‘Với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì không thể nhân nhượng’
Trong ngày 15-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có các cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng trước kỳ họp 8 của QH khóa XIV.
Không thể nhân nhượng, đủ sức bảo vệ chủ quyền
Sáng 15-10, tại Hà Nội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các ĐBQH Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ. Tại đây, các cử tri quan tâm đặc biệt đến tình hình của đất nước, đặc biệt là tình hình biển Đông.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thông tin Hội nghị Trung ương 11, khóa 12 vừa qua đã dành riêng một buổi để nghe báo cáo, thảo luận về vấn đề đối ngoại. Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, vấn đề trên biển cần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời kiên trì đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
“Thái độ của Đảng ta tuyên bố dứt khoát, trong những ngày này ta rất kiên quyết nhưng khôn khéo” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói và nhấn mạnh “Những gì liên quan đến độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì không thể nhân nhượng”.
Cũng trong sáng 15-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp xúc với cử tri quận 5, TP.HCM. Tại đây, cử tri đặc biệt quan tâm đến vụ những ngày qua nhóm tàu Địa chất hải dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam biển Đông.
Thông tin tới cử tri, ông Nhân cho biết chúng ta tổ chức nhiều tọa đàm về biển đảo, qua đó nói lên được tính chính nghĩa của mình. “Dù bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta phải duy trì đối thoại với các nước láng giềng, đấu tranh qua đường đối thoại ngoại giao. Nhưng chúng ta vẫn sẵn sàng, tới lúc cần thì sử dụng con đường pháp luật. Chúng ta có sẵn phương án để bảo vệ Tổ quốc” - ông Nhân nói. Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, không nên để xung đột quân sự xảy ra. “Nhưng nếu xảy ra, chúng ta đủ sức để bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Chưa bao giờ lực lượng hải quân của chúng ta mạnh như bây giờ” - ông Nhân nhấn mạnh.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ. Ảnh: TTXVN
Tham nhũng: Cãi cũng không thoát
Tại Hà Nội, cử tri bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến cuộc chiến chống lại vấn nạn tham nhũng, quan tham lộng hành do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (cử tri quận Ba Đình) cho rằng sai phạm chủ yếu trong các cơ quan quản lý nhà nước nhưng việc phát hiện của các cơ quan này rất hạn chế. “Lẽ ra sai phạm trong quản lý nhà nước thì bên Nhà nước phải phát hiện ra và trình Bộ Chính trị, các cơ quan của Đảng để xử lý. Thế nhưng chúng ta đang làm ngược lại. Do đó phải chú trọng việc xây dựng được nhà nước pháp quyền để chống tham nhũng hiệu quả hơn” - ông Thước nói.
Thông tin với cử tri, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá mặc dù công cuộc phòng, chống tham nhũng đã đạt được một số kết quả nhưng đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp vì không phải đấu tranh với người khác, với bên ngoài mà với “chính chúng ta”, trong từng con người.
“Không phải chỉ Đảng làm mà phải luật pháp hóa, thể chế hóa, cả hệ thống chính trị, toàn dân làm mới thành công được” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đặc biệt, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho hay tại Hội nghị Trung ương vừa rồi đã tiếp tục thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn (hai cựu bộ trưởng Bộ TT&TT). “Lúc đầu (hai cựu bộ trưởng Bộ TT&TT) cũng cãi ghê lắm, có nhận lỗi đâu. Nhưng đây mới là xử lý kỷ luật trong Đảng, còn hành chính, hình sự vẫn tiếp tục làm” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Tại TP.HCM, trong cuộc tiếp xúc với cử tri các quận 1, 3 và 4, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cho hay cuộc chiến chống tham nhũng chưa bao giờ dừng lại, chưa bao giờ giảm nhiệt, chưa bao giờ bớt sự cương quyết, kiên quyết. “Nếu chúng ta cộng sổ từ đầu nhiệm kỳ đến giờ thì thấy chưa bao giờ có nhiều cán bộ bị kỷ luật đến vậy. Nhưng những người tham nhũng phải biết sợ vì bây giờ pháp luật ngày một chặt chẽ; thái độ của Đảng, Nhà nước trước nạn tham nhũng ngày một cương quyết” - ông Quang nói.
Cần có phương án xử lý hiệu quả về biển Đông Nêu ý kiến tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ QH ngày 15-10, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá khách quan tình hình thế giới và khu vực có tác động tới nước ta. Trong đó cần đánh giá, phân tích kỹ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc; tình hình an ninh - quốc phòng trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là vấn đề biển Đông. Ông Tỵ nói rằng tình hình biển Đông tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, sẽ có ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế-xã hội, an ninh trật tự trong nước và đối ngoại. Do đó cần có đánh giá kỹ lưỡng, chính xác nhằm có những phương án đối phó hiệu quả. |
Làm nghiêm sẽ có đội hình cán bộ tốt
Tại TP.HCM, cử tri cho rằng công tác nhân sự tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội đảng bộ các cấp ở TP.HCM là chuyện cực kỳ quan trọng. Nhiều cử tri đề nghị phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, bảo vệ người dám nghĩ dám làm, có chương trình hành động cụ thể giúp ích nước lợi nhà.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang khẳng định sẽ chọn được những người có đức, có tài và mong nhận góp ý của bà con một cách có trách nhiệm.ông khẳng định cả hệ thống chính trị đang chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng. “Chưa bao giờ công tác cán bộ được đặt ra nghiêm túc, bài bản như lúc này”- ông Quang nhấn mạnh.
Theo đó, hiện TP đang chuẩn bị văn kiện, tổng kết, đánh giá mặt mạnh, mặt yếu để từ đó có những định hướng phát triển tốt hơn trong thời gian tới. Đồng thời chuẩn bị một đội hình như mong muốn của tất cả bà con. Làm sao chọn được những người có đức, có tài và tuyệt đối không để tham gia vào bộ máy những người không đủ phẩm chất năng lực.
Tổng bí thư: Môi trường - vấn đề không của riêng Hà Nội Tại buổi tiếp xúc với cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói về vấn đề môi trường, kinh tế-xã hội của TP Hà Nội. “Tôi với tư cách là công dân Hà Nội, cũng có 10 năm về làm phó bí thư, bí thư Thành ủy Hà Nội (năm 1996-2006). Tôi chỉ xin kiến nghị với các đồng chí lãnh đạo Hà Nội hết sức quan tâm đến việc thiết thực, nhất là công việc của UBND” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói. Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, chưa bao giờ Hà Nội có cơ ngơi, phạm vi, quy mô lớn thế này. Tuy nhiên, khi dân số đông thì tính chất phức tạp cũng rất nhiều. Vì vậy, Hà Nội phải chú ý toàn diện, phát triển kinh tế là trung tâm nhưng phải quan tâm đến văn hóa. Bởi nói đến Hà Nội là phải nói đến văn hóa tốt, đạo đức phải tiêu biểu cho người thủ đô... “Tôi nhớ lúc mới về đây, việc đầu tiên là đi xuống xóm liều Thanh Nhàn, rồi bãi rác Nam Thành Công, rác Sóc Sơn. Lúc đó đang chủ trương vét sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, xây dựng một số trạm bơm… Nhưng mà đến bây giờ thì lại ô nhiễm môi trường” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhắc lại. Theo Tổng bí thư, cùng với phát triển thì vấn đề ô nhiễm môi trường là vấn đề tất yếu. Không chỉ Hà Nội mà các tỉnh, thành trong nước, các TP lớn trên thế giới cũng gặp vấn đề trên và điều này gần đây đã được quan tâm, cảnh báo rất nhiều... |