Biết gì về ‘pháo đài di động’ chở ông Kim từ Triều Tiên sang Nga?

(PLO)-  Đoàn tàu chở lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sang thăm Nga được ví như một “pháo đài di động”, được bọc thép và có những tiện nghi thượng hạng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-9, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA xác nhận lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chiều hôm 10-9 đã lên tàu rời thủ đô Bình Nhưỡng để thăm Nga. Đi cùng ông Kim có các quan chức cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên và quân đội Triều Tiên.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lại thông tin này từ KCNA và cho biết KCNA không tiết lộ liệu đoàn tàu của ông Kim đã qua biên giới Triều Tiên hay chưa.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên tàu công du Nga. Ảnh do KCNA đăng tải vào ngày 12-9. Ảnh: KCNA/YONHAP

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên tàu công du Nga. Ảnh do KCNA đăng tải vào ngày 12-9. Ảnh: KCNA/YONHAP

Trước đó, ngày 11-9, Điện Kremlin cũng cho biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chuẩn bị có chuyến thăm chính thức tới Nga "trong vài ngày tới" theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo hãng thông tấn TASS.

Tờ The New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ đề nghị giấu tên cho biết ông Kim có thể sẽ gặp ông Putin tại thành phố cảng Vladivostok (Nga), cách biên giới Triều Tiên hơn 482 km.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim sau 4 năm, kể từ khi Triều Tiên áp đặt lệnh hạn chế để ngăn COVID-19 lây lan.

Giống phần lớn các chuyến công du nước ngoài của ông Kim, lần này ông cũng sang Nga trên chuyến tàu được thiết kế đặc biệt.

Tàu bọc thép, nội thất sang trọng

Ở bên ngoài, đoàn tàu của ông Kim được sơn màu xanh lá cây và màu vàng, mái sơn trắng và cửa sổ tối màu. Quanh thân tàu có những dải thép mạ màu vàng nhằm chống lại các cuộc tấn công bằng bom, theo tờ The Wall Street Journal.

Tàu chở ông Kim Jong-un sang Nga gặp Tổng thống Vladimir Putin ở TP Vladivostok (Nga) vào năm 2019. Ảnh: AP

Tàu chở ông Kim Jong-un sang Nga gặp Tổng thống Vladimir Putin ở TP Vladivostok (Nga) vào năm 2019. Ảnh: AP

Trong toa tàu, một số hình chụp cho thấy nội thất màu trắng bóng, có bàn dài để họp và màn hình phẳng. Một số hình ảnh khác cho thấy trong một số toa tàu có ghế bành bọc da màu đỏ.

Một bài báo xuất bản năm 2009 của tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) dẫn thông tin từ các báo cáo tình báo cho biết đoàn tàu của ông Kim có tổng cộng 90 toa, trong khi tàu cao tốc Amtrak Acela tiêu chuẩn của Mỹ có 9 toa. Một số toa có thể được thiết kế để chở các phương tiện di chuyển khác.

Nhà ngoại giao Nga Georgy Toloraya từng đi cùng ông Kim Jong-il, thân sinh của ông Kim Jong-un, vào năm 2001 cho biết 2 chiếc Mercedes-Benz bọc thép đã được tàu chở trong chuyến đi đó.

Trước đây, chiếc xe cá nhân Mercedes-Benz của ông Kim cũng đã được chở theo trên tàu, theo The Wall Street Journal.

Theo các cựu quan chức Triều Tiên và truyền thông Hàn Quốc dựa trên thông tin được giải mật, 1 chiếc trực thăng cũng được mang theo để đề phòng trường hợp ông Kim cần một lối thoát hiểm nhanh chóng.

Tàu ông Kim di chuyển tối đa là 88 km/giờ trong khi vận tốc tối đa của tàu Mỹ Amtrak Acela là 241 km/giờ. Lý do tàu của ông Kim di chuyển chậm thường được cho là do trọng lượng quá lớn khi tàu được lắp thêm một lớp giáp bên ngoài.

Ông Kim Jong-un trên tàu tới Trung Quốc vào năm 2019. Ảnh: KCNA/AP

Ông Kim Jong-un trên tàu tới Trung Quốc vào năm 2019. Ảnh: KCNA/AP

Nhà ngoại giao Nga Toloraya cho biết trong cuộc kiểm tra đoàn tàu chở cha ông Kim của các kỹ sư Nga năm 2001, các kỹ sư Nga phát hiện có những tấm bọc thép bên dưới hai toa tàu chính được nhà lãnh đạo Triều Tiên dùng cho mục đích công vụ và nghỉ ngơi và những toa tàu này nguồn gốc từ Liên Xô nhưng sau đó đã được sửa đổi rất nhiều.

Đoàn tàu là phương tiện di chuyển thường xuyên của ông Kim trong các chuyến công du. Đây là một pháo đài di động được cho là có phòng karaoke, hệ thống liên lạc vệ tinh và cơ sở y tế cấp cứu, theo tờ The Wall Street Journal.

Dịch vụ thượng hạng trên tàu

Một trong những bản tường thuật chi tiết nhất về chuyến đi trên con tàu đặc biệt này là của cựu quan chức Nga Konstantin Pulikovsky. Ông Pulikovsky đã kể lại chuyến đi xuyên vùng Viễn Đông của Nga với ông Kim Jong-il trong cuốn sách có tên “Orient Express”.

Trong cuốn sách này, ông Pulikovsky đã kể về thực đơn thượng hạng và khách được phục vụ rất nhiều món ăn đa dạng. Ông Pulikovsky viết: “(Ở trên tàu) bạn có thể đặt bất kỳ món ăn nào của nền ẩm thực Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp”.

Ông Pulikovsky còn cho biết có khi rượu vang Pháp Bordeaux, Burgundy và tôm hùm sống cũng được phục vụ. Ông viết rằng những hành khách trên tàu được thưởng thức các tiết mục từ những nữ ca sĩ trẻ và những người này được giới thiệu là các nữ nhạc trưởng.

Tờ Chosun Ilbo năm 2009 đưa tin, khi tàu tới một ga, khoảng 100 nhân viên an ninh được cử tới trước để đảm bảo an ninh, đồng thời các nhà ga sẽ cắt điện để ngăn các đoàn tàu khác di chuyển.

Nhân viên an ninh Triều Tiên ở cạnh tàu của ông Kim Jong-un khi công du sang Nga năm 2019. Ảnh: AP

Nhân viên an ninh Triều Tiên ở cạnh tàu của ông Kim Jong-un khi công du sang Nga năm 2019. Ảnh: AP

Ông Kim Young-soo, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul (Hàn Quốc) cho biết việc di chuyển bằng đường sắt và đường hàng không không chỉ giúp ông Kim đảm bảo an ninh mà còn thu hút sự chú ý khắp thế giới.

“Chuyến tàu cho phép ông Kim xuất hiện như một nhân vật bí ẩn nhưng quan trọng. Ông thường gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới ở những địa điểm thuận tiện cho mình” - ông Kim Young-soo nói.

Một số bất tiện khi đi tàu tới Nga

Thời gian hành trình từ Triều Tiên đến Vladivostok (Nga) ước tính khoảng 20 giờ, dài hơn thời gian bất kỳ chuyến bay nào. Vào năm 2019, khi ông Kim tới Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump, chuyến đi của ông mất tới 65 giờ với hành trình một chiều.

Ngoài tốc độ chậm, còn có một bất tiện khác khi mạng lưới đường sắt của Nga sử dụng khổ đường sắt khác với khổ được sử dụng ở Triều Tiên. Điều này khiến ông Kim phải chờ đợi để giải quyết, chẳng hạn như chuyển sang tàu khác, ở biên giới. Tờ The Washington Post cho biết Nga cũng có một đoàn tàu bọc thép sang trọng, chuyên phục vụ ông Putin.

Hiện nay, ông Kim không phải là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất thích đi đường sắt hơn đi bằng đường hàng không. Do các mối đe dọa thời chiến đối với đường hàng không, hầu hết yếu nhân nước ngoài đến Ukraine, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, đều đi bằng đường sắt của Ukraine.

Cũng có một bất tiện là các đoàn tàu Ukraine dùng khổ đường sắt khác khổ đường được sử dụng ở Ba Lan - thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nên cũng có tình trạng chờ đợi ở biên giới, tương tự chuyến đi của ông Kim tới Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm