Báo Bild (Đức) ngày 29-11 đưa tin Đức sắp triển khai 1.200 binh sĩ tham gia chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) ở Syria. Tham mưu trưởng Volker Wieker nhận định đây là chiến dịch triển khai quân ra nước ngoài lớn nhất của Đức.
Giữa tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã thông báo Đức sẵn sàng điều động một tàu hộ vệ, một tàu tiếp liệu cùng các máy bay trinh sát và tiếp liệu để phối hợp với tàu sân bay Pháp Charles-de-Gaulle tấn công Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, Đức chỉ giữ ba nhiệm vụ bảo vệ, trinh sát và hậu cần chứ không không kích. Để thực hiện ba nhiệm vụ trên, Đức cần triển khai 1.200 quân.
Quyết định tham chiến tại Syria của Đức còn phải được chính phủ và Hạ viện thông qua. Đây chỉ là thủ tục vì liên minh của Thủ tướng Angela Merkel đang chiếm đa số.
Hiện thời Đức chỉ đưa khoảng 100 quân nhân đến Iraq làm công tác huấn luyện và trang bị cho lực lượng người Kurd.
Biểu tình phản chiến ở London (Anh) ngày 28-11. Ảnh: PA
Trong khi đó tại Tây Ban Nha, trưa 28-11, khoảng 5.000 người đã xuống đường biểu tình phản đối tham gia chiến sự Syria.
Họ tập hợp trước bảo tàng Reina Sofia ở thủ đô Madrid hô vang khẩu hiệu: “Phản đối chiến tranh”. Nhiều TP đã tổ chức biểu tình tương tự.
Tổng thống Pháp François Hollande đang nỗ lực xây dựng một liên minh quốc tế duy nhất có cả Nga và Mỹ để tấn công Nhà nước Hồi giáo hiệu quả hơn.
Dù vậy, trong thời gian chờ đợi bầu cử Quốc hội vào ngày 20-12, chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đều tránh né mọi sáng kiến. Ngày 28-11, Thủ tướng Mariano Rajoy tuyên bố: “Mọi quyết định… đều phải suy nghĩ lại cho kỹ”.
Cách đây 11 năm, hồi tháng 3-2004, chính phủ của Thủ tướng Jose Maria Aznar đã ủng hộ Mỹ xâm chiếm Iraq và rồi phải chịu thất bại trong bầu cử Quốc hội.
Tại Anh, trong ngày cuối tuần 28-11, khoảng 5.000 người cũng đã biểu tình ở London để phản đối kế hoạch tham gia chiến dịch không kích Nhà nước Hồi giáo của Anh ở Syria.
Theo ghi nhận của Reuters, con số người biểu tình phản chiến lần này xem ra vẫn ít hơn hàng triệu người phản đối Anh cùng Mỹ tham chiến ở Iraq 12 năm trước.
Diễn viên Mark Rylance phát biểu: “Tôi không nghĩ rằng đây là phản ứng tốt để ủng hộ những người bạn Pháp. Chúng ta cần phải học bài học quá khứ”. Những người biểu tình lo ngại Anh sẽ sa lầy như trong cuộc chiến Iraq ngày trước.
Thủ tướng Anh David Cameron đã cam kết với tổng thống Pháp sẽ mở rộng chiến dịch không kích từ Iraq sang Syria trong khi Quốc hội Anh vẫn đang tiếp tục thảo luận vấn đề này.
Trong Công đảng (đối lập) cũng có chia rẽ. Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn kiên quyết phản đối không kích ở Syria trong khi nhiều nghị sĩ Công đảng lại ủng hộ. Ngày 30-11, Công đảng sẽ họp để xác định một quan điểm chính thức.
- Ngày 28-11, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha thông báo đã phá một toán khủng bố và bắt giữ hai tên người Morocco tại Barcelona. Chúng thông qua Internet tuyên truyền tư tưởng cực đoan và tuyển quân đưa sang Syria. Một phụ nữ 24 tuổi ở Barcelona cũng bị bắt trong lúc chuẩn bị sang Afghanistan gia nhập khủng bố. Từ đầu năm đến nay đã có 95 người bị bắt vì liên can đến khủng bố. - Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ bộ tư lệnh quân đội Syria cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường cung cấp vũ khí và đạn dược cho quân nổi dậy ở Syria dưới hình thức trá hình bằng các đoàn xe cứu trợ nhân đạo. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận lại dầu thô và cổ vật của phiến quân. - Đài truyền hình CNN (Mỹ) đưa tin do Nga triển khai tên lửa S-400 tại Syria, Lầu Năm Góc bắt buộc phải bố trí một máy bay trang bị hệ thống ngăn chặn điện từ và đánh chặn tên lửa bay theo máy bay ném bom của Mỹ hoạt động ở Syria. Radar của S-400 có khả năng nhắm cùng lúc 300 mục tiêu, bắn cùng lúc 72 tên lửa, có chức năng chống tên lửa và tầm bắn bao trùm toàn Syria. __________________________________ Rủi thay các đối tác của chúng tôi hiện nay chưa sẵn sàng làm việc chung với nhau trong một liên minh duy nhất (chống Nhà nước Hồi giáo)… Dù vậy, chúng tôi vẫn để ngỏ và sẵn sàng hợp tác dưới bất kỳ thể thức nào mà các đối tác của chúng tôi đã sẵn sàng. Người phát ngôn tổng thống Nga DMITRY PESKOV |