Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu TP Hà Nội và tỉnh Thái Bình về kiến nghị cử tri đề nghị xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan các dự án chậm tiến độ, đội vốn, mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp. Điển hình, dự án đường cao tốc Quảng Nam - Đà Nẵng, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Trả lời vấn đề này, Bộ GTVT cho biết dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ODA của chính phủ Trung Quốc (ký năm 2008, theo hiệp định khung). Theo đó, tổng thầu EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng) được chỉ định ngay trong hiệp định là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Trung Quốc.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đến nay vẫn chưa thể đưa vào khai thác. Ảnh: VIẾT LONG
Tư vấn, giám sát được tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh. Quá trình triển khai thực hiện dự án chậm, tăng tổng mức đầu tư do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về trách nhiệm, theo Bộ GTVT, dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía tổng thầu thì chủ đầu tư (Bộ GTVT), Ban quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành dự án. Tư vấn, thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư.
“Bộ GTVT, các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT chịu trách nhiệm là cơ quan chủ quản, phê duyệt dự án. UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng…” - Bộ GTVT nhấn mạnh.
Thời gian qua, mặc dù Bộ GTVT và các bên liên quan đã quyết liệt chỉ đạo nhưng dự án vẫn triển khai rất chậm, đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu vẫn chưa nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
“Các khó khăn vướng mắc đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc để hỗ trợ, chỉ đạo và có các giải pháp giải quyết các công việc còn lại trong thời gian tới nhằm đưa dự án vào vận hành khai thác trong thời gian sớm nhất…” - Bộ GTVT nhấn mạnh.
Đối với dự án cao tốc Quảng Nam - Đà Nẵng, sau hơn một năm đưa vào khai thác 65 km đầu tuyến (từ ngày 2-8-2017), khoảng cuối tháng 9-2018 xuất hiện một số hư hỏng cục bộ lớp bê tông nhựa tạo nhám dày 3 cm tại một số vị trí.
Theo Bộ GTVT, các hư hỏng nêu trên xảy ra trong thời gian bảo hành công trình, nhà thầu thi công chịu trách nhiệm bảo hành công trình theo quy định. “Đối với các hư hỏng mặt đường xảy ra tại thời điểm tháng 9-2018, chủ đầu tư dự án đã tiến hành xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan. Cụ thể, tạm đình chỉ công tác giám đốc Ban quản lý dự án, cảnh cáo một số cá nhân, tập thể liên quan…” - Bộ GTVT thông tin.