BỤI ĐỜI Ổ CHUỘT Ở MYANMAR - BÀI CUỐI

Bí quyết làm đẹp huyền thoại của người Miến

Và những gương mặt bôi Thanaka thành từng vệt tròn hay điệu đà hình vẽ trở thành một dấu ấn đặc biệt, một công cụ kết nối giữa con người, văn hóa và tự nhiên.

Trước cửa khách sạn là một cái chợ chồm hổm. Nên mỗi sáng bước ra, xộc vào người là một tổ hợp các loại mùi thức ăn. Phía dưới chân là nhớp nháp nước thải bẩn. Nhưng có hề gì, những người đàn ông quấn longi - một loại váy dài vẫn vui vẻ hồn nhiên vừa khuân vác đồ đạc vào chợ vừa thoải mái trò chuyện. Họ vác một thùng hàng đi, xong ghé lại cái bàn bán trầu, cô gái nhỏ từ tốn lấy lá trầu, phết vôi, bỏ vào chừng 5-6 loại nguyên liệu khác nhau gồm cau vụn, thuốc lá và những loại bột không rõ nguồn gốc. Họ bốc miếng trầu, nhai nhóp nhép, một lát thì nhổ cái phẹt xuống đất, tạo ra những đốm đỏ loang lổ trên khắp vỉa hè...

“Không có loại kem dưỡng da nào tốt bằng Thanaka của họ”

Sáng sớm nhưng trời đã bắt đầu nóng. Bồ câu và quạ bay qua bay lại đầy trời. Rồi lũ chim mập ú ụ này tụ về, đậu dọc theo sợi dây điện. Sợi dây nối giữa hai bên đường chùng xuống khi chim về đậu càng nhiều. Quạ lại kêu inh ỏi tạo thành một khung cảnh có phần hỗn loạn. Nhưng có hề gì, một nhóm nhân công bốc vác vừa ngơi việc lập tức tụ lại, chơi... bắn nắp khoén. Họ túm cái váy rất điệu nghệ, sà xuống nền đất ẩm mốc, hồn nhiên chơi đùa. Nếu không có những dấu vết thời gian và những hình xăm trổ ẩn hiện trên người, sẽ quên mất đây là những dạng “anh chị” của bến chợ.

Bước vào nhà hàng Cyclo của chủ người Việt để ăn sáng, thấy cô quản lý tên Hiền miệng nói tay làm, còn bốn anh phục vụ người bản xứ thì đang túm lụm tán dóc, chốc chốc Hiền lại quay lên, xổ một tràng chen lẫn tiếng Miến và tiếng Anh quát nạt gì đó, họ lại tản ra làm việc một cách hồn nhiên. Anh Cường, một quản lý của công ty đa quốc gia tại Yangon được cử từ Việt Nam sang, bảo: “Chuyện thường mà. Người lao động ở đây vẫn quen nếp làm việc rất thư giãn, không vội vàng và có phần thiếu phấn đấu. Họ đi làm mà bị bắt mặc quần dài và ngưng ăn trầu là khó lắm. Họ vào họp mà không lôi gói trà xanh lên men để ăn vặt là buồn lòng ngay...”.

Anh Cường đã qua Myanmar được hơn một năm và đang vật vã với một nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi: Gia tăng doanh số các nhãn hàng chăm sóc cơ thể. “Trong niềm tin vững vàng của mọi người ở đây, kể cả... nhân viên bán hàng thì trên đời không có loại kem dưỡng da nào tốt bằng Thanaka huyền thoại của họ cả...”.

Một em bé đội hoa sứ ở chùa. Ảnh: FERNANDO

Cứ ngủ dậy là bôi

Truyền thuyết kể rằng có một hoàng hậu của vương quốc Burma thời xưa nhặt được một đoạn gỗ Thanaka, mài ra và bôi lên mặt. Rồi bà trở nên xinh đẹp tuyệt trần, đến mức đức vua phải làm một bài thơ dài để tụng ca nhan sắc của... Thanaka và truyền cho toàn bộ dân chúng tích cực sử dụng loại mỹ phẩm thiên nhiên này. Sau hơn 1.000 năm kể từ lời truyền dụ này thì mỗi sáng sớm, khi vừa ngủ dậy, người dân Myanmar đều lấy thanh gỗ Thanaka ra, mài với nước trên một phiến đá nhỏ, bôi lên mặt, lên tay, lên người. Vài phút sau, loại “kem” này sẽ khô lại và họ tung tăng ra khỏi nhà.

Mặc cho các bảng quảng cáo ngoài trời, các chiến dịch tiếp thị rầm rộ của các nhãn hàng phương Tây thì những cửa hiệu bán Thanaka chất thành đống ngoài phố vẫn là lựa chọn mặc định của việc làm đẹp của người dân xứ này. Một thanh Thanaka loại nhỏ có giá khoảng 5.000 đồng tiền Việt, đủ dùng một tuần, hà cớ gì phải dùng tới những lọ dưỡng da giá hàng trăm ngàn, vì đằng nào họ cũng chẳng bao giờ... trắng hồng như những cô người mẫu quảng cáo được.

Và cứ như thế, ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào ở Myanmar, cứ 10 phụ nữ thì sẽ có chín người đang bôi Thanaka đầy mặt một cách hết sức tự hào. Còn 10 đàn ông thì có bốn người quấn longi, ba người ăn trầu và một người bôi Thanaka. Một anh to cao, cơ bắp cuồn cuộn đang đứng bán xoài lắc trên phố với hai vệt Thanaka điệu đà hình chiếc lá giải thích: “Nó giúp chống lại những năng lượng xấu và là một quà tặng của tổ tiên để lại cho chúng tôi. Tôi tự hào lắm khi sử dụng Thanaka trên người”.

Trên mạng có vô vàn tài liệu nói về mối liên hệ giữa Thanaka và văn hóa của Myanmar. Nhưng hấp dẫn nhất chính là những lễ hội Thanaka trong ngày đầu năm của họ, nơi mà những thanh Thanaka tốt nhất được mọi người mang đến, cùng nhau mài, cùng nhau vẽ nên những mảng màu, hình dáng đẹp nhất trên gương mặt của nhau, để ai ai cũng hạnh phúc.

Nỗi nhớ của người quét chùa

Rời Myanmar sau những ngày quanh quẩn chỉ ở Yangon mà còn chưa hết việc, chúng tôi tự nhủ: “Để dành những thung lũng có khinh khí cầu bay lượn trên đỉnh những đền tháp, để dành những hồ nước trên cao có những người câu cá đẹp như tranh vẽ, để dành chùa đá vàng cho những mùa sau…”. Nhắn tin chào tạm biệt anh Vũ - à, giờ là một nhà sư Myanmar, anh bảo nhớ thu xếp nhiều thời gian hơn, vào thiền viện trải nghiệm tu thiền một tháng, mới đúng là hiểu Myanmar.

Chuyến bay bị trễ nên có cơ hội nói chuyện dài hơn với sư Vũ. Anh kể khi mới sang, anh cũng bị sốc, rất nặng. “Có một thế giới khác với thế giới chúng ta quen sống vẫn tồn tại song song ở đây. Thế giới của mình thì dùng tiền bạc làm thước đo, thế giới của họ dùng sự tự do, vui vẻ và bình an làm tiêu chuẩn. Tôi ở đây suốt sáu tháng đầu tiên, chỉ làm một việc là đi quét sân chùa. Sáu tháng quét sân là sáu tháng cảm nhận được những biến chuyển kỳ lạ nhất trong tâm hồn và suy nghĩ của mình… Không có những bài giảng Phật pháp cao siêu gì đâu, chỉ có sự yên tĩnh và tự tại là những hạt giống mà người Myanmar được gieo vào lòng ngay từ thuở nhỏ… Thanaka chính là sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, cái kết nối mà thế giới hiện đại đang dần mất đi khi chúng ta không có những tiếp xúc trực tiếp với cây cỏ nữa…”.

Sân bay vẫn nóng. Tôi lấy thanh Thanaka trong ba lô ra, mài mài một chút, bôi lên mặt. Nghe cái mát dịu ôm lấy làn da, cái cảm giác như đất sét đang co lại trên mặt mình. Và tôi tin đó là một thứ hạnh phúc bình dị, giản đơn như việc anh Vũ quét lá sân chùa. Hiểu niềm vui bình dị này sẽ hiểu vì sao tất cả sách viết về Myanmar đều gọi nó là miền lãng quên, để hiểu vì sao đa phần hình ảnh chụp các thiền sư đi khất thực ở Myanmar đều ghi lại từ phía sau…”.

Quốc tế hóa bí quyết làm đẹp

Người Myanmar tất nhiên là… ngăm đen, khi mà thời tiết cả nửa năm trời luôn trong tình trạng nóng đổ lửa. Nhưng trong một ghi chép ít người biết đến về Myanmar của TS David Honegger, nhà sáng tập tổ chức St. Gallen của Thụy Điển, ông thấy một điều khác: “Khi tôi nhìn thấy làn da hoàn hảo của bà Aung San Suu Kyi, tôi thấy quá tiếc vì đã không biết đến loại mỹ phẩm bí mật mang tên Thanaka của vùng đất này. Nhưng cũng may là trễ còn hơn không, khi mà Thanaka có thể cứu vãn làn da của bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào”. Và từ nhiều năm nay, David đã bắt đầu mang Thanaka - loại bột mài ra từ loại cây gỗ cùng tên của Myanmar về Thụy Sĩ với tham vọng quốc tế hóa bí quyết làm đẹp đã có hơn 1.000 năm tuổi này.

Từ Thanaka tới… bồ kết

Tôi chụp ảnh mình đang bôi Thanaka, để lên Facebook và hỏi: “Việt Nam mình có món nào tương tự vậy không?”. Lập tức, có rất nhiều câu trả lời. TS Đăng Long, chuyên ngành công nghệ sinh học ở Mỹ, khẳng định ngay: bồ kết. Chị Huệ Đỗ - Tổng Giám đốc Công ty Tara chuyên về mỹ phẩm thiên nhiên thì kể một dọc dài: cám gạo, nghệ. Rồi nhiều người khác lại vào bổ sung những dược-mỹ phẩm thiên nhiên khác của xứ mình: dầu mù u, mật ong chanh đào… Nhìn một danh sách toàn những thứ tưởng chỉ còn trong ký ức, chợt nghĩ về Thanaka, về phép màu mà loại mỹ phẩm thiên nhiên này đang nắm giữ để làm nền tảng cho văn hóa bản địa phát triển, cho một cơ hội mang thứ đặc trưng này đi xa hơn và cho một niềm tự hào của người dân Myanmar.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm