KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Biển Đông vào nghị trình Quốc hội

Hôm nay (21-10), Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV khai mạc. Báo Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, liên quan đến các điểm nóng mà cử tri, người dân quan tâm, dự kiến sẽ đưa vào nghị trình lần này.

Cử tri quan tâm nhiều đến biển Đông

. Phóng viên:Thưa ông, tuần này Quốc hội khai mạc kỳ họp thường niên cuối năm với nghị trình dày đặc. Vào lúc này, ngoài biển Đông, Trung Quốc đang tiếp tục tháng thứ ba những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế được quy định rõ trong Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc. Là nhà quan sát, theo ông liệu vấn đề này có được đưa vào kỳ họp Quốc hội?

+ TS Nguyễn Sĩ Dũng: Như báo chí đưa tin, trong kỳ họp này, tầm cuối tháng 10, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019 và nếu cần thiết Quốc hội sẽ họp riêng. Nội dung này dường như có liên quan tới Hội nghị Trung ương 11 vừa rồi, ở ngày cuối cùng, hôm 12-10, Ban chấp hành Trung ương dành buổi sáng để nghe báo cáo một số tình hình về công tác đối ngoại nổi bật thời gian gần đây. Và trong nội dung đối ngoại ấy, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập trong trách nhiệm đại biểu Quốc hội của mình khi báo cáo cử tri là có bàn kỹ vấn đề biển Đông.

TS Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh: NGHĨA NHÂN 

Theo dõi các kỳ họp Quốc hội gần đây, lần nào ta cũng thấy không ít thì nhiều, đại biểu đề cập vấn đề biển Đông. Nay đưa vấn đề ấy vào nghị trình Quốc hội tức là xác nhận đó là vấn đề mang tầm quốc gia. Nghị trình ấy vừa phản ánh vừa đáp ứng những mối quan tâm nhất của cử tri.

. Vâng, theo dự thảo chương trình kỳ họp thì ngày 29-10, Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019 và nếu cần thiết Quốc hội sẽ họp riêng. Nhưng đây chỉ là nghe báo cáo và họp kín…

+ Tôi hiểu là bạn muốn hỏi về khả năng tiếp theo, chẳng hạn Quốc hội có ra nghị quyết không. Việc này, về lý thuyết có thể được bổ sung vào nghị trình. Nếu có sức ép nào đó từ cử tri thì đại biểu có thể góp ý cho dự thảo chương trình. Lúc ấy, chức năng đại diện có tác động trên nghị trình.

Bất cứ vấn đề nào của quốc gia mà không đưa vào nghị trình của Quốc hội thì không bao giờ được xử lý cả.

Đầu tiên vẫn phải từ báo cáo của Chính phủ. Quốc hội nghe rồi, có thể có động tác tiếp theo hoặc không. Chẳng hạn, qua báo cáo mà đại biểu thấy Chính phủ xử lý vấn đề đó ổn, hoặc cần thêm thời gian đánh giá thì Quốc hội sẽ chưa phản ứng gì cả. Còn nếu thấy chưa ổn, chưa giải quyết được vấn đề thì Quốc hội sẽ đưa ra thảo luận, thậm chí ra nghị quyết với yêu cầu cụ thể. Quốc hội các nước đều vận hành như vậy.

Còn chuyện Quốc hội họp kín, họp riêng là bình thường. Vấn đề an ninh, quốc phòng không phải cái gì cũng công khai hết được. Nhưng đại biểu khi có đủ thông tin, bằng cách nào đó họ sẽ chuyển tải tới cử tri.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng nay (21-10) với chương trình dự kiến như các kỳ họp thường niên cuối năm.Ảnh: TTXVN

Xử lý các vấn đề liên quan đến nhân sự

. Vào lúc này, cả hệ thống chính trị đang tập trung công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp. Liệu việc đó tác động thế nào vào nghị trình Quốc hội?

+ Việc chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, nhất là đại hội đảng toàn quốc cũng chính là chuẩn bị các quyết sách lớn cho năm năm tiếp theo, thậm chí tầm nhìn 10-20 năm. Như thế, các đại biểu mà hầu hết là đảng viên sẽ rất quan tâm.

Tuy nhiên, những quyết sách đó đang trong quá trình dự thảo bên Đảng, cũng chưa công bố rộng rãi nên kỳ họp này chắc sẽ chưa có phản ứng nào từ phía đại biểu. Và như thế cũng khó tác động nào có giá trị chính sách từ đại biểu.

Nghị trình của Quốc hội thông thường gồm hai phần. Đầu tiên là chương trình của Chính phủ, tập trung phản ánh ưu tiên của quốc gia trong đó. Qua điều hành, Chính phủ thấy vấn đề, giải pháp chính sách mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chính phủ trình để Quốc hội phê chuẩn. Đó có thể là chính sách lập pháp như sửa đổi, ban hành mới luật, hoặc đơn giản như báo cáo khả thi xây dựng sân bay Long Thành.

Ngoài chương trình Chính phủ thì Quốc hội còn có chương trình của mình, gắn với công việc của các đại biểu Quốc hội. Đại biểu có thể tác động lên nghị trình Quốc hội bằng kiến nghị, chẳng hạn sáng kiến pháp luật, hay nghị quyết nhắc nhở Chính phủ việc gì đó. 

Nhưng có thể công tác chuẩn bị đại hội ở đơn vị, tổ chức của mình sẽ tác động một phần lên sự tập trung của đại biểu. Con người ta dễ phân tâm, nhất là trước những vấn đề sát sườn của đại hội như nhân sự, bộ máy còn nhiều ngổn ngang.

. Kỳ họp này sẽ có một phần nhỏ cho công tác nhân sự… Nó phản ánh đặc thù gì ở ta khi các chức danh theo nhiệm kỳ Quốc hội lại không thể theo đuổi hết năm năm của mình?

+ Khi thiết lập chế độ bầu cử, cử tri cũng như đại biểu luôn mong muốn người được bầu sẽ có thể làm trọn cả nhiệm kỳ của mình, trừ tình huống bất khả kháng hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đây cũng là yêu cầu chung về ổn định tổ chức, bộ máy, nhân sự.

Nhưng ở ta, công tác cán bộ là công tác của Đảng, cho nên không tránh khỏi tình huống như Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định được điều động đi làm bí thư Khánh Hòa. Và như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, chức danh do Quốc hội phê chuẩn, phải nghỉ quản lý khi chưa hết nhiệm kỳ nhưng hết tuổi theo quy định của Đảng với nhân sự không phải là ủy viên Trung ương…

. Xin cám ơn ông.

Quốc hội làm gì trong năm tuần của kỳ họp?

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng nay (21-10) với chương trình dự kiến như các kỳ họp thường niên cuối năm.

Theo đó, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo và thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện ngân sách năm 2019 và kế hoạch năm 2020; nghe và thảo luận các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao về công tác tư pháp, thi hành án, phòng ngừa tội phạm và tất nhiên cả một báo cáo riêng cuối năm về công tác phòng chống tham nhũng.

Quốc hội cũng xem xét, quyết định một số vấn đề kinh tế dân sinh cụ thể vượt thẩm quyền của Chính phủ, như đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư của quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015; việc miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước. Cùng đó là việc xử lý tiền nợ thuế với người không còn khả năng nộp thuế; chủ trương đầu tư hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận; thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường ở Hà Nội… Dự án lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành dù được Quốc hội thông qua chủ trương rồi thì đến công đoạn nghiên cứu khả thi này cũng được đưa ra Quốc hội cho ý kiến.

Trong mảng công tác lập pháp, kỳ họp này Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu, hoặc xem xét thông qua việc sửa đổi một loạt Luật Chứng khoán; Bộ luật Lao động; Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức; Luật Xuất, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Dân quân tự vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Xây dựng; Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp… Một số luật mới cũng được đưa ra xem xét như Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật Thư viện…

Trong mảng công tác giám sát, kỳ họp này Quốc hội thảo luận báo cáo giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật trong phòng cháy, chữa cháy.

Các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp, đầu mối tổng hợp là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng như chất vấn - trả lời chất vấn cũng là nội dung của những kỳ họp Quốc hội như thế này.

Đáng chú ý, kỳ họp này Quốc hội có phần nội dung nhân sự và nghe báo cáo công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm