Bí thư TP.HCM: '1 người coi thường, cả phường phải cách ly'

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, sáng 14-6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho rằng mặc dù TP đã dồn hết sức thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch, tập trung mọi nguồn lực với quyết tâm cao nhất, nhưng đến nay vẫn còn nhiều điều đáng lo, đáng ngại.

Trong đó, đáng chú ý là số người thuộc diện F1, F2 phải cách ly ngày càng lớn, trong khi ngoài xã hội không biết bao nhiêu người âm thầm mang mầm bệnh chưa phát hiện được. Số người bệnh rất nặng cũng đang tăng dần.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: TTBC

Cũng theo ông Nên, nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng chưa xác định được nguồn lây và một số chuỗi vừa mới phát hiện chưa kịp truy vết.

Nhiều trường hợp phát hiện khi bộc phát, nhiều khả năng chưa có triệu chứng, âm thầm lây nhiễm rất khó đoán định. Trong khi tầm soát không thể phát hiện trong giai đoạn ủ bệnh.

Đặc biệt, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng ngày càng xuất hiện những ca nhiễm bất ngờ, một số trường hợp do chủ quan, lơ là và mất cảnh giác gây ra.

“Từ một người bán nước giải khát nhiễm bệnh đã lây lan cho rất nhiều người, chuỗi lây nhiễm. Hay từ một nhân viên hành chính ở một bệnh viện đã gây nguy hiểm cho một thành trì, đơn vị có thành tích tiêu biểu ở tuyến đầu chống dịch. Hay là một tiệc nhậu đã gây hậu quả đến nhiều gia đình và lan lan đến cả vùng” – ông Nên nói và cho rằng còn “nhiều chuyện nữa nhưng không thể kể hết” mà báo chí đã đưa tin.

Theo ông Nên, tình hình trên đặt cho TP.HCM một thử thách rất lớn, đó là biện pháp nào để kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời phục hồi sản xuất để thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép.

Do vậy, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cơ bản thống nhất với đề xuất: vừa nới giãn cách vừa tăng cường các hoạt động phòng chống dịch có hiệu quả hơn nữa. Ông cũng thống nhất với các giải pháp mà Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đưa ra.

“Chúng ta cần thiết phải tiếp tục kéo dài giãn cách toàn TP.HCM một thời gian nữa, tương ứng với chu kỳ lây nhiễm của chủng biến thể mới, để có đủ thời gian và điều kiện yên tâm quyết định các vấn đề” - ông Nên nói.

Đối với những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, dự liệu những tiềm ẩn khó đoán định không thể kiểm soát được, Bí thư Thành ủy đề nghị áp dụng một số biện pháp cao hơn. Còn nơi nào đảm bảo an toàn cao, kiểm soát được, chủ động các biện pháp phòng ngừa căn bản thì có thể thực hiện Chỉ thị 19.

Trong thời gian tới, ông Nên đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP phối hợp với Viện Pasteur hỗ trợ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới xét nghiệm lại một lần nữa nhân viên y tế, đảm bảo chặn sớm điểm lây nhiễm này để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, vì đây là mục tiêu đặc biệt cần được bảo vệ.

Chủ tịch UBND TP, Bí thư TP Thủ Đức và các quận huyện, người đứng đầu các cấp các ngành phải tăng cường kiểm tra, xem xét, xử lý những người phớt lờ quy định chống dịch, để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, xử lý nghiêm người không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực.

Ông cũng đề nghị từng người, từng nhà, từng cơ quan, đơn vị địa phương phải tăng cường tự quản theo chỉ đạo của Thủ tướng, bởi vì “cứ 1 người lơ là cả nhà chịu khổ, 1 người chủ quan cả làng phải vất vả và 1 người coi thường cả phường phải cách ly”.

Về vấn đề vaccine phòng dịch COVID-19, ông Nên đề nghị cần công khai lộ trình vaccine để người dân được biết, bàn, tham gia thực hiện và kiểm tra, giám sát. “Ban chỉ đạo quốc gia, Chính phủ và Bộ Y tế đã công khai mở cơ chế thuận lợi nhất cho các địa phương chủ động tiếp cận vaccine” – ông Nên nói.

Ông cũng đề nghị TP.HCM phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành trong quá trình chống dịch.

 

Cụm lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là chuỗi mới bùng phát, được phát hiện từ ngày 11-6 khi một nhân viên phòng công nghệ thông tin được xét nghiệm vì có triệu chứng nghi ngờ.

Sau đó, bệnh viện đã khẩn trương sàng lọc, truy vết thần tốc, cách ly, lấy mẫu tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện. Đến nay, 55 nhân viên đã có kết quả dương tính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm