Bò hỗ trợ cho dân bị ‘mất tích’

Ngày 8-9, ông Nguyễn Thái Học, đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên, tiếp xúc với hơn 50 người dân thôn Suối Phẫn, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa để giải quyết vụ khiếu kiện tập thể kéo dài. Hai vấn đề khiến người dân bức xúc là bò, cây giống do Nhà nước hỗ trợ đã không đến tay người dân; vận động người dân đến vùng kinh tế mới nhưng lại thu tiền đất bất hợp lý. Dự buổi tiếp xúc có đại diện một số cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Cán bộ nhận bò hỗ trợ của dân?

Theo người dân thôn Suối Phẫn, họ biết việc hỗ trợ bò, cây giống một cách rất tình cờ. Mới đây, trong cuộc đối thoại giải quyết khiếu nại, ông Trần Trọng Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho biết Nhà nước đã hỗ trợ 12 con bò, cây giống để trồng cho 250 ha đất. Hầu hết người dân ngỡ ngàng trước thông tin đó và khẳng định chưa hề nhận hỗ trợ trên. Sau đó, nhiều hộ dân kéo đến trụ sở UBND huyện Tây Hòa yêu cầu lãnh đạo huyện làm rõ số bò trên đã cấp cho ai.

Tại buổi tiếp xúc, đại diện các hộ dân - ông Lê Văn Cường, tố cáo: “Khi thực hiện dự án di dãn dân này, có bốn cán bộ được nhận mỗi người một con bò, trong đó có trưởng ban quản lý dự án, chủ tịch xã, chủ nhiệm hợp tác xã thời đó. Hiện nay, hai người trong số này là cán bộ huyện. Số bò còn lại cấp cho ai thì người dân không biết”. Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Tây, lúng túng: “Đến giờ xã cũng không biết số bò đó có giao cho ai không, đang ở đâu!”. Nghe đến đây, nhiều người dân phản ứng cho rằng chính quyền nói như thế là chối bỏ trách nhiệm.

Ông Nguyễn Thái Học, đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên (đứng), trao đổi trực tiếp với người dân Suối Phẫn. Ảnh: TẤN LỘC

Ông Kỳ thừa nhận: Trong quyết định ngày 4-4-2002 của UBND tỉnh Phú Yên về phê duyệt dự án di dãn dân nêu rõ là Nhà nước hỗ trợ cho người dân 12 con bò giống, cây giống để trồng 250 ha cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây lâu năm khác. Các hạng mục trong dự án đều có thanh quyết toán, riêng hạng mục 12 con bò thì không thấy. “Chúng tôi đã lục hết văn bản nhưng không tìm thấy thanh quyết toán về số bò. Hồi đó, họ có lập phương án hỗ trợ hay không, có bò hay không làm sao tôi biết được! Còn số bò mà một số cán bộ đã nhận có thể nằm trong một dự án khác” - ông Kỳ nói.

Về số cây giống, ông Bảy cho rằng xã không thực hiện hạng mục này, không giao cho ai thì ông Kỳ lại nói đã cấp cho mấy chục hộ dân. Trước những khuất tất trên, ông Nguyễn Thái Học đặt vấn đề: “Vì sao trong dự án nêu hỗ trợ bò mà không có thanh quyết toán? UBND huyện Tây Hòa phải khẩn trương làm rõ số bò trên có cấp hay không, cấp cho ai”.

Vận động di dãn dân rồi thu tiền

Một bức xúc khác của người dân là chính quyền vận động họ di dãn dân nhưng buộc phải đóng tiền sử dụng đất. Đầu năm 2014, khi xã Hòa Mỹ Tây cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho người dân, Chi cục Thuế huyện Tây Hòa yêu cầu mỗi hộ phải đóng 30 triệu đồng tiền sử dụng đất. Khi người dân khiếu nại, cơ quan thuế giảm 50% số tiền và buộc mỗi hộ phải nộp phạt 2 triệu đồng “Năm 2003, chính quyền vận động chúng tôi di dời đến nơi ở mới để phòng tránh thiên tai. Lúc đó, chính quyền hứa khi đến nơi ở mới sẽ không phải đóng bất cứ khoản tiền nào. Tin theo, chúng tôi mới rời bỏ nhà cửa, đến xây dựng làng mới. Bây giờ lại buộc chúng tôi phải đóng tiền mới được cấp giấy đỏ. Điều đó quá bất hợp lý” - ông Lương Ngâu, người dân Suối Phẫn phản ánh.

Theo ông Trần Trọng Kỳ, hiện còn 89 hộ ở Suối Phẫn chưa được cấp giấy đỏ. Theo quy định hầu hết các hộ không được miễn thuế sử dụng đất nhưng căn cứ vào thực tế, huyện đang xin tỉnh miễn giảm cho người dân. Ông Nguyễn Thái Học cho rằng việc thu tiền sử dụng đất trong trường hợp này là không ổn bởi người dân di dời theo dự án di dãn dân chứ không phải tự phát. “Thực tế và phân tích của bà con là hợp lý thì phải xem xét. Huyện Tây Hòa cần kiến nghị tỉnh xem xét, giải quyết ngay. Lưu ý là kiến nghị chứ không phải xin!” - ông Học nhấn mạnh.

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm