BẾ MẠC, HỌP BÁO VỀ KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Biển Đông: ‘Quốc hội sẽ phản ứng khi cần thiết’

Kỳ họp giữa năm của Quốc hội (QH) đã bế mạc hôm qua (26-6) sau khi hoàn thành chương trình tập trung vào xây dựng pháp luật. Trong hơn 30 ngày làm việc, QH đã xem xét, thông qua 11 dự án luật, trong đó phần lớn là các luật tổ chức, như Luật Tổ chức Chính phủ (CP) sửa đổi, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Mặt trận Tổ quốc VN (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND. QH cũng đã thảo luận, cho ý kiến với 15 dự án luật, trong đó có những dự luật quan trọng như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), các luật liên quan đến hoạt động tư pháp như Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Tổ chức điều tra hình sự. Đáng chú ý, liên quan trực tiếp tới các luật này, QH cũng thảo luận và ra nghị quyết về phòng, chống oan, sai và bồi thường cho người bị thiệt hại trong tố tụng hình sự.

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc (phải) và Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng tại cuộc họp báo. Ảnh: TTXVN

Họp báo công bố kết quả kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh các luật đã được thông qua và đang được thảo luận đều có một điểm chung là chú trọng vào bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân - một tinh thần mới mà Hiến pháp 2013 mang lại. Ngoài ra, các luật tổ chức bộ máy nhà nước cũng giúp hoàn thiện một bước tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước. “Tôi ấn tượng nhất là lần đầu tiên luật đã xác định rõ vị trí, chức năng của CP là hoạch định chính sách. QH chỉ là nơi thẩm định và thông qua chính sách. Đây là chuẩn mực quốc tế căn bản để phân biệt hành pháp với lập pháp” - ông Dũng nói.

Điều còn khiến dư luận băn khoăn sau kỳ họp là tại sao QH chưa ra một quan điểm chính thức về việc Trung Quốc bồi lấp, tôn tạo, xây dựng các công trình lớn trên biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng QH, cũng là người phát ngôn của QH - nhắc lại rằng QH đã bổ sung vào chương trình một buổi làm việc để CP báo cáo riêng tình hình biển Đông. “Về vấn đề đang diễn ra, vừa rồi người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nêu rõ lập trường của Việt Nam, khẳng định những việc Trung Quốc làm không thể thay đổi chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa cũng như trên biển Đông. Tôi tán thành tuyên bố ấy. Còn QH sẽ tiếp tục theo dõi, có phản ứng thích hợp khi thấy cần thiết” - ông Phúc giải thích.

Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon trong chuyến thăm Việt Nam đã tới dự phiên họp toàn thể của QH. Nhiều thiếu niên, nhi đồng dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc cũng ghé thăm chào các đại biểu QH. Vậy tới đây, với hội trường Ba Đình mới, QH có mở cửa đón người dân tham quan? Ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định QH là của nhân dân, nên cần mở cửa để người dân tham quan. Hiện Văn phòng QH đang xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn dang dở, trong đó có bảo tàng QH dưới tầng hầm. Khi đó, người dân sẽ có thể vào thăm, thậm chí dự thính, quan sát trực tiếp QH họp, làm việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm