Bộ LĐ-TB&XH giữ nguyên tỉ lệ hưởng lương hưu của nam và nữ

(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH cho biết quy định tỉ lệ hưởng lương hưu của nam và nữ đã được tính toán rất kỹ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vào ngày 27-5 vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đề nghị lương hưu phải đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, nếu quy định như dự luật sẽ dẫn đến chênh lệch lương hưu giữa nam và nữ.

Sau khi tiếp thu nghiên cứu, cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp tục giữ nguyên tỉ lệ hưởng lương hưu như dự luật...

Tuổi hưu đã tiệm cận nhau sao nới rộng tỉ lệ hưởng?

Theo dự luật, mức hưởng của lao động nghỉ hưu trong điều kiện bình thường bằng 45% bình quân tiền lương tính đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm của lao động nam và 15 năm với lao động nữ. Sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm được hưởng thêm 2%.

Lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng tỉ lệ tối thiểu 33,75% và cần đóng 35 năm để hưởng lương hưu tối đa 75%. Nam đóng đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mức hưởng được tính thêm 2,25% mỗi năm. Lao động nữ tham gia 15 năm hưởng lương hưu tối thiểu 45% và cần đóng 30 năm để đạt mức tối đa 75%.

Như vậy, cùng lấy mốc 15 năm đóng BHXH tối thiểu nhưng tỉ lệ tích lũy lương hưu lao động nam thấp hơn nữ 11,25%.

Giữ nguyên quy định tính tỉ lệ hưởng lương hưu của nam và nữ. Ảnh: P.PHONG
Bộ LĐ-TB&XH giữ nguyên quy định tính tỉ lệ hưởng lương hưu của nam và nữ. Ảnh: P.PHONG

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), cho rằng hiện độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi, nữ là 60 tuổi, nghĩa là chênh nhau 2 tuổi, nhưng thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu tối đa 75% lại chênh lệch nhau tới 5 năm.

“Tôi đề nghị thời gian đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa của lao động nam là 32 năm thay vì 35 năm như hiện nay, nữ giữ nguyên là 30 năm. Thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu đối với nam là 17 năm thay vì 20 năm, nữ vẫn là 15 năm”- đại biểu Hoàng Đức Thắng góp ý.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng cũng khẳng định quy định như vậy là phù hợp và công bằng, đảm bảo thống nhất với quy định độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ theo Bộ luật Lao động.

Cơ quan soạn thảo nói gì?

Trong báo cáo giải trình vừa gửi đến Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết để tiếp thu, giải trình các ý kiến nêu tại hội trường vừa qua, cơ quan soạn thảo đã nhóm họp các bên liên quan.

Trong đó, cơ quan soạn thảo khẳng định nội dung trên đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động nhiều chiều với nguyên tắc đảm bảo sự ổn định, tránh xáo động lớn trong xã hội.

Thực tế, tỉ lệ hưởng BHXH của lao động nam và nữ kế thừa toàn bộ quy định hiện hành, không đặt nặng vấn đề thay đổi công thức hưởng.

Cụ thể, Luật BHXH năm 2006 từng quy định thời gian đóng tối thiểu là 15 năm áp dụng cho cả nam lẫn nữ để hưởng 45%. Nhưng Luật BHXH sửa đổi năm 2014 điều chỉnh nâng dần thời gian đóng tối thiểu của nam lên 20 năm và nữ giữ nguyên 15 năm để hưởng mức trên.

Cơ quan soạn thảo cũng cho biết sở dĩ Luật BHXH hiện hành quy định tỉ lệ lương hưu như trên để đảm bảo cân đối quỹ trong dài hạn. Theo đó, luật đưa ra lộ trình điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu bình quân cho một năm đóng BHXH (tỉ lệ tích lũy) từ 3% còn 2,5% (giảm 0,5%) đối với nữ và từ 2,5% còn 2,14% (giảm 0,36%) đối với nam.

Như vậy, luật hiện hành đưa ra lộ trình điều chỉnh giảm tỉ lệ tích luỹ của nữ nhiều hơn nam là 0,14%/năm. Chính vì thế việc quy định mức tối thiểu 15 năm hưởng 33,75% đối với nam, 45% đối nữ là phù hợp.

"Thêm vào đó, quan điểm chung trong lần sửa đổi Luật BHXH lần này là kế thừa quy định về tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019, kế thừa quy định về tính tỉ lệ hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014; chỉ bổ sung quy định về tính tỉ lệ hưởng lương hưu đối với các trường hợp luật hiện hành chưa có quy định…”- Bộ LĐ-TB&XH lý giải.

Ngoài ra, để lương hưu lao động nam khi về hưu không thấp, Bộ LĐ-TB&XH cho biết dự luật quy định nam đóng đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mức hưởng được tính thêm 2,25% mỗi năm thay vì 2%.

Thêm vào đó, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉnh lý dự luật theo hướng giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nam có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH mà bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày luật này có hiệu lực thi hành (1-7-2025) đến ngày 31-12-2029 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nữ khi tính mức hưởng lương hưu.

“Nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu do quỹ BHXH bảo đảm. Chính phủ báo cáo đánh giá kết quả thực hiện quy định này tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 2030…”- Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Tỉ lệ hưởng lương hưu của Việt Nam vào nhóm cao nhất

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện tỉ lệ hưởng lương hưu tính bình quân cho một năm đóng BHXH (tỉ lệ tích lũy) của Việt Nam là 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ. Trong khi các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc tỉ lệ này chỉ là 1%; bình quân của thế giới chỉ khoảng 1,7%.

Với tỉ lệ tích lũy theo quy định hiện hành, cùng với việc quy định tỉ hưởng lương hưu tối đa là 75%, chế độ hưu trí của Việt Nam hiện nay đang được đánh giá là thuộc nhóm cao nhất so với các nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm