Rồi cô em quyết định xách giỏ sang xứ sở được mệnh danh là “mỏ vàng cuối cùng của thế giới” làm việc. Báo hại cả nhà lục đục tìm vé giá rẻ chạy sang thăm chừng đứa con gái út sống làm sao...
Thủ đô Yangon đang là 45 độ C, nóng tới mức người bạn khuyên: Không ra khỏi khách sạn sau 9 giờ sáng và trước 6 giờ tối nếu không muốn bị nướng thành than. Cái nóng xộc thẳng vào người, tưởng như có ai cầm nguyên nồi nước sôi tạt thẳng vào mặt ngay khi vừa bước xuống máy bay.
Khu người Việt ở... phố Tàu
Khác với hầu hết quốc gia trên đời này, ở Myanmar, mọi thứ dịch vụ ngoài sân bay đều... rẻ. Đổi tiền tỉ giá tốt nhất. Mua SIM điện thoại cũng rẻ hơn trong phố. Nhà hàng, cà phê cũng rẻ. Nhưng sự thân thiện này không làm tôi khoái bằng việc họ từ chối thẳng thừng việc đổi tiền nhân dân tệ của Trung Quốc sang tiền “chẹt” của Myanmar. Chỉ có ba loại tiền được chào đón: Đôla Mỹ (tất nhiên), bạt Thái và đôla Singapore. Nghe nhiều doanh nhân làm ăn ở đây chia sẻ, mọi chuyện buôn bán, thanh toán... ở Myanmar đa phần đều qua cửa ngõ Singapore bởi chuyện tài chính của nước này chưa kịp hội nhập với làn sóng đầu tư ồ ạt của thế giới.
Hơi mắc cười một chút là có chừng bảy quầy đổi tiền ngoài sân bay nhưng chỉ có một quầy chính thức của ngân hàng. Vào đây đổi phải nộp hộ chiếu và mỗi người chỉ được đổi 100 đôla Mỹ. Kế bên đó hai bước chân, không cần giấy tờ gì hết và muốn đổi bao nhiêu tùy thích. Không hiểu sao xuất hiện trong đầu cái suy nghĩ: Kiểu đổi tiền tự do này giống như ở Việt Nam thời xưa, sau đó đến lúc chống đôla hóa nền kinh tế thì nửa cấm nửa cho đổi đô ngoài tiệm vàng và tới chỗ khó nhất chỉ được đổi tiền trong ngân hàng là ở Trung Quốc...
Đi taxi thì phải trả giá. Nhưng giá kiểu nào thì cũng rẻ hơn ở Việt Nam từ ba lần cho tới một nửa. Chúng tôi đi thẳng về khu phố Tàu, nơi có khách sạn mang tên hơi Tàu nhưng lại là của chủ Việt: Khách sạn Mr. Lee. Kế bên đó là nhà hàng Cyclo, bán món Việt Nam nổi tiếng nhất xứ Miến Điện này.
Ấn tượng đầu tiên là toàn bộ khu vực này y như trong phim TVB Hong Kong thuở xưa: Chật chội, dơ bẩn, nhớp nháp và đông đúc. Mùi cá tôm chen với mùi rác rến, thức ăn pha trong cái nóng làm mọi háo hức biến mất.
Người bán trầu trên phố. Ảnh: XUÂN YẾN
Những người “đào vàng”
Ngày Myanmar mở cửa, báo chí cả thế giới không tiếc lời ca ngợi. Doanh nhân Việt Nam nô nức bay sang dự hội chợ, tiếp thị sản phẩm. Hàng loạt biên bản hợp tác được ký kết với quá nhiều kỳ vọng. Ai cũng muốn có một phần của mình trong mẩu bánh của thị trường hoang sơ và tiềm năng của quốc gia nhiều tài nguyên thiên nhiên này.
Nhưng len lỏi giữa vỉa hè chật chội của khu phố Tàu, cố gắng tránh né những bãi trầu bị người dân phun khắp nơi, cảm giác về một cơ hội làm ăn vẫn lẩn khuất đâu đó. Ăn sáng ở nhà hàng Việt, nghe loáng thoáng câu chuyện của những đồng hương xa xứ. Anh Hải vừa ở giàn khoan gần 20 ngày về, hơi mệt mỏi. Chị Ngọc sang tuần là đủ 70 ngày làm việc ở một nhà hàng trong trung tâm thương mại lớn nhất do Việt Nam đầu tư, sẽ được về thăm con. Cô Ngọc dù đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn bươn chải vì một mình cô làm việc vẫn hiệu quả hơn bốn người dân bản xứ cộng lại. “Người Myanmar có câu: Tu sao sống vậy nên họ bình tĩnh, chậm rãi và có phần lười biếng trong công việc” - người phụ nữ quê Quảng Bình đang làm việc ở văn phòng đại diện một công ty nhà nước tại đây cho biết. Chị còn than: “Sếp bị cử từ Việt Nam sang, chẳng có mấy việc để làm nên suốt ngày chỉ đi đánh golf!”.
Tôi hỏi chị: “Buổi tối đi đâu chơi?”. Bà chị cười ngất: “Đi chùa chớ đi đâu. Chùa nào cũng bắt bỏ giày dép ở ngoài, đi ban ngày cái sàn nóng bỏng chân luôn, chỉ có đi buổi tối thôi”. Hóa ra Yangon không có mấy chỗ đi chơi đêm. Hoặc là lên quán bar của các khách sạn năm sao, hoặc là ra khu đường số 19 uống chai bia Myanmar to khổng lồ.
Ra đường vui thiệt. Bán buôn, ăn uống rần rần, rần rần. Dế chiên, gỏi trà xanh lên men, cá nướng, xoài lắc, không thiếu thức gì. Bàn ghế xập xệ, mấy đứa nhỏ hát rong xin ăn đi lảng vảng khắp nơi. Bà già bán quán mới có 9 giờ tối đã ngồi ngủ gục giữa xô bồ phố xá. Chợt nhớ tới hình ảnh của những chuyên gia quốc tế tới Việt Nam thuở xưa: Bắt đầu giống như những anh chàng cao bồi Viễn Tây mặc quần bò gác chân uống bia ngoài phố, sau mới lần lần được nâng cấp lên thành những chàng trai đẹp mã mặc veston thiệt sang xách cặp đi làm việc…
Kêu tính tiền, tổng cộng chưa tới 100.000 VNĐ. Thấy rẻ quá, cô em gái liền bảo: “Cũng không rẻ lắm đâu. Ở đây người ta nghèo thì nghèo dữ lắm. Còn giàu thì cũng giàu vô cùng”. Ừ, bởi vậy mới nói Myanmar chưa phải là mỏ vàng đâu, khi mà chưa có tầng lớp thu nhập trung bình - đối tượng mua hàng, tiêu dùng chính của sản phẩm. Vậy thôi, đi về, nghĩ rằng mỏ vàng Myanmar không phải dành cho mình rồi…
Nghệ sĩ đường phố giá siêu bèo Khu vực được gọi là chợ đêm ở Yangon thật ra là một khu chợ vỉa hè tràn xuống lòng đường vào buổi tối. Chủ yếu là bán thức ăn, trái cây, thịt cá, rau quả và dăm ba món đồ linh tinh đa phần nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan. Thỉnh thoảng có công an tới xử lý, các quầy hàng này biến mất chừng 10 phút sau đó lại hiện ra như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Họa sĩ ngồi trong góc vỉa hè và tác phẩm giá 20.000 đồng. Ảnh: XUÂN YẾN Trên một cái vỉa hè chật chội và đen đúa đó có hai người đàn ông trải tấm bạt mỏng và bày tranh ra bán. Tôi đứng lại xem, thấy một ông có bộ cọ vẽ và sơn màu bên cạnh, nhớ ra hầu hết người Myanmar đều nói được chút đỉnh tiếng Anh nên hỏi: “Ông vẽ tại chỗ được không?”. “Được chứ. Năm phút thôi”. “OK!”. Cô em gái giựt áo: “Trả giá, trả giá”. Thôi kệ. Ông trải tờ giấy rô-ki khổ A3 (thứ giấy rẻ tiền hay dùng làm báo tường ở nhà mình) và bắt đầu vẽ. Ông dùng loại sơn rẻ tiền trong hũ nhỏ, hay bán để sơn vá nhà cửa. Ba cái cọ kích thước khác nhau, một lọ xăng pha, một cái bay mỹ thuật loại nhỏ và một cái… giẻ lau. Thành thục, say mê và điêu luyện như tất cả clip trên mạng về họa sĩ đường phố. Núi non, sông ngòi, nhà cửa, cây cối dần hiện ra theo những nét cọ, nét chùi và cả những ngón tay miết mạnh của ông. Nhiều hơn năm phút một chút, ông hoàn tất bức tranh khá đầy đặn và có chiều sâu. Ông hỏi được không thì gói lại. Bảo ông ký tên mình vào đi, ông hơi ngại ngùng rồi nhoẻn cười hý hoáy ký tên rất chuyên nghiệp. “Bao nhiêu tiền ạ?” - “1.000 chẹt”. Trời ơi, nó là 20.000 đồng tiền Việt đó. Hơi bất ngờ, tôi định đưa nhiều hơn thì bị giựt áo: “Đừng phá giá làm hư cuộc sống của người ta”. Ừ, vậy thì thôi... Mang bức tranh về, nghĩ chắc người họa sĩ đường phố này phải vẽ tới 1.000 lần rồi mới có thể rành rẽ độ khô của sơn, độ bay hơi của xăng mà xử lý nhanh tới vậy. Treo lên, nhìn tranh và thấy ánh mắt vui vẻ của ông khi bán được tranh, khi được nhờ ký tên, được rủ chụp ảnh. Tôi tin đây là một bức tranh đẹp và kèm theo năng lượng tích cực... |