đề gì nên không thể “linh động chữa cháy” về phần quyền kháng cáo như ý của VKS.

Cuối cùng, tòa bảo lưu quan điểm, còn VKS vẫn cho rằng chuyện hoãn phiên xử là gây ứ đọng án không cần thiết.

Luật chưa điều chỉnh nhưng tuyên án được?

Một thẩm phán TAND Tối cao nhận xét: Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 chưa có quy định điều chỉnh riêng trường hợp bị cáo bỏ trốn ngay tại phiên tòa. Cụ thể, khoản 1 Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự (về sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa) chỉ đề cập tới trường hợp bị cáo trốn tránh trước khi phiên tòa bắt đầu.

Tuy nhiên, theo vị thẩm phán này, khoản 2 Điều 187 cũng quy định tòa có thể xử vắng mặt bị cáo nếu sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ. Như vậy, với trường hợp của V., tòa hoàn toàn có thể tiếp tục xét xử và tuyên án.

Đồng tình, một thẩm phán TAND TP.HCM cho biết trước đây tại tòa này cũng từng xảy ra một vụ tương tự. Đó là phiên xử bị cáo Lê Văn Hùng bị truy tố về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS. Lúc HĐXX vào nghị án, Hùng tự động bỏ về. Thư ký phiên tòa chạy loanh quanh kiếm mãi không được, cả HĐXX cũng phải ngồi chờ hơn nửa tiếng vẫn không thấy Hùng đâu. Cuối cùng, HĐXX quyết định tuyên án vắng mặt Hùng (thời điểm tính thời hạn kháng cáo như thông thường là tính từ ngày tuyên án).

Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa

1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án; nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải theo thủ tục quy định tại Điều 130 của bộ luật này; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa.

Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì HĐXX tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.

Nếu bị cáo trốn tránh thì HĐXX tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo.

2. Tòa án chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp sau đây:

a) Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả;

b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;

c) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ.

(Theo Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003)

Bị cáo đã tự tước đi quyền lợi     

Trước hết phải khẳng định lỗi thuộc về bị cáo khi bỏ trốn lúc HĐXX vào nghị án. Trong trường hợp này, bị cáo đã tự tước đi quyền lợi của mình, cụ thể là quyền kháng cáo. Mặt khác, trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, chủ tọa cũng đã giải thích về quyền kháng cáo bản án cho bị cáo nên tòa vẫn có thể tuyên án vắng mặt bị cáo và thời điểm tính kháng cáo hoàn toàn có thể tuyên kể từ ngày tuyên án.

Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM

Không cần phải hoãn phiên tòa

Việc hoãn phiên tòa là không phù hợp vì phiên tòa đã thực hiện xong các phần thủ tục, xét hỏi, tranh luận và bị cáo cũng đã nói lời nói sau cùng. Mọi quyền của bị cáo đã được cơ quan tố tụng tôn trọng và bảo đảm theo luật định. Sự vắng mặt của bị cáo ở phần tuyên án là do bị cáo cố tình trốn tránh, từ bỏ quyền lợi, trong đó có cả quyền kháng cáo. Việc hoãn, tạm đình chỉ và truy nã vụ án trong trường hợp này không cần thiết. Sau khi án có hiệu lực, công an sẽ phát lệnh truy nã và tìm bắt, buộc bị cáo chấp hành án.

Kiểm sát viên NGUYỄN ANH ĐỨC,
VKSND TP Đồng Hới, Quảng Bình

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm