Yangon không có mấy chỗ để thỏa mãn nhu cầu tham quan của du khách. Do đó, sau khi đi hết các ngôi chùa to to trong danh sách “cần phải đi”, lang thang qua những con phố đối lập nhau về sự giàu nghèo thì chúng tôi quyết định quay lại chợ Bogyoke - nguyên tên là Bogyoke Aung San.
Tu sao sống vậy
Bogyoke Aung San là một ngôi chợ lâu đời, nổi danh là “bán từ cây kim cho tới cái máy bay” của Myanmar. Nói vậy thôi, nó bán tập trung hàng hóa lưu niệm, các sản vật của quốc gia này, đặc biệt là đồ mỹ nghệ và các loại đá quý. Sự tập trung quá nhiều vào hai nhóm hàng chính này cũng thể hiện sự thiếu phát triển của Myanmar: Chủ yếu vẫn sống dựa vào tài nguyên thiên nhiên và nhân công khéo tay mà giá rẻ. Nhưng có hề gì, ít nhất đây là một ngôi chợ bán đồ lưu niệm mà không bị phủ kín bởi hàng hóa có một xuất xứ duy nhất: Trung Quốc.
Một trong những bí mật mà ít người biết là có một gian hàng bán đá quý trong chợ Bogyoke là của người Việt. Đó là một phụ nữ buôn hàng chuyến hai chiều Yangon-Hà Nội từ lâu đời. Bởi vậy, chúng tôi quay lại chợ để tìm gặp câu chuyện hứa hẹn ly kỳ này sau khi quyết định không đi xem bói ở ngôi chùa trước cửa tòa thị chính Yangon. À, nếu nói chuyện coi bói thì đó cũng sẽ là một trải nghiệm vui, vì bao quanh ngôi chùa Sule này có rất nhiều cửa hàng coi chỉ tay đoán số mệnh được cấp phép hoạt động chính quy. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác.
Trở lại chợ trên một chiếc taxi không có máy lạnh giữa trời nắng nóng. Mồ hôi đọng thành từng bệt. Giữa trưa vẫn kẹt xe nhưng không thấy ai bấm còi inh ỏi cả. Ông tài xế vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa bình thản nhìn một chiếc xe khác vượt xéo ngay trước mặt mà cũng không có phản ứng gì. Trời ơi, ai cũng nói người Myanmar hiền lành nhưng có cần phải hiền tới mức này không?
Chợt nhớ đọc trên một hướng dẫn đi du lịch Myanmar có câu “Người ta tu sao thì sống vậy”. À, vậy nên có lẽ những sân si ái ố thường nhật đã được lọc bỏ sau những tháng ngày đi tu gieo duyên của hầu hết mọi người dân ở đây.
Chồm lên hỏi: “Ông hồi xưa có đi tu không?”. Ổng đáp tỉnh bơ: “Ở chùa gần 15 năm!”.
Chụp ảnh mà không chịu cầm phong bì để tiền vào, mặt chú quạu đeo. Ảnh: XUÂN YẾN
Nhân viên Ngân hàng ACB bỏ việc đi tu
Tới nơi thì mới biết chợ nghỉ bán. Nghỉ hoàn toàn luôn: Cả chợ đóng kín, im lìm. Hàng rong, quán xá lân cận cũng tuyệt đối không mở. Lục lọi trên Google thì biết đây là… truyền thống. Một người Myanmar nói trong trang tư vấn du lịch TripAdvisor: Đi làm thì có ngày nghỉ, vậy chợ cũng phải nghỉ ngơi chớ.
Đang còn suy nghĩ về việc này thì anh Nguyễn Đình Vũ, giờ đã là một nhà sư có cái tên Myanmar rất dài không thể nhớ nổi, gọi điện thoại. Anh giải thích lúc sáng không nghe máy là vì đang bận dạy tiếng Anh cho trẻ con trên một vùng núi cao. Và nhà sư từng là nhân viên kinh doanh của Ngân hàng ACB này cho biết anh phải đi xe tới 26 giờ mới về tới Yangon được nên đành hẹn dịp khác.
Cuộc gọi của Vũ làm nhớ đến quá chừng người bạn học, bạn đồng nghiệp lẫn bạn uống bia của mình thuở trước bỗng một ngày thông báo sang Myanmar để… tu. Bèn kiếm một quán trà đúng kiểu truyền thống với bàn gỗ cao ám khói, ngồi tìm kiếm những câu chuyện tưởng chừng đã quên mất. Lục lọi một hồi thì thấy có câu chuyện của anh Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Sách Thái Hà, viết về hành trình đi nghiên cứu các tu viện ở Myanmar.
Anh kể có người quen ở đây, nhìn cũng hơi lam lũ, hỏi thăm công việc ra sao thì bảo mỗi ngày kiếm được 2 đôla. Anh Hùng móc ví ra tặng luôn 10 đôla. Người quen này mừng quá và lật đật đi xin nghỉ việc luôn năm ngày để lên chùa mà tu… Câu chuyện nhỏ của anh có lẽ là cách giải thích phù hợp nhất cho lý do vì sao chợ Bogyoke đóng cửa nghỉ bán. Có thể là vì những người bán hàng cần một ngày để đi chùa, để chăm sóc bản thân, gia đình mình hay làm việc riêng nhưng điều quan trọng nhất là họ không mải mê tập trung kiếm tiền, buôn buôn bán bán…
Rõ ràng là người Myanmar nghèo nhưng những tu viện, thiền viện của họ thì lại giàu có về mặt không gian và tấm lòng. Luôn có gần 100 người Việt Nam đang tham gia tu tập ở các chùa rải rác khắp Myanmar. Và tất nhiên, việc ăn ở, tu hành là miễn phí hoàn toàn. Người Myanmar không chỉ lo cho việc tu của mình mà còn sẵn lòng chia sẻ niềm tin, tôn giáo và sự tìm kiếm con đường giác ngộ cho mọi người.
Những thầy tu tí hon
Một trong những hình ảnh đắt nhất ở Myanmar là ngắm nhìn từng đoàn nhà sư đi khất thực vào buổi sáng sớm. Họ bước rất chậm, đầu cúi xuống, tay ôm cái bình bát to to. Người dân đến cúng dường thức ăn và có khi là vật dụng gì đó, thái độ rất cung kính. Có người còn quỳ xuống để dâng đồ cúng dường lên. Không biết bao nhiêu nhiếp ảnh gia đã giành được giải thưởng nhiếp ảnh bằng những hình ảnh đẹp đẽ này, có điều là họ cần một không gian thưa vắng hơn, nhiều cây xanh hơn và xử lý ánh sáng chiếu lấp lánh theo dấu chân những nhà sư này. Hiện thực không lãng mạn như vậy nhưng hấp dẫn hơn ở chỗ những nhà sư này cứ chậm rãi bước đi giữa chợ, không bận tâm đến những xô bồ thế sự, chỉ lặng lẽ tỏa ra cái năng lượng bình an cho mọi người xung quanh.
Một hình ảnh khác mà du khách rất mê: Những thầy tu tí hon, bé còn hơn cây kẹo đi tung tăng trên phố. Tấm áo cà sa như tương phản với gương mặt trẻ thơ và vóc dáng chưa đến bảy tuổi của các chú tiểu này làm ai cũng thích thú. Và chỉ cần xin chụp ảnh, chú này sẽ nhanh chóng đưa ra cái phong bì, ra dấu cho tiền mua cơm ăn. Chúng tôi nhìn thấy một chú tiểu như thế tung tăng nhảy chân sáo trên phố, lật đật chạy theo chụp ảnh thì bị níu áo… xin tiền. Nghi ngờ là không đúng, nhảy vội vào trong một quán cà phê, chú cũng theo vào ngay. Hất tấm áo cà sa đỏ lên một cách đầy kiêu hãnh, chú đi từng bàn, để cái phong bì lên, ra dấu và đi một vòng. Anh chàng phục vụ nhìn thấy, chạy ra… kéo lỗ tai chú tiểu lôi ra ngoài. Hai bên tranh cãi gì đó không rõ. Nhưng cuối cùng chú vẫn quay trở vào thu hoạch bì thư. Đề nghị chụp chung cái ảnh cho vui, chú cẩn thận mở cái bì thư xem tôi có bỏ tiền vào không rồi mới chịu làm người mẫu…
Nghệ thuật trả giá Taxi không có đồng hồ nên đi đâu cũng phải trả giá. Khách du lịch không rành đường thì cứ nhắm mắt trả đại, vì đằng nào nó cũng... rẻ hơn taxi ở Việt Nam ít nhất là một nửa. Bởi vậy, đi chợ Bogyoke lại càng phải trả giá giỏi hơn nữa. Kinh nghiệm rỉ tai nhau trên mạng như sau: “Lựa quầy nào có mấy ông bà già bán hàng thì dễ mua hơn. Và hãy thử bắt đầu trả từ một nửa cái mức người ta đưa ra”. Người Myanmar vẫn chưa theo kịp mặt bằng chung giá cả và mức sống của khu vực nên đá cẩm thạch đục ra từ núi, nhân công giá rẻ vì vậy bán siêu rẻ. Gỗ teak chặt thẳng từ rừng già, đục đẽo mấy ngày trời mới ra cái tượng nhưng cũng không có bao nhiêu tiền công nên cũng bán rẻ luôn. Nhiều doanh nghiệp Myanmar gặp vấn đề về thanh toán quốc tế thường đề nghị: Đổi hàng tiêu dùng lấy gỗ, chịu hông? Và bởi vậy, các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế đang lật đật chạy qua mở văn phòng ở Yangon để cố gắng giữ lấy những mảng xanh nguyên sinh cuối cùng này… |