Chiều 10-12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Thành ủy TP.HCM, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: TÁ LÂM
Báo chí là lực lượng tuyến đầu chống dịch
Sau khi lắng nghe lãnh đạo các cơ quan báo chí chia sẻ những câu chuyện tuyên truyền trong đại dịch COVID-19, phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã cảm ơn đến lực lượng báo chí cả nước đã có mặt suốt những ngày tháng cam go ấy.
“Báo chí vừa là lực lượng tuyến đầu, vừa đảm bảo được sứ mệnh của mình – đó là truyền thông kịp thời, chính xác phục vụ nhân dân, phục vụ công tác phòng chống dịch” – ông Nên nói.
Theo ông Nên, lực lượng báo chí đã lăn xã ra tuyến đầu, không ngại nguy hiểm, gian khổ và khó khăn để kịp thời ghi nhận, truyền tin, đưa những hình ảnh trung thực, sống động từ tuyến đầu chống dịch đến người dân.
“Nhiệm vụ chuyên môn của báo chí có điểm đặc thù, vừa ra trận lăn xả tuyến đầu, vừa đeo bám trận địa mới có thể thông tin chính xác. Rồi phải làm nhiệm vụ chọn lựa, lọc tin nên sơ suất là khó tránh khỏi. Nhắc vậy là để nỗ lực với nhau để vượt qua chứ không cần phê bình” – ông Nên nói.
Báo chí làm lan tỏa những tấm gương điển hình
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cho biết thời gian qua, cùng với báo chí cả nước, các cơ quan báo chí TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã tuyên truyền sâu sắc, nổi bật về các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của địa phương.
Đặc biệt, đã tham gia chủ động, tích cực và thực sự là lực lượng tuyến đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi gặp. Ảnh: TÁ LÂM
Theo ông Nghĩa, báo chí còn làm lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến, những mô hình hay. Song cũng thẳng thắn phản biện, nêu ra những điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội.
Báo chí cũng tích cực có các tuyến bài viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù dịch, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng chỉ ra một số hạn chế và thiếu sót như vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí không chấp hành nghiêm chỉ đạo, định hướng thông tin. Có hiện tượng một số cơ quan báo chí, trong đó chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, lợi dụng danh nghĩa báo chỉ để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan và doanh nghiệp, địa phương, vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí...
Chính vì vậy, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng đó tuyên truyền về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố... bằng nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn giúp người đọc, người xem dễ tiếp cận, dễ tiếp thu và có thể thực hiện ngay.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao đổi với các đại biểu tại buổi gặp. Ảnh: TÁ LÂN
Hãy để báo chí tham gia nhiều hơn vào xây dựng chính sách
Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng đã bày tỏ mong muốn sự quan tâm của Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TP.HCM, cũng như tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động báo chí.
Ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng, cho rằng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, mong muốn lớn nhất của một nhà báo, cơ quan báo chí là có được thông tin chính xác, kịp thời.
Theo ông Phong, trong thời gian đợt dịch lần thứ tư vừa qua, TP.HCM tổ chức họp báo hàng ngày và họp đột xuất khi cần để cung cấp thông tin chính xác nhất, kịp thời cho các cơ quan báo chí. Nhờ vậy thông tin chính thống đã đến với người dân sớm nhất, từ đó làm cho người dân an tâm và tin tưởng.
Để đưa thông tin kịp thời nhất đến với người dân, ông Phong cho biết những người làm báo sẵn sàng hy sinh. “Đã có hàng chục nhà báo trở thành F0, có người đã ra đi trong những ngày căng thẳng nhất của đại dịch, nhưng từng nhà báo, cơ quan báo chí không kêu ca, cùng động viên nhau thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình” – ông Phong nói.
Tổng Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng cũng cho rằng có vài nhà báo vì nhiều lý do khác nhau đã mưu lợi bản thân, nhưng đại bộ phận những người làm báo đều không phải vậy.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng hãy để cho báo chí tham gia nhiều hơn vào qui trình xây dựng chính sách. “Phải để báo chí phản biện trước chứ không phải ban hành chính sách ra rồi mới phản biện” – ông Tự Do nói.
Ngoài ra, ông Tự Do cho rằng cần xây dựng cơ chế đặt hàng cho cơ quan báo chí và cơ chế thu phí báo điện tử.
(PLO)- Loạt bài “Bẻ gãy luận điệu của Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc về công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 về biển Đông” của tác giả Đỗ Văn Thiện đã đoạt giải nhất.