Bí thư Nguyễn Văn Nên: TP.HCM lên nhiều chiến lược hồi phục kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 17-9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã có buổi gặp gỡ lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học về các giải pháp để hồi phục kinh tế khi xem xét mở cửa hoạt động trở lại. Theo các chuyên gia, mở cửa nền kinh tế trở lại là việc phải làm vì ngưỡng chịu đựng của người dân và cả nền kinh tế đã đến hạn.

Bối cảnh thay đổi, cần tính lại khung pháp lý cho phù hợp

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng TP cần tiếp tục trận chiến chống dịch COVID-19 bằng cách tiếp cận mới, là không thể truy vết hết F0 mà cần phải thay đổi để làm sao sử dụng nguồn lực hữu hạn còn lại một cách hiệu quả nhất . Theo TS Lịch, mới đây, Bộ Y tế đưa ra các tiêu chí để mở cửa trở lại kinh tế nhưng có một số tiêu chí sẽ trở thành “vòng kim cô” cho quá trình mở cửa trở lại TP nếu không kiến nghị thay đổi.

“Nếu dựa trên các tiêu chí của Bộ Y tế đưa ra và TP mở cửa thì sẽ rất khó khăn sau đó. Bởi nếu vừa mở ra rồi lại phải đóng lại thì doanh nghiệp (DN) sẽ “chết hết”. Do đó, cùng với việc mở cửa lại kinh tế, TP cần tập trung cho các cơ sở y tế để làm sao phát hiện, giúp người dân tự điều trị, giảm áp lực cho các bệnh viện. Với cộng đồng DN, hộ kinh doanh của TP, điều quan trọng nhất là lộ trình dứt khoát mở cửa với tiêu chí an toàn phù hợp để DN khôi phục được” - TS Trần Du Lịch góp ý.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học luôn đồng hành với TP.HCM trong công cuộc chống dịch. Ảnh: VIỆT HOA

Đồng quan điểm, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng bối cảnh bây giờ đã khác, độ phủ vaccine ở TP.HCM đã đạt hơn 91% mũi 1, hơn 25% mũi 2. Trong khi đó, cách thức chống dịch lâu nay vốn được thiết kế cho năm 2020, lúc đó chưa có vaccine, chưa có sự hiểu biết đầy đủ về dịch bệnh. “Bối cảnh đã thay đổi, nếu dùng cách thức cũ với khung pháp lý cũ thì hoàn toàn bất cập. Vì vậy, cần phải có đánh giá cơ bản về quy định trong y tế để tháo gỡ những bất cập” - TS Tự Anh phân tích.

Về việc mở hay không mở nền kinh tế, TS Tự Anh nhấn mạnh không thể không mở. Bởi TS Tự Anh cho rằng nhìn vào bài toán y tế thì quan trọng nhất là chi phí. Nếu áp dụng chính sách xét nghiệm trên diện rộng trong toàn dân thì lợi ích không bao nhiêu nhưng chi phí lại rất cao.

TS Tự Anh tính toán nếu vẫn giãn cách chống dịch như hiện nay thì sẽ mất khoảng 6 tỉ đô la, tương đương với 2% GDP cả nước. “Mới chỉ là mất trong năm nay và sẽ còn mất dài dài nếu không thay đổi phương thức chống dịch” - TS Tự Anh nói.

TS Tự Anh cho rằng ngân sách trung ương và TP cũng đang hạn chế nên nếu kéo dài thêm nữa thì sẽ vô cùng khó khăn. Trong khi đó, ngoài bệnh nhân COVID-19 thì còn rất nhiều bệnh nhân khác phải cứu, tất cả đều bị tổn thương và ông cho rằng chi phí này là không thể tính được. “Từ DN, người dân, ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương cũng như tinh thần, tâm lý của người dân là chi phí quá lớn, chúng ta không thể không mở cửa trở lại” - TS Tự Anh nói.

Tuy nhiên, TS Anh cho rằng khi mở cửa, TP phải đo lường được các diễn biến của dịch bệnh, phải có công tác dự phòng, quản lý rủi ro cho các tình huống. Điều kiện để mở cửa là phải phủ vaccine, bảo vệ người cao tuổi, bệnh nền và sắp tới là mở rộng ra cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Ngưỡng chịu đựng đã đến hạn

Trân trọng cám ơn các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết TP ghi nhận những giải pháp mà các chuyên gia, nhà khoa học để bổ sung vào các chiến lược chống dịch và chuyển sang giai đoạn bình thường mới.

Nhìn nhận lại suốt mấy tháng qua, Bí thư Thành ủy chia sẻ TP rất mừng vì điều kiện phòng chống dịch đến thời điểm này đã tương đối đảm bảo. Vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, giờ cứ có F0 là có túi thuốc đi theo, trường hợp khó khăn thì có thêm túi an sinh. Cùng với đó, tỉ lệ phủ vaccine đã có ở mức cao. “Nhận thức của người dân giờ cũng tốt lắm, người dân đã chấp hành, ủng hộ, đoàn kết, chấp nhận đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng để cùng chính quyền TP vượt qua khó khăn” - Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá. Về điều kiện tiếp cận y tế, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng đến thời điểm này cũng có thể yên tâm.

Ông đồng tình với nhận định của các chuyên gia về việc ngưỡng chịu đựng của người đến hạn, sức chịu đựng của các DN, của nền kinh tế cũng đã tổn thương nhiều rồi nên phải mở cửa. Bí thư Thành ủy cũng thống nhất với các chuyên gia về việc cần có độ giãn cách phù hợp. Từng bước phải mở cửa, đảm bảo độ an toàn và có phương án quản lý rủi ro.

Theo ông Nên, TP đã chuẩn bị 13-14 chiến lược để chuyển sang giai đoạn mới bình thường mới. Đó là sống trong môi trường có COVID-19 để chuẩn bị tâm thế, thói quen, chuẩn bị tinh thần và những điều kiện cần thiết để ứng phó phù hợp. Đặc biệt, trong các chiến lược thì nhiều nhất là các chiến lược về y tế. Theo đó, TP sẽ củng cố lại hệ thống y tế cơ sở là các trạm y tế, trung tâm y tế cộng đồng vì hiện nay hệ thống này đang có vấn đề và chưa đáp ứng đủ năng lực phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, chiến lược về kinh tế - xã hội, an sinh cũng đang được TP chuẩn bị để đảm bảo cho người dân ổn định sau nhiều tháng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

“Trong tình hình hiện nay, TP lạc quan nhưng không dám chủ quan, tuyệt đối phải chặt chẽ, đảm bảo độ an toàn khi mở cửa. Rất mong các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, cùng nhau chung sức đồng lòng, khôi phục từng bước kinh tế của TP” - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Cần nhanh chóng cứu doanh nghiệp

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, TP phải nhanh chóng cứu DN vì nếu cứu không kịp thì họ sẽ “chết hết” và rất khó nói chuyện hồi phục. Họ đã trải qua một giai đoạn khốn khó, nếu không mở cửa thì sẽ mất một lượng DN rất lớn mà rất nhiều năm TP mới xây dựng được.

Về phía người dân, tốc độ nghèo đã tăng lên 34% trong thời gian qua và TS Tự Anh ước tính sẽ còn tăng nữa vì chủ yếu là người lao động tự do, khả năng tiết kiệm là rất thấp, suốt ba tháng qua người dân cũng đã kiệt quệ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm