Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng gỡ vướng cho cao tốc Bến Lức – Long Thành

(PLO)-  Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cho phép sử dụng vốn dư của Hiệp định vay ADB lần hai để hoàn thành các gói thầu đoạn phía Tây cao tốc Bến Lức – Long Thành.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành nhằm gỡ nút thắt về nguồn vốn đối với dự án này.

Nhiều gói thầu đang gặp vướng mắc

Theo Bộ GTVT, dự án Bến Lức – Long Thành có 11 gói thầu xây lắp chính. Trong đó, năm gói thầu đoạn phía Tây (A1, A2-1, A2-2, A3 và A4), sử dụng vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Tuy nhiên, hiệp định vay lần một đã đóng ngày 30-6-2019, nên không có vốn thanh toán, dẫn đến các nhà thầu đã dừng thi công từ giữa năm 2019 đến nay. Hiện tiến độ ba gói thầu mới chỉ đạt từ 68,47% đến 81,66%, riêng gói thầu A2-1 và A3 cơ bản hoàn thành.

Công trường dự án Bến Lức - Long Thành. Ảnh: K.CƯỜNG

Công trường dự án Bến Lức - Long Thành. Ảnh: K.CƯỜNG

Đối với ba gói thầu đoạn giữa (J1, J2 và J3), sử dụng vốn vay JICA cũng gặp vướng mắc về bố trí vốn vay. Cụ thể, nghị quyết số 71/2018 của Quốc hội quy định “Chưa phân bổ nguồn vốn nước ngoài cho VEC”, nên các gói thầu này của VEC không được Chính phủ bố trí vốn. Vì vậy, từ tháng 1-2019 đến nay các nhà thầu Nhật Bản đã dừng thi công, mặc dù thời gian của Hiệp định vay JICA có thời hạn giải ngân đến ngày 17-7-2024.

Đối với ba gói thầu đoạn phía Đông (A5, A6 và A7), sử dụng vốn từ Hiệp định vay ADB lần hai 2, Bộ GTVT cho biết khó khăn về vốn cho các gói thầu này được giải quyết từ tháng 12-2020. Tuy nhiên do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ giữa năm 2020 đến đầu năm 2021 tại các tỉnh phía Nam, công tác huy động của các nhà thầu chưa đạt yêu cầu, việc tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu biến động mạnh thời gian vừa qua nên tiến độ các gói thầu bị chậm so với kế hoạch.

Hiện nay, VEC đang chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để bù khối lượng và hoàn thành theo tiến độ hợp đồng đã duyệt.

Về nguồn vốn đối ứng, Bộ GTVT cho biết do VEC chuyển từ Bộ GTVT sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên phải xử lý vướng mắc trong việc xác định cơ quan chủ trì được Thủ tướng giao vốn thực hiện dự án. Do đó, từ tháng 1-2019 đến nay, dự án chưa được bố trí vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước để tiếp tục chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng.

Để giải quyết vướng mặt trên, Bộ GTVT cho biết về vốn vay JICA cho các gói thầu đoạn giữa, trong tháng 7-2022, vướng mắc về vốn sẽ được giải quyết và Bộ GTVT là cơ quan tiếp nhận kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm đối với các dự án của VEC.

Về vốn đối ứng, Văn phòng Chính phủ đang sắp xếp, bố trí kế hoạch làm việc của lãnh đạo Chính phủ để chủ trì cuộc họp. Dự kiến nội dung xử lý vốn đối ứng cho dự án sẽ được giải quyết trong tháng 6-2022.

Riêng các gói thầu đoạn phía Tây, vay vốn ADB, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cho phép sử dụng vốn dư của Hiệp định vay ADB lần hai (do hiệp định lần 1 hết hiệu lực) để hoàn thành các gói thầu. Tổng giá trị dự kiến các hạng mục là trên 1.739 tỉ đồng, tương đương 74,02 triệu USD.

VEC đang tạm ứng tiền nhàn rỗi để thanh toán cho nhà thầu

Trước khó khăn trên, Bộ GTVT cho biết theo báo cáo của VEC, trong quá trình chờ cấp có thẩm quyền giải quyết vướng mắc về các nguồn vốn cho dự án, Hội đồng thành viên VEC đã ban hành nghị quyết chấp thuận cân đối sử dụng các khoản tiền nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ của VEC để tạm ứng cho các khoản thanh toán khối lượng hoàn thành của các gói thầu.

Ngày 2-3, VEC có văn bản thông báo đến các nhà thầu, tư vấn trong dự án, khẳng định đã thu xếp đầy đủ vốn và đề nghị các nhà thầu khẩn trương tái khởi động thi công các gói thầu.

Cũng theo thông báo của VEC, tính đến thời điểm hiện tại, VEC đã chủ động thu xếp nguồn vốn để thanh toán cơ bản phần khối lượng đã lập hồ sơ thanh toán cho các nhà thầu sử dụng vốn vay JICA (khoảng 236 tỉ đồng). Song song đó, đã tạm ứng đủ vốn theo đề nghị của Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Long An để kịp thời thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

VEC cũng đã thu xếp tài chính để sẵn sàng tái khởi động lại toàn bộ các gói thầu trong dự án, sẵn sàng chuyển tiền khi các địa phương có văn bản đề nghị bố trí vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do thời gian dừng thi công quá dài nên VEC và các nhà thầu đang trong quá trình đàm phán để nối lại thi công hoặc thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng để lựa chọn nhà thầu mới.

Tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua bốn tỉnh là Đồng Nai, TP.HCM, Long An. Với tổng mức đầu tư trên 1.607 triệu USD, trong đó vốn vay ADB là 635 triệu USD, vốn vay JICA trên 634 triệu USD, vốn đối ứng hơn 336 triệu USD. Dự án khởi công Quý III-2014, dự kiến hoàn thành ngày 31-12-2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm