“Bố” Nghiệp công đoàn!

“Bố” Nghiệp công đoàn là tên gọi quen thuộc mà hàng chục ngàn công nhân tại Công ty TNHH Pou Yuen (huyện Bình Tân, TP.HCM) dành cho anh Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch công đoàn công ty này.

Tuổi đời tròn 50, anh có thâm niên trên 10 năm làm cán bộ công đoàn.

Tiếp sức cho công nhân

Những lần cùng Quỹ Hỗ trợ công nhân TP.HCM tham gia phỏng vấn xét cấp học bổng cho công nhân đang theo học các trường CĐ, ĐH, điều khiến chúng tôi chú ý nhất là hàng chục công nhân của Công ty Pou Yuen cho biết: “Bố” Nghiệp công đoàn chính là người giới thiệu và động viên, tiếp thêm động lực để họ đi học.

Phạm Ngọc Nhung (quê Bến Tre) thổ lộ: “Học hết cấp ba, em lên thành phố tìm việc và tiếp tục học lên cao hơn. Đang lúc lúng túng chưa biết nên đăng ký học ngành gì thì những anh chị lớn tuổi trong công ty hướng dẫn đến gặp “bố” Nghiệp để tìm lời khuyên. Qua tư vấn của “bố”, em đã chọn cho mình ngành học phù hợp. Kỳ học nào em cũng đạt từ loại khá trở lên”. Còn Hà Thị Hoàng Mỹ (Tây Ninh) bày tỏ: “Công ty em có tới vài trăm người đi học, nếu “bố” không linh động can thiệp với công ty về giờ giấc (cho về sớm, khỏi làm tăng ca...) thì hàng trăm công nhân ở công ty khó lòng mà đi học được!”.

“Bố” Nghiệp công đoàn! ảnh 1

“Bố” Nghiệp tâm niệm: Công đoàn phải luôn lắng nghe để giải quyết thấu đáo kiến nghị của công nhân. Ảnh: P.ĐIỀN

Đỗ Thị Mai quê ở Thái Bình, nhà nghèo nên Mai đành gác lại mơ ước ngồi ghế giảng đường để đi làm phụ giúp gia đình. Vào Sài Gòn làm công nhân nhưng ước mơ được học tiếp luôn cháy bỏng. Biết hoàn cảnh và nguyện vọng của Mai, “bố” Nghiệp đã động viên, giúp đỡ. “Bây giờ sau ca làm việc dù rất đói và mệt mỏi nhưng em cảm thấy hạnh phúc vì được ngồi trên giảng đường” - Mai kể.

Tin tưởng, sẻ chia cùng “bố” Nghiệp

Những cuộc họp công đoàn hằng tháng diễn ra sôi nổi, cán bộ phụ trách mỗi bộ phận trực tiếp kiến nghị tâm tư, nguyện vọng của công nhân để công đoàn cùng bàn bạc, kiến nghị với ban giám đốc. Sau đó họ sẽ được giải đáp các thắc mắc phát sinh trong quan hệ lao động.

“Bố” Nghiệp say sưa giải đáp từng thắc mắc cho hàng trăm cán bộ công đoàn đại diện cho 65.000 công nhân đang làm việc tại đây. Anh Trần Phúc Huy - cán bộ công đoàn chuyên trách của công ty cho biết có tất cả 750 cán bộ công đoàn phụ trách các bộ phận. Riêng Ban Chấp hành Công đoàn có tới 19 người, trong đó có chín người làm công đoàn chuyên trách, vậy mà công việc vẫn không làm xuể. Nếu không có thủ lĩnh tài năng, tận tâm như “bố” Nghiệp thì khó bề ổn định được tình hình.

Huy từng lăn lộn làm công nhân tại công ty nhiều năm. Anh lọt vào tầm ngắm của “bố” Nghiệp, cùng với sự tín nhiệm của anh em, anh được rút lên làm cán bộ công đoàn chuyên trách. Anh nói: “Em học từ “bố” Nghiệp rất nhiều, bắt đầu từ sự lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người lao động để cùng bàn bạc tìm hướng tháo gỡ. Kế đến là sự gần gũi, chân thành với anh em công nhân. Việc này nói thì dễ nhưng làm thì chẳng dễ chút nào, bởi công ty có tới hàng chục ngàn người…”.

Chị Lục Kiết Huê - công đoàn viên phụ trách bộ phận tự hào: “Bố” luôn quan tâm, ghi nhận những khúc mắc của công nhân và giải quyết một cách thấu lý đạt tình chứ không phải nghe rồi bỏ đó. Theo chị Huê, cũng từ sự gần gũi này, hễ có tâm sự gì công nhân cũng tìm đến “bố” để chia sẻ.

“Bố” Nghiệp công đoàn! ảnh 2

750 cán bộ công đoàn phụ trách các bộ phận là cánh tay nối dài của công đoàn với người lao động. Ảnh: P.ĐIỀN

“Tôi học từ công nhân nhiều điều”

Công ty TNHH Pou Yuen là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chuyên gia công, sản xuất thiết bị thể thao. Hằng ngày công ty phải huy động 200 chiếc xe buýt đưa đón 65.000 công nhân đi làm.

Ở một công ty lớn như vậy, áp lực đối với cán bộ công đoàn không chỉ đến từ công nhân. “Bố” Nghiệp cho biết anh phải chịu rất nhiều áp lực từ hơn 1.000 chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại công ty. Theo anh, các chuyên gia chưa hiểu hết vai trò, tổ chức công đoàn tại Việt Nam, vì thế cần phải giải thích để họ có cái nhìn thực tế khách quan hơn mới ổn định được quan hệ lao động. Vì lẽ đó mà cơ chế đối thoại giữa người lao động và ban giám đốc cần cởi mở và khách quan hơn. Riêng cá nhân anh luôn được ban giám đốc công ty tin tưởng, đồng thời ủng hộ mau lẹ các kiến nghị từ công đoàn đưa ra. “Chính vì nhận ra giá trị người lao động là tài sản mà công ty đang có, vì vậy nếu không quan tâm, chăm sóc họ thì doanh nghiệp khó mà trụ được với sự cạnh tranh lao động trong bối cảnh hiện nay” - anh nhìn nhận.

Theo anh, nhiệm vụ chính của công đoàn không chỉ đơn thuần bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi có chuyện, mà phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân nhiều hơn. “Tôi luôn trăn trở làm sao để khuyến khích công nhân đi học nhiều hơn. Bên cạnh đó là việc nâng cao tay nghề để họ nhận được mức lương xứng đáng hơn. Như vậy mới cải thiện được cuộc sống” - anh bày tỏ.

Các hoạt động công đoàn nổi bật ở đây là thường xuyên mở các lớp bổ túc, dạy nhạc, võ, ca cổ, đàn guitar. Công ty còn hỗ trợ 300.000 đồng/tháng tiền sữa cho các bà mẹ có con nhỏ. Công đoàn nơi này còn xây dựng quỹ hỗ trợ công nhân đi học với số tiền hàng trăm triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, công nhân đi học có nhu cầu vay vốn (lãi 0%) sẽ được công đoàn tạo điều kiện.

Anh bảo anh học ở công nhân rất nhiều, những điều họ kiến nghị đều xuất phát từ thực tế công việc, cán bộ công đoàn luôn phải lắng nghe câu chuyện của công nhân mới giải quyết thấu lý đạt tình.

Công ty Pou Yuen có số lao động đông nhất cả nước, các hoạt động công đoàn ở đây cũng rất tập trung và đa dạng, bao gồm các hoạt động chăm lo đời sống, quyền lợi cho người lao động. Công đoàn nơi này đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, tinh thần khá phong phú. Các hoạt động này, phần lớn là do Chủ tịch Công đoàn công ty Củ Phát Nghiệp khởi xướng và dẫn dắt. Liên đoàn Lao động TP đánh giá cao vai trò của anh trong việc xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định tại công ty và trên địa bàn TP.

Ông TRẦN THANH HẢI, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, nhận xét

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm