Bí thư TP.HCM: Giãn cách nghiêm ở nơi có dịch, vùng lân cận
Sáng 27-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức cuộc họp khẩn, sau khi phát hiện 25 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng (quận Gò Vấp).
Video: Giãn cách nghiêm ở nơi có dịch, vùng lân cận
Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 điểm cầu ở UBND TP.HCM. Ảnh: TTBC
Cần phải có biện pháp tương xứng
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho rằng ổ dịch tại Hội thánh truyền giáo Phục hưng là ổ dịch lớn, bùng phát nhanh, lây lan rộng nên cần có biện pháp tương xứng.
“Đến giờ này chúng ta chưa nắm chắc được nguồn lây đến đâu và hiện đang truy vết, thì tương xứng ở đây là có thể khoanh vùng truy vết rộng hơn, sau đó thu hẹp dần quy mô” – ông Nên nói và cho rằng cần tính toán chứ không thể làm như cách trước đây là xuất hiện dịch ở đâu khoanh vùng đến đó. Bởi theo ông, có những điểm không lường trước được.
Vì chưa truy được nguồn lây đi tới đâu, nên Bí thư Thành ủy đề nghị trước mắt kêu gọi người dân TP.HCM hãy bình tĩnh, cảnh giác cao độ, không hoảng hốt để sẵn sàng hỗ trợ, tham gia với lực lượng phòng chống dịch với ý thức trách nhiệm cao nhất, nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.
Ông cũng đề nghị thực hiện nghiêm quy định giãn cách ở những nơi có dịch và vùng lân cận. “Mở rộng hơn cái chúng ta đang nắm, rồi chúng ta xét nghiệm nhanh, khi đủ cơ sở thì thu hẹp lại” – ông Nên nói.
Ngoài ra, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị TP.HCM đặt nhiệm vụ chống dịch lên trên hết và trước hết.
Tính toán giãn cách xã hội ở những khu vực có nguy cơ cao
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24, đảm bảo thông tin thông suốt giữa các cấp, sẵn sàng tình huống phát sinh theo phương châm 5 tại chỗ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC
Đối với ngành y tế, người đứng đầu chính quyền TP.HCM đề nghị ngành y tế xác định nguồn lây nhiễm, không để mất dấu. Siết chặt hoạt động cơ sở tôn giáo, chung cư, nhà cao tầng. Mỗi ngày phải xác định người đã đến để phối hợp với ngành y tế truy vết khi có yêu cầu.
Về vấn đề giãn cách xã hội, ông Nguyễn Thành Phong giao Sở Y tế TP.HCM tham mưu quyết định phạm vi và thời gian thực hiện ở những khu vực có nguy cơ cao như nơi ở, nơi làm việc của các ca F0. Bởi theo ông, khả năng đợt dịch này kéo dài hơn các đợt trước và không loại trừ F0 còn ở cộng đồng vì chuỗi lây nhiễm ở hẻm 257 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) và ở điểm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục hưng vẫn chưa tìm được nguồn lây.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, trong thời gian chờ xét nghiệm ca nghi nhiễm ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đã phát hiện thêm 2 trường hợp nghi nhiễm.
Cả ba trường hợp nghi nhiễm này đều sinh hoạt tại Hội thánh truyền giáo Phục hưng.
Theo ông Dũng, trong danh sách đăng ký sinh hoạt có 24 người, trong đó có bốn người ở cùng một gia đình ở Gò Vấp. Tuy nhiên, số lượng người tham gia sinh hoạt có thể nhiều hơn. “Bởi vì có thành viên đăng ký đưa thêm người trong gia đình đi sinh hoạt” – ông Dũng nói.
Từ ba ca nghi nhiễm đó, lực lượng chức năng đã triển khai truy vết ngay trong đêm trên địa bàn 8 quận, huyện có thành viên nhóm này. Từ hơn 120 mẫu xét nghiệm đã phát hiện 25 trường hợp nghi nhiễm ở 6 quận huyện.
“Mức độ lây nhiễm của chuỗi lây nhiễm này rất cao, có khả năng mầm bệnh đã xuất hiện trước đây, có khả năng lây lan trong cộng đồng” – ông Dũng nói.
Qua truy vết, cơ quan chức năng đã phát hiện 25 ca nghi nhiễm; 16 quận, huyện có F0, F1 liên quan điểm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục hưng ở quận Gò Vấp.