"Chúng tôi tái khẳng định cam kết của chúng tôi về việc giữ gìn và thúc đẩy hoà bình, ổn định trong khu vực, giải quyết các tranh chấp trong hoà bình bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các thủ tục pháp lý và ngoại giao mà không cần phải dùng đến vũ lực theo đúng luật pháp được quốc tế công nhận như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)", một đoạn trong Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN về tranh chấp biển Đông cho biết.
Các Ngoại trưởng ASEAN tại lễ khai mạc Hội nghị hôm 31-7. Ảnh: REUTERS
Theo đó, ASEAN khẳng định việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, tự do không phận ở biển Đông là rất quan trọng. Khối này cũng nhấn mạnh cần thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) 2002 và xúc tiến quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển với Trung Quốc trong thời gian sớm nhất.
"Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề ở biển Đông và một số Ngoại trưởng bày tỏ lo ngại về các hoạt động cải tạo và quân sự hoá các thực thể nhân tạo trong khu vực. Các hành vi này đã làm suy giảm niềm tin, gia tăng xung đột và ảnh hưởng đến hoà binh và ổn định của vùng biển này (...) Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và kiềm chế trong hành động của tất cả các bên có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, bao gồm những nước được nhắc đến trong DOC 2002", các Ngoại trưởng ASEAN khẳng định.
Bên cạnh vấn đề tranh chấp chủ quyền, các Ngoại trưởng cũng quan tâm đến tình hình an ninh hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. ASEAN kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại nhằm đạt được hoà bình lâu dài ở đây. Khối này cũng khẳng định sẽ chấp hành tất cả các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các nỗ lực quốc tế để quá trình phi hạt nhân hoá diễn ra hoàn thiện và kiểm chứng được và không thể đảo ngược.