Bình Thạnh có 27 dự án cần điều chỉnh quy hoạch để giải quyết việc cấp giấy và quyền lợi của người dân trong khu vực dự án chậm triển khai. Thế nhưng tiến độ điều chỉnh quy hoạch của các dự án này rất chậm vì quy trình, thủ tục điều chỉnh quy hoạch dự án phức tạp; một số dự án không còn chủ đầu tư trong khi các dự án đã được xây dựng và các hộ dân sử dụng ổn định đã nhiều năm. Quận đã kiến nghị một số cơ chế để thực hiện quy trình điều chỉnh quy hoạch áp dụng riêng cho các dự án này… Ngày 11-6, ông Hoàng Song Hà, Phó Chủ tịch quận Bình Thạnh, báo cáo với các đại biểu HĐND TP.HCM tại buổi giám sát về việc triển khai, thực hiện công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn TP.HCM (Nghị quyết 16/2012 của HĐND TP).
Về tiến độ xử lý các dự án “treo”, quận Bình Thạnh cho biết: Năm 2013 quận đã rà soát, đề xuất giảm quy mô, hủy bỏ văn bản chấp thuận chủ trương, chấp thuận địa điểm, quyết định thu hồi giao đất 14 dự án chậm triển khai. Đến nay, TP đã có quyết định thu hồi, điều chỉnh ranh năm dự án nhưng tiến độ điều chỉnh quy hoạch các dự án “treo” còn chậm vì hồ sơ lưu quy hoạch không đầy đủ, hiện trạng khác với bản đồ địa chính... nên cần thời gian để thực hiện.
Về tiến độ thực hiện quy hoạch phân khu Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa, ông Hà cho biết: Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư lập đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 để làm đầu mối kêu gọi đầu tư. Hiện công ty đã đưa ra nhiều phương án quy hoạch để UBND TP trình HĐND trong thời gian tới.
Cùng ngày, Đoàn đại biểu HĐND cũng giám sát việc thực hiện Nghị quyết 16/2012 trên địa bàn huyện Củ Chi.
Theo báo cáo, Củ Chi “dính” khoảng 5.200 ha trong Khu đô thị Tây Bắc gồm các xã Tân Thông Hội, Tân Phú Trung, Tân An Hội, Phước Thạnh, Phước Hiệp và thị trấn Củ Chi, ảnh hưởng khoảng 6.500 hộ dân và họ không được chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, cấp phép xây dựng… “Từ tim đường QL 22 trở vào 120 m đều được quy hoạch là đất cây xanh, người dân sống trong khu vực này đều không thể làm gì với đất của mình trong khi quy hoạch thì không biết đến bao giờ mới thực hiện. Khi người dân hỏi, chính quyền địa phương không thể trả lời được cho bà con…” - ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, nói.
Ông Nguyễn Văn Bá, Trưởng ban Pháp chế, HĐND TP cho rằng những tồn tại, vướng mắc ở Khu đô thị Tây Bắc đã bộc lộ rõ chất lượng quy hoạch chưa ổn. Ông đề nghị huyện mạnh dạn kiến nghị các giải pháp, đừng ngại đụng chạm, nể nang để tháo gỡ những vướng mắc cho người dân.
C.TÚ - V.HOA