Bình Nhưỡng “giúp” Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Á?

Bình Nhưỡng “giúp” Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Á? ảnh 1

Tên lửa đất đối đất Agni-V của Ấn Độ rời bệ phóng ở bờ biển phía đông ngày 19-4 - Ảnh: Reuters

Ngày 19-4, ở châu Á đã diễn ra hai sự kiện nóng nhưng xem ra lại mang một ý nghĩa chung.

Hai sự kiện

Một, Hàn Quốc đã triển khai một loại tên lửa hành trình tầm xa mới có khả năng phá hủy các mục tiêu như cơ sở hạt nhân và tên lửa trên toàn lãnh thổ CHDCND Triều Tiên.

Yonhap dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết loại tên lửa mới có thể tấn công “bất cứ mục tiêu nào ở miền Bắc”.

“Với những khả năng như thế, quân đội chúng ta sẽ trả đũa mạnh mẽ và chính xác đối với các khiêu khích vô trách nhiệm của Bắc Triều Tiên” - tham mưu trưởng Shin Won Sik tuyên bố với báo chí.

Trung Quốc vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc?

Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, Liên Hiệp Quốc đang điều tra khả năng Trung Quốc đã hỗ trợ kỹ thuật cho một giàn phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Nếu đúng, đây là hành động vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng. Giàn phóng xuất hiện trong lễ diễu binh ở Bình Nhưỡng cuối tuần trước, mang theo một loại tên lửa tầm trung mới.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc chưa công bố các chi tiết kỹ thuật loại tên lửa mới, nhưng theo Yonhap, tên lửa này có tầm bắn trên 1.000km. Hàn Quốc đã có những thảo luận với Mỹ để cho phép Seoul nâng tầm bắn của tên lửa đạn đạo trước nguy cơ đe dọa của Bình Nhưỡng. Những tên lửa hành trình đường dài mới này nằm ngoài thỏa thuận năm 2001 giữa Mỹ và Hàn Quốc, trong đó tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc bị giới hạn ở tầm bắn 300km, so với tên lửa của Bình Nhưỡng là 400km.

Mỹ có 28.500 quân tại Hàn Quốc để đảm bảo là “cái ô” hạt nhân cho Seoul trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Đổi lại, Seoul chấp nhận giới hạn tầm tên lửa đạn đạo của mình.

AFP cho biết Hàn Quốc đã bắt đầu thúc đẩy việc nới lỏng giới hạn này sau vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Seoul ước tính phần lớn trong số hàng ngàn tên lửa của Bình Nhưỡng đang hướng về phía mình. Những tên lửa này có tầm bắn 3.000km tới các mục tiêu của Mỹ ở Nhật Bản và Guam trên Thái Bình Dương.

Hai, Ấn Độ đã bắn thử thành công lên lửa tầm xa Agni-V từ bãi phóng ngoài khơi bang Orissa. Đây là tên lửa có tầm bắn hơn 5.000km, có thể bắn tới thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và Đông Âu. Theo báo Times of India, tên lửa Agni dài 17m và nặng 50 tấn. Nó được thiết kế để mang theo một đầu đạn hạt nhân nặng 1,5 tấn hay nhiều đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn hoặc dùng để phóng vệ tinh.

Như vậy, Ấn Độ đã gia nhập “câu lạc bộ” các nước sở hữu tên lửa tầm xa 5.000km bao gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc.

Nền kinh tế lớn thứ ba này của châu Á đã thực hiện một kế hoạch hiện đại hóa quân đội quy mô để tăng cường khả năng phòng thủ của mình, nhất là để đối trọng với Trung Quốc.

Bắc Kinh chưa đưa ra phản ứng chính thức. Tuy nhiên, Thời báo Hoàn Cầu, trong xã luận ngày 18-4, đã cảnh báo New Delhi “không nên đánh giá cao sức mạnh của mình”, bởi cho dù “tên lửa Ấn Độ có vươn tới hầu hết mọi khu vực của Trung Quốc cũng không có nghĩa là họ có thể tỏ ra cao ngạo trong các tranh cãi với Trung Quốc”.

Một cơ hội

Hai sự kiện diễn ra tại Hàn Quốc và Ấn Độ đang nói lên điều gì?

Báo mạng Sahoehwawa Nodong của Hàn Quốc cho rằng Mỹ đang theo đuổi một chính sách với mục tiêu kép ở châu Á - Thái Bình Dương: kìm hãm việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng và dưới chiêu bài này tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực. 

Nhật Bản cũng đã triển khai ba tàu chiến được trang bị tên lửa trên biển Đông và trên biển Nhật Bản, cũng như tên lửa Patriot (hệ thống phòng thủ trên không) ở bảy địa điểm. 700 quân thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã được đưa đến Okinawa. Các tên lửa đã được bố trí ở Bộ Quốc phòng và ở ba địa điểm thuộc vành đai Tokyo cho dù các địa điểm này không nằm trong tầm ảnh hưởng, tức lộ trình bay (được loan báo) của tên lửa Bình Nhưỡng. Báo Yomiuri đã mô tả những động thái bố trí này là “khác thường”. Đài truyền hình NHK thậm chí còn nêu rõ “việc gửi quân đến những khu vực này đã được thúc đẩy bởi việc Trung Quốc đang ngày càng hoạt động tích cực trên biển Đông”.

“Mối đe dọa từ Bình Nhưỡng luôn là cái cớ để các nước xung quanh tận dụng. Bình Nhưỡng càng khiêu khích với hi vọng nâng cao vị thế của mình trong các cuộc đàm phán thì Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ càng tăng cường khả năng quân sự của mình, Trung Quốc càng cảm thấy bị nhắm vào và căng thẳng tại châu Á càng tăng lên” - trang mạng này kết luận.

Theo Trần Phương - T.N. (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm