Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp đến cuối năm 2023.
Du lịch tăng trưởng mạnh
Theo báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 29.698 tỷ đồng (đạt 71,77% kế hoạch năm, tăng 3,86% so với cùng kỳ năm 2022).
Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 175.887,1 tấn, đạt 83,76% kế hoạch năm, tăng 2,41% so cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra khá tốt, lượng khách du lịch từ các tỉnh đến Bình Thuận vào tất cả các ngày trong tuần nhờ tận dụng cơ hội từ tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây được khánh thành.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 68.790,1 tỷ đồng, đạt 80,55% kế hoạch năm, tăng 29,78% so với cùng kỳ năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 653,8 triệu USD, đạt 67,13% kế hoạch năm, tăng 4,59% so với cùng kỳ năm 2022,
Ba trụ cột kinh tế của tỉnh duy trì được tăng trưởng, trong đó lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí tăng trưởng mạnh, đột phá và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh.
Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, một số dự án công nghiệp quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh được cấp có thẩm quyền chấp thuận (Kho cảng LNG Sơn Mỹ, KCN Sơn Mỹ 2). Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; số lượng gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm 2022…
Xác định giá đất quá chậm
Tại Hội nghị, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất đánh giá báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, thống nhất kết quả đạt được, và những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong 3 tháng cuối năm 2023.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là UBND tỉnh, UBND các cấp tập trung giải quyết các công việc còn tồn đọng, những vướng mắc để giải phóng nguồn lực, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách. Từ đó, thúc đẩy tiến độ giải ngân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu cần tập trung thực hiện kết quả các dự án: Đường 719B, đường Hàm Kiệm – Tiến Thành. Thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án: Cầu Văn Thánh, Kè sông Cà ty, Chung cư Cà Ty, Công viên sinh thái ngập nước; các dự án chỉnh trang nâng cấp đường giao thông, hạ tầng điện, nước, cầu, cống trên địa bàn TP Phan Thiết và các huyện, thị xã.
Tập trung xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất của các dự án đầu tư; trong đó ưu tiên tối đa khẩn trương xác định giá đất cụ thể của 2 Khu công nghiệp: Tân Đức, Sơn Mỹ 1… Đến nay, Khu công nghiệp Sơn Mỹ đã được khởi công, Khu công nghiệp Tân Đức, Khu Công nghiệp Sơn Mỹ 2 đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, với tiến độ xác định giá đất cụ thể hiện nay rất chậm thì khó có thể đưa các khu công nghiệp đã khởi công vào hoạt động và khó có thể khởi công các khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
“Hiện nay, chủ đầu tư các khu công nghiệp đã sẵn sàng tiền để thực hiện nghĩa vụ tài chính, vấn đề còn lại là tỉnh phải khẩn trương phải xác định giá đất cụ thể, quá trình đó cần chú ý bảo đảm cân đối, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, đây là bài toán khó nhưng tỉnh phải quyết tâm làm và phải khẩn trương”, ông Dương Văn An yêu cầu.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu cần chú ý các dự án phát triển văn hóa – xã hội, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Theo đó, tập trung triển khai các dự án đầu tư nâng cấp các bệnh viện, trường học, thiết chế văn hóa và trang thiết bị phục vụ, như: trang thiết bị y tế, trang thiết bị văn hóa, kể cả phương tiện, trang thiết bị thu gom rác thải, sinh hoạt ở khu dân cư.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hiện nay, các dự án của chúng ta quá chậm, ì ạch, thủ tục kéo dài; tiến độ giải ngân thấp, không đạt yêu cầu; do đó, cần phải tập trung giải quyết các tồn đọng, các khó khăn vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án; trong đó bao gồm các dự án đầu tư công, các dự án đầu tư ngoài ngân sách.
Ông Dương Văn An cũng yêu cầu rà soát, tính toán các công trình, dự án, trang thiết bị cần đầu tư, lập bổ sung kế hoạch đầu tư công khoa học, hợp lý, phù hợp với nguồn ngân sách tỉnh.
“Hiện nay, tỉnh đã thu ngân sách tốt hơn, có nhiều nguồn thu và kinh phí dồi dào hơn so với giai đoạn trước đây. Cần phải mạnh mẽ chi đầu tư phát triển, thống nhất quan điểm tăng chi cho đầu tư phát triển chính là tạo ra động lực phát triển mới, tỉnh sẽ gặt hái được kết quả sau khi các công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Chi cho đầu tư phát triển không phải chỉ tập trung vào chi đầu tư phát triển kinh tế thuần túy mà phải chú ý chi cho lĩnh vực văn hóa – xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, phải bảo đảm hài hòa, thực hiện theo đúng chủ trương của Trung ương đó là đầu tư cho văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế - xã hội.
Do vậy phải phấn đấu nguồn chi đầu tư phát triển ở tỷ lệ cao nhất và phù hợp với điều kiện nguồn ngân sách tỉnh ngày càng thu được nhiều hơn”, ông An lưu ý.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Bình Thuận cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát lại các văn bản chỉ đạo, các quy định không còn phù hợp, đã trở nên lạc hậu hoặc các văn bản quy định tạo thêm các thủ tục hành chính một cách không cần thiết để thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách khoa học, hiệu quả, giảm bớt thời gian, tạo cơ chế thông thoáng trong thực hiện thủ tục hành chính cũng như giảm phiền hà, bức xúc của người dân…