Trước đó, hôm 22-6, Lim đã dùng súng bắn chết 5 đồng đội của anh ta, làm bị thương 7 đồng đội khác trong cùng đơn vị đóng quân tại quận Goseong . Lim chỉ mới 22 tuổi, được đánh giá là một người lính trầm tính, ít nói và hướng nội, anh ta cũng có một số biểu hiện của chứng mất cân bằng tâm lý.
Sau khi xảy ra cuộc nổ súng trong doanh trại, Lim đã bỏ trốn lên khu vực miền núi giáp biên giới với Triều Tiên, mang theo súng, đạn dược và lựu đạn. Nhiều đơn vị được điều đi truy bắt Lim, họ nhanh chóng khoanh vùng được vị trí và bố trí quân mai phục. Trong khi ẩn náu, Lim có một vài lần đụng độ và nổ súng với các binh sĩ này. Chính quyền địa phương cũng cho di tản người dân xung quanh để đảm bảo an toàn. Đến sáng hôm nay (23-6) mệt mỏi vì bị bao vây, Lim đã dùng súng bắn vào mặt mình để tự kết liễu, bỏ ngoài tai lời kêu gọi của chính cha ruột. Hiện Lim đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Lính đặc nhiệm vây bắt Lim trên đồi. Ảnh: Reuters
Quân đội bị chỉ trích nặng nề vì sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát nên không ngăn chặn được những hành động quá khích của các binh sĩ trẻ. Theo Reuters, năm 2011 cũng đã xảy ra vụ việc tương tự. Khi đó, một binh lính trong đơn vị biên giới cũng đã giết chết bốn đồng đội trước khi tự sát bằng lựu đạn.
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng, sĩ quan Kim Min Seok cho biết các binh lính trẻ ở lứa tuổi 20 hầu hết gặp nhiều khó khăn khi tham gia quân đội. Theo luật pháp Hàn Quốc, nam thanh niên đến tuổi bắt buộc phải nhập ngũ trong vòng hai năm. Lực lượng tân binh này lên đến khoảng 600 lính mỗi năm. Đại đa số thanh niên đều sẵn sang thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ, nhiều người bị sốc tâm lý khá nặng. Những phần tử đặc biệt như Lim đều được cấp trên đặc biệt quan tâm, quản thúc, đáng tiếc sự việc đau lòng vẫn xảy ra.
Xe cứu thương của quân đội có mặt để chở Lim đi cấp cứu. Ảnh: Reuters
Phương Dung