Ngày 3-11, Sở VH-TT&DL Bình Thuận đã có công văn gửi Hiệp hội Du lịch và các resort, khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh.
Khu biệt thự Sealink City, một trong những điểm của phương án di tản du khách
Cụ thể đối với các cơ sở kiên cố có thể chịu được cấp 11-12 phải đưa du khách đến nơi an toàn. Nếu lượng du khách lớn thì phải thực hiện di tản du khách theo chỉ đạo của tỉnh. Đối với các cơ sở bán kiên cố ở khu vực Tuy Phong phải di tản du khách đến Trường Tiểu học Bình Thạnh.
Tại Mũi Né, di tản du khách đến Trường Tiểu học Mũi Né 4, trụ sở khu phố Long Sơn, Doanh trại quân đội C19, Nhà nghỉ Bộ Công an, trụ sở Công an phường Mũi Né.
Tại Hàm Tiến di tản du khách đến khu biệt thự Sealink City, khu biệt thự Minh Thành, Trung tâm bùn khoáng Sao Mai, trụ sở UBND phường Hàm Tiến và Trường Hồ Quang Cảnh.
Tại Tiến Thành, di tản du khách đến Trường Quân sự tỉnh và các khách sạn tại TP Phan Thiết.
Tại Hàm Thuận Nam di tản đến Đồn Biên phòng và Trường THCS Tân Thành.
Tại khu vực dinh Thầy Thím, di tản đến các trường học ở xã Tân Tiến.
Riêng khu du lịch Cam Bình, Coco Beach Camp di tản đến các trường học ở Tân Phước, chùa Cam Bình và nhà thờ Cam Bình.
Cùng ngày, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận để kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 12.
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tổng lượng mưa phổ biến khoảng 100-150 m, vùng núi có nơi khoảng 250 mm. Nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng là rất cao.
Tính đến trưa 3-11, tỉnh Bình Thuận đã kêu gọi 100% tàu thuyền còn lại đang ở ngoài biển vào bờ an toàn; các lồng, bè nuôi trồng thủy hải sản được gia cố, chằng buộc an toàn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục theo dõi biễn biến của bão để chủ động chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó, phòng tránh bão cụ thể.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai cho biết thêm, hiện nay tỉnh đã xây dựng kế hoạch di dời dân cư tại 35 điểm với 35.209 khẩu tại các địa phương khi có bão đổ bộ trực tiếp vào và di dời 94 điểm dân cư với 8.452 hộ/35.658 khẩu tại các địa phương khi xảy ra lũ.
Các lực lượng vũ trang đã chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật tư, lực lượng hỗ trợ các địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Có phương án vận hành hồ chứa nước an toàn để giảm tối đa thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du công trình và bảo đảm an toàn hồ, đập, kè, công trình thủy lợi.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 12 của tỉnh Bình Thuận. Ông Thắng lưu ý tỉnh Bình Thuận cần tăng cường cảnh giác, xây dựng nhiều phương án ứng phó với cơn bão số 12 vì cơn bão này đổ bộ vào ban đêm và triều cường.
Tiếp tục thông tin cho nhân dân biết để chủ động ứng phó khi bão đổ bộ vào, nhất là tại các vùng thấp ven biển; hạ du các hồ, đập; khu vực vùng núi dễ xảy ra sạt lở đất; người dân sống trên các tàu, thuyền, lồng, bè gần biển…
Ông Hoàng Văn Thắng cũng đã thị sát tại bến thuyền sông Cà Ty và cửa biển Phú Hài (Phan Thiết) nơi có hàng ngàn tàu thuyền đang neo đậu trú bão.